04/08/2017 12:24 GMT+7

Giới trẻ giữ chìa khóa giải cứu môi trường

BÌNH MINH (Từ Tokyo)
BÌNH MINH (Từ Tokyo)

TTO - Đó là phát biểu của ông Motoya Okada, chủ tịch Quỹ môi trường AEON, tại lễ khai mạc Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 vừa diễn ra tại Trường đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản).

Các sinh viên tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 - Ảnh: BÌNH MINH
Các sinh viên tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 - Ảnh: BÌNH MINH

Theo ông Okada, thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc giải các bài toán về môi trường, trong đó có sự bền vững về đa dạng sinh học và trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên khỏi sự tàn phá nhanh chóng của con người.

Có kinh nghiệm ứng dụng tại quê hương

Cũng tại buổi lễ, ông Kaoru Kamata, chủ tịch Đại học Waseda, đánh giá cao sự chủ động của các sinh viên tham gia chương trình ASEP qua các năm. Sau mỗi chương trình, các bạn trẻ không chỉ gặt hái được các mối quan hệ mới, mở rộng tầm mắt, mà còn tích cóp được thêm nhiều kinh nghiệm để ứng dụng vào việc bảo vệ môi trường ngay tại đất nước mình.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Lee Yun Jae - đại diện đến từ Đại học Hàn Quốc - cho biết cô rất tâm đắc với những chia sẻ của các khách mời về vai trò giới trẻ trong việc giữ gìn sự phát triển bền vững.

“Tôi cho rằng những gì chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai mai sau. Những trận thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt có sức tàn phá rất lớn. Chúng không ảnh hưởng riêng một quốc gia nào mà gây thiệt hại cho toàn thể nhân loại” - cô nói.

Đến với chương trình ASEP năm nay, Yun Jae chia sẻ cô muốn tìm hiểu thêm về những nền văn hóa và kinh nghiệm giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên từ các nước bạn trong khu vực châu Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

Không chỉ vấn đề của riêng nước Nhật

Trong khi đó, Saito Ingrid Komaki - sinh viên Đại học Waseda - cho biết cô hi vọng những thanh niên tham dự ASEP 2017 sẽ hiểu rằng thiên tai không chỉ là vấn đề của riêng Nhật Bản mà là nỗi lo của toàn nhân loại. Khi thiên nhiên nổi giận, ngay cả những công nghệ hiện đại nhất cũng khó lòng chế ngự.

“Hậu quả do thiên tai gây ra không thể kể hết được. Vì vậy, tôi mong các bạn trẻ hãy biết trân quý môi trường, hãy tư duy một cách có ý thức vì bảo vệ môi trường là vấn đề rất thực tế” - cô nhấn mạnh.

Sau ngày đầu tiên tham quan, tìm hiểu thành phố Tokyo, bắt đầu từ ngày 3-8 các sinh viên sẽ chính thức bước vào “guồng quay” của chương trình với hàng loạt hoạt động như thăm trang trại nuôi hàu, trồng cây gây rừng, giao lưu văn hóa, tham dự các buổi thảo luận và giảng dạy về chủ đề môi trường...

Trong đó, nhóm các sinh viên Việt Nam cho biết ngoài những kỹ năng, kiến thức được trang bị từ giảng đường ở Đại học Quốc gia Hà Nội, trong lần này họ còn chuẩn bị tiết mục văn nghệ “My Vietnam” để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Dù chỉ mới gặp nhau nhưng hầu hết các sinh viên đều thoải mái, cởi mở khi giao tiếp. Nhờ vậy dù đến bất cứ đâu, không khí các hoạt động đều vui vẻ, sôi nổi hơn rất nhiều.

"Đa dạng sinh học và sự tái sinh"

Năm nay, chương trình diễn ra từ ngày 1 đến 6-8 tại Nhật Bản (thành phố Tokyo, tỉnh Miyagi và tỉnh Chiba) với chủ đề chính “Đa dạng sinh học và sự tái sinh”. Có tổng cộng 64 sinh viên đến từ tám trường đại học của các quốc gia trong khu vực châu Á như ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Hàn Quốc (Hàn Quốc), ĐH Malaya (Malaysia), ĐH Quốc gia Hà Nội (Việt Nam), ĐH Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), ĐH Indonesia (Indonesia), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc).

Chương trình nhận được sự hợp tác, hỗ trợ truyền thông từ nhật báo Mainichi (Nhật Bản) và báo Tuổi Trẻ.

BÌNH MINH (Từ Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên