Theo CNN ngày 20-7, phát hiện mới đến hết sức tình cờ khi xe tự hành Curiosity đụng phải một hòn đá trên sao Hỏa. Cú va chạm khiến hòn đá nứt thành nhiều mảnh, và những tinh thể màu vàng lục chưa từng được thấy ở hành tinh này đã chảy ra giữa các vết nứt.
Nhà khoa học Ashwin Vasavada thuộc dự án xe tự hành Curiosity tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA ở California, nhận xét đây gần như là một phát hiện kỳ lạ và không ngờ đến nhất của nhiệm vụ.
"Chúng tôi há hốc tận hai lần. Một lần khi nhìn thấy kết cấu và màu sắc tuyệt đẹp bên trong hòn đá. Và sau khi sử dụng các thiết bị của Curiosity để phân tích và nhận được dữ liệu cho thấy đó là lưu huỳnh nguyên chất, chúng tôi đã rất sửng sốt", ông Vasavada nói.
Nhóm nghiên cứu trước đó đã phát hiện bằng chứng về lưu huỳnh, tuy nhiên nó đã được kết hợp với các nguyên tố khác và tạo thành canxi sunfat (thường được biết đến là thạch cao).
Đây là lần đầu tiên lưu huỳnh nguyên chất được tìm thấy ở hành tinh này.
"Phải nói là chúng tôi đã rất may mắn, vì không phải hòn đá nào cũng chứa những điều thú vị như vậy", ông nói.
Xe tự hành Curiosity hiện đang khám phá kênh Gediz Vallis. Đây là một rãnh quanh co được tạo ra cách đây 3 tỉ năm khi những dòng nước chảy và các mảnh vụn kết hợp với nhau. Kênh được khoét sâu vào sườn dốc của núi Sharp cao 5km. Được biết xe tự hành đã leo lên ngọn núi này từ năm 2014.
Xe tự hành Curiosity được NASA gửi đến sao Hỏa ngày 6-8-2012 với nhiệm vụ điều tra khí hậu và địa chất sao Hỏa liệu có thể cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật hay không.
Chiếc xe này được đánh giá là xe tự hành lớn nhất và tinh vi nhất từ trước đến nay mà NASA đưa lên sao Hỏa để thực hiện hoạt động thám hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận