TS Đinh Phương Duy: Không nên quá cứng nhắc hoặc cấm cản, sẽ khiến các em có cảm giác bị áp đặt, dẫn đến ức chế và một khi cảm xúc bùng lên sẽ rất khó lường - Ảnh: HỮU THUẬN
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cho rằng giới trẻ Việt thời hiện đại rất dễ thích nghi, hưởng ứng những trò chơi, những xu hướng mới trên thế giới. Nguyên nhân sâu xa chính là vì họ đang rất thiếu một sân chơi phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi...
TS Đinh Phương Duy chia sẻ quan điểm về những trào lưu của giới trẻ hiện nay - Video: HỮU THUẬN
Tâm lý đám đông dễ lây lan
* Dưới góc độ tâm lý, ông đánh giá như thế nào về sự hưởng ứng của giới trẻ với những trò chơi, trào lưu mới mẻ bắt nguồn từ những lời kêu gọi trên mạng xã hội, gần đây là cầm chảo xuống phố đã diễn ra ở một số thành phố lớn?
Thứ nhất, những trò chơi như thế rất lạ, phù hợp với tâm lý giới trẻ. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhiệm vụ của các bạn là vừa học vừa chơi, nếu bị ép học nhiều quá họ sẽ tìm đến những trò chơi phù hợp với cảm xúc để giải tỏa.
Việc họ nhanh chóng hưởng ứng những trò chơi mới thể hiện rất rõ nhu cầu được chơi và cần có chỗ chơi.
Thứ hai, tâm lý đám đông rất dễ lây lan, chỉ cần một người đưa lên mạng xã hội thì ngay lập tức các bạn trẻ sẽ hưởng ứng, ai không chơi sẽ thấy mình lạc bầy, ức chế và sẵn sàng lao vào để chứng tỏ mình không dị biệt. Tâm lý đám đông vốn có sẵn trong cộng đồng và tuổi thiếu niên rất dễ bị điều này chi phối.
Thứ ba, đây cũng là phản ứng của giới trẻ đối với gia đình và là thông điệp với xã hội khi các em muốn chứng minh rằng mình làm được nhiều thứ, không chỉ riêng việc học.
* Nhiều người vẫn còn băn khoăn trước những trào lưu này, lo ngại rằng với những xu hướng mới, giới trẻ khó phân biệt được đâu là ngưỡng phù hợp?
Những trò chơi này không ảnh hưởng đến trật tự xã hội, không ảnh hưởng đến những giá trị nhân cách của các bạn trẻ. Theo tôi, chúng ta không nên quá cứng nhắc hoặc cấm cản, điều này sẽ khiến các em có cảm giác mình bị áp đặt dẫn đến ức chế và một khi cảm xúc bùng lên sẽ rất khó lường.
Nhưng ở góc độ quản lý thì cần phải lưu ý. Hôm nay cầm chảo, ngày mai cầm gì ra phố? Các nhà quản lý, các tổ chức thanh niên cần đồng hành và cùng chơi với giới trẻ để có thông tin, hướng các bạn đến những trò chơi lành mạnh, chia sẻ với ý tưởng mới này của giới trẻ và giúp họ biết đâu là ngưỡng phù hợp.
Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội, hàng trăm bạn trẻ tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM đã xuống đường mang theo các loại chảo để "chạy lòng vòng" trên phố - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chơi phải ra chơi
* Mạng xã hội đã xóa bỏ những rào cản thông tin giữa các nước, các châu lục, những trào lưu mới của giới trẻ thế giới gần như ngay lập tức xuất hiện ở Việt Nam, cả trên mạng lẫn ngoài đời. Có phải trào lưu mới nào cũng phù hợp với giới trẻ Việt không, thưa ông?
Giới trẻ bây giờ dễ thích nghi với cái mới nhưng họ cũng rất chủ quan. Các bạn nghĩ rằng cái gì mới cũng hay, nhưng nó phải xuất phát từ văn hóa, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế xã hội của người Việt.
Có những trào lưu, trò chơi ở nước ngoài chấp nhận được, nhưng ở Việt Nam lại không bởi vì nó chưa phù hợp với sự phát triển ở Việt Nam, không đủ sức để thuyết phục cộng đồng ủng hộ. Cho nên, bạn trẻ nên có bước đi cẩn thận với những cái mới, dù năng động nhưng cũng phải bình tĩnh.
Khi có ý kiến trái chiều, khi bị “ném đá” thì cũng đừng nghĩ mình không được tôn trọng mà đánh mất đi sự bình tĩnh. Các bạn trẻ phải chứng minh mình thực hiện cái mới nhưng nó có cơ sở, bản thân có bản lĩnh và đủ “trình” để thực hiện cái mới.
TS Đinh Phương Duy
Dù đã du nhập vào Việt Nam nhiều năm nhưng đến nay trào lưu cosplay (hóa thân vào các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, game...) vẫn có nhiều luồng ý kiến khen chê. Trong ảnh, bạn trẻ Bùi Nguyễn Tường Vân (TP.HCM) chuẩn bị tham gia một lễ hội hóa trang tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
* Nhưng giới trẻ chơi là chấp nhận rủi ro, chấp nhận những ý kiến trái chiều, luôn hừng hực khí thế "dám chơi, dám chịu"!
Tôi đồng ý với bạn, đã chơi là phải ra chơi. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm và sẵn sàng đối diện với những rủi ro nếu có, đồng thời sẵn sàng chia sẻ để những ý tưởng của mình được chấp nhận hoặc nếu không cũng sẵn sàng trao đổi để xã hội thấu hiểu.
Trước khi thực hiện những trò chơi, những xu hướng mới, các bạn trẻ nên thăm dò phản ứng xã hội bằng cách chia sẻ với những người xung quanh mình, cũng là cách tìm một chỗ dựa tinh thần.
Thực ra, giới trẻ luôn muốn chứng tỏ sức mạnh trước bạn bè, nên nhiều khi chưa lường trước được những hệ quả, đến khi xảy rồi thì hối hận cũng muộn màng. Xã hội mong chờ giới trẻ thể hiện bản lĩnh, thể hiện sự độc lập trong suy nghĩ, đề xuất ý tưởng và thực hiện sáng kiến nhưng các bạn phải làm sao cân bằng rằng mình đang ở đâu, trong bối cảnh nào để có sự phù hợp trong chuẩn mực.
TS Đinh Phương Duy: Xã hội mong chờ giới trẻ thể hiện bản lĩnh - Video: HỮU THUẬN
Trải nghiệm thay vì trở thành "anh hùng bàn phím"
* Bên cạnh những bạn trẻ luôn mạnh dạn bắt nhịp với những trào lưu mới thì cũng có không ít người luôn dè chừng, bình luận trên mạng xã hội với những thành kiến với cái mới, ông nghĩ sao về điều này?
Những người đó thường được gọi đó là "anh hùng bàn phím". Đôi khi họ không có ý xấu nhưng họ thiếu thực tiễn, thiếu cái "chất" của cộng đồng nên họ có những bình luận không phản ánh đặc điểm chung của nhóm xã hội đang thực hiện một sự kiện.
Họ lồng ghép ý kiến cá nhân vào dù rất phiến diện, bởi họ không có nhiều trải nghiệm như những người trẻ đang đứng trong cuộc chơi. Cuộc sống bao giờ cũng vậy, phải thử mới biết. Khi đưa ra lời khuyên, dù chân thành nhưng sẽ không thực sự chính xác nếu không có trải nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận