Bão Matthew gây hư hại nhà cửa ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters |
CoreLogic, một công ty chuyên về phân tích dữ liệu của Mỹ, khẳng định thiệt hại trong bão Matthew chủ yếu xuất phát từ lũ lụt và gió mạnh. Ngày 8-10, công ty này ước tính sẽ có khoảng 90% yêu cầu bồi thường thiệt hại do gió lớn, 10% còn lại do lũ lụt.
Nhưng đó chỉ là thiệt hại ban đầu. FitchRatings, một công ty phân tích rủi ro và tín dụng ước tính tổng thiệt hại từ bão Matthew có thể khiến các công ty bảo hiểm Mỹ phải móc hầu bao 25-30 tỉ USD để bồi thường. Con số này lớn hơn tổng số tiền bồi thường bảo hiểm do các thảm họa tự nhiên gây ra ở Mỹ trong năm 2015 là 16 tỉ USD.
Chết các công ty bảo hiểm nhỏ
Nhưng đó không phải là điều đáng lo ngại, theo FitchRatings, các công ty bảo hiểm vừa và nhỏ đang chiếm phần lớn thị trường bảo hiểm ở các bang miền đông nam nước Mỹ, riêng tại Florida, tỉ lệ này lên tới 60%.
Lần cuối cùng một cơn bão lớn đổ bộ trực tiếp vào bờ đông nam nước Mỹ là vào năm 2005. Trong hơn 10 năm sau đó khu vực này khá yên bình, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty bảo hiểm nhỏ làm ăn sinh lời. Nhưng đó lại là mấu chốt khó khăn của vấn đề.
Christopher Grimes, một giám đốc tại FitchRatings, lo ngại: “Những công ty bảo hiểm nhỏ có thời gian hoạt động ngắn và ít có kinh nghiệm đối phó với các cơn bão lớn”.
Các điều khoản của những công ty bảo hiểm này quy định rất cụ thể về những bồi thường gây ra do gió lớn trong các cơn bão nhưng lại viết rất chung chung về trách nhiệm bồi thường do lũ lụt thậm chí khẳng định nó không thuộc trách nhiệm của họ.
Do đó, khả năng cao là khi bão Matthew gây ra lũ lụt trên diện rộng với thiệt hại đáng kể, các công ty này sẽ dựa vào Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia (NFIP) của chính phủ Mỹ để chi trả tiền bảo hiểm.
Reuters dẫn lời một chuyên gia nhận định nếu đúng là như vậy, Quốc hội Mỹ sẽ phải mở rộng quyền hạn cho vay của NFIP một lần nữa. Khoảng vài tỉ USD bồi thường sẽ tiếp tục được cộng vào khoản nợ hơn 23 tỉ USD của chương trình này sau trận lũ lịch sử ở Louisiana hồi tháng 8 năm nay.
Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA), đơn vị giám sát của NFIP, trong những năm gần đây đã phải vay mượn rất nhiều từ Bộ Ngân khố Mỹ để bù lỗ cho chương trình này.
Năm 2012, FEMA đã từng cố gắng cải tổ lại NFIP và tiến hành nhiều biện pháp như tăng tiền bảo hiểm đối với các tài sản ven biển. Năm 2014, Quốc hội Mỹ đình chỉ quá trình cải tổ và không đả động gì đến nó kể từ đó đến nay.
Ảnh hưởng bão Matthew tiếp tục kéo dài
Theo Reuters, sau khi đổ bộ vào Nam Carolina ngày 8-10, bão Matthew đã suy yếu thành cơn bão cấp 1 trong thang bão 5 cấp Saffir-Simpson. Tuy nhiên, mưa lớn và gió mạnh trên 120km/g tiếp tục đe dọa khu vực bờ đông nam nước Mỹ.
Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo mưa lớn kéo dài có thể sẽ gây ra tình trạng lũ lụt tại các bang Georgia và Bắc Carolina đe dọa tới tính mạng và tài sản của người dân trong vài ngày tới.
Tối 8-10, Thống đốc bang Bắc Carolina Pat McCrory đã phải kêu gọi người người dân không nên xuống đường hoặc đi trên vỉa hè để tránh các tai nạn chết người do lũ lụt và các mảnh vỡ gây ra.
Các trung tâm dự báo thời tiết cảnh báo lũ lụt trên diện rộng có thể xuất hiện. Lượng mưa tại một số khu vực được dự báo sẽ lên tới 400mm khi kết hợp cùng thủy triều dâng cao và sóng lớn có thể ngây nguy hiểm tới tính mạng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 11 người Mỹ chết vì bão Matthew trong đó có hai người chết vì cây đổ. Bang Florida, nơi cơn bão áp sát bờ biển có 5 người chết, hai bang Bắc Carolina và Georgia mỗi nơi có ba người chết.
Hơn 2 triệu gia đình và các doanh nghiệp tại Florida và Nam Carolina bị mất điện.
Mưa lớn khiến nhiều khu vực tại bang Nam Carolina ngập trong nước - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó tại Haiti, tình hình cứu trợ vẫn đang hết sức khó khăn và nỗi lo bùng phát dịch tả ngày càng lớn khi chính phủ nước này xác nhận đã có 13 người chết vì bệnh tả.
Giới chức địa phương khẳng định ít nhất 877 người đã chết vì bão Matthew trong khi cơ quan bảo vệ dân sự Haiti xác nhận chính thức có 336 người chết do còn phải đến từng khu vực kiểm tra lại.
Chính phủ Haiti dự kiến sẽ tổ chức ba ngày quốc tang.
Theo Reuters, quân đội Mỹ đã bắt đầu gửi hàng viện trợ tới Haiti bằng đường hàng không và đường biển. Một tàu đổ bộ của hải quân Mỹ mang theo trực thăng, xe ủi, nước ngọt và hai bệnh viện dã chiến cũng áp sát đảo quốc này.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc cũng đã huy động 4.000 tấn lương thực cứu trợ các gia đình Haiti bị ảnh hưởng. Hiện vẫn còn hơn 61.500 người dân Haiti phải sống tạm bợ trong các lều trại vì nhà cửa đã bị bão Matthew tàn phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận