21/10/2018 13:10 GMT+7

Giới tài chính Mỹ đánh giá thấp bài tẩy giá dầu của Saudi Arabia

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Phố Wall cho rằng Saudi Arabia không còn vị thế như những năm 1970, kể cả khi vương quốc này vẫn là một “kho dầu” trên thế giới.

Giới tài chính Mỹ đánh giá thấp bài tẩy giá dầu của Saudi Arabia - Ảnh 1.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục - Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo Saudi Arabia ngày 20-10, đúng như dự đoán, đã tuyên bố xác nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết. Nạn nhân - cây bút của tờ Washington Post - là người chỉ trích mạnh mẽ Thái tử Mohamed bin Salman. 

Dư luận Mỹ tuy vậy vẫn chưa hài lòng với giải thích của Riyadh về cái chết của ông Khashoggi. Họ không tin Khashoggi thiệt mạng sau một vụ ẩu đả bằng tay không ở lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Các cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết vẫn được tiến hành. Nhưng giới kinh doanh Mỹ đã tính tới trường hợp xấu nhất là Saudi Arabia đứng sau vụ việc. Điều đó đồng nghĩa Tổng thống Mỹ Donald Trump phải cho Saudi Arabia nếm trải "hậu quả rất lớn" như đã cam kết.

Một cuộc tan vỡ trong quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia, và kéo theo căng thẳng về thương mại, gây biến động giá dầu? Kịch bản ấy có thể xảy ra.

Báo USA Today của Mỹ cho rằng nếu Mỹ trừng phạt Saudi Arabia, vương quốc này sẽ dùng ảnh hưởng của mình để làm người tiêu dùng Mỹ tổn thương bằng cách đẩy giá dầu lên rất cao.

Hiện Saudi Arabia đã cảnh báo về việc tác động tới mức cung dầu mỗi ngày để đưa giá dầu thô từ 70 USD/thùng như hiện nay lên trên 100 USD/thùng, hoặc thậm chí 200 USD/thùng.

Nếu dầu duy trì ở mức giá quá cao như vậy trong thời gian dài, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng, báo USA Today dẫn nhận định từ các chuyên gia kinh tế.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia, đơn cử như nhà phân tích chuyên về các thị trường mới nổi Jason Tuvey cũng cho rằng Saudi Arabia sẽ không đẩy căng thẳng lên cực điểm, vì về cơ bản vương quốc này cũng chịu tổn thương trong cách tiếp cận ấy.

Lý do nằm ở chỗ dầu là động lực chính trong nền kinh tế của Saudi Arabia, nước vốn dĩ tạo dựng uy tín như một nhà cung cấp đáng tin cậy. Uy tín ấy hoàn toàn có thể biến mất nếu Riyadh đánh cược với con bài giá dầu.

Christopher Smart, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô và địa chính trị tại Công ty đầu tư Barings, phân tích: "Đó là con dao hai lưỡi. Có khả năng họ sẽ gây tổn hại kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, nếu hành động đột ngột, nhưng tác hại lâu dài đối với chính họ và danh tiếng thì khó xây dựng lại được".

Nhiều chuyên gia lý giải rằng hiện Saudi Arabia không còn mạnh và ảnh hưởng lớn như những năm 1970. Khi đó Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể đẩy Mỹ vào thế chịu đựng. 

Hiện nay với khoảng 100 quốc gia sản xuất dầu thô, Saudi Arabia chiếm khoảng 13% sản lượng mỗi ngày, theo Cục quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). 

Tuy nhiên sự trỗi dậy của ngành công nghiệp dầu ở Mỹ (12% sản lượng mỗi ngày trên thế giới) cũng khiến Saudi Arabia mất dần khả năng thống trị thị trường.

Saudi Arabia hiện chiếm 9% tổng lượng nhập khẩu dầu của Mỹ, nhưng số lượng dầu thô nhập từ đồng minh Trung Đông này đã giảm gần 50% so với thời điểm năm 2008.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên