13/08/2019 14:40 GMT+7

'Gieo mầm tri thức': Đường đến trường chông chênh của Yến và Xuân

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Đó là chuyện về hai cô gái nhỏ, Xuân (11 tuổi) và Yến (9 tuổi). Mỗi em một cảnh nghèo, một nghịch cảnh nhưng giống nhau từ chuyện đỡ đần cha mẹ, đảm đang việc nhà và quyết tâm học hành bằng nghị lực phi thường.

Gieo mầm tri thức: Đường đến trường chông chênh của Yến và Xuân - Ảnh 1.

Sách vở luôn là tài sản quý giá, được Lê Thị Thanh Xuân gói ghém kỹ cất ở đầu giường ngủ - Ảnh: CHÍ HẠNH

Số phận đã không ngăn được nghị lực của hai học trò nghèo đến trường.

Tài sản quý của Xuân

Trước thềm năm học mới, chúng tôi đến thăm nhà cô bé Lê Thị Thanh Xuân, học sinh lớp 6/1 Trường THCS-THPT Phú Quới (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ngôi nhà nằm sâu hút gần bìa ruộng, vách lá dừa nước, cột gỗ sơ sài, mái nhà dột nhìn thấu trời xanh.

Thanh Xuân là chị cả, em của Xuân mới hơn 1 tuổi. Hoàn cảnh thật éo le, cha Xuân mắc bệnh về thần kinh, mất khả năng lao động. Trăm công ngàn việc trong nhà đều trút hết lên đôi vai gầy người mẹ. Tảo tần cách mấy, mỗi ngày mẹ Xuân cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng trang trải mọi chi phí gia đình.

Tiết kiệm lắm, mẹ Xuân cũng chỉ dám mơ có đủ cái ăn, cái mặc để chòm xóm nhìn coi được. Vậy nên Thanh Xuân không dám mơ đến một chiếc xe đạp mới để tới trường. 

Hằng ngày, cô bé học trò với dáng người gầy gò đến trường bằng chiếc xe đạp mượn của cô ruột, đạp xe 6 cây số cả đi lẫn về. Hoàn cảnh vậy nhưng Xuân luôn đạt thành tích khá giỏi, thầy cô, bạn bè quý mến.

Ở nhà, Xuân thay mẹ trông chừng không để cha bỏ nhà đi lang thang. Em còn phụ việc nhà, giữ em nhỏ để mẹ yên tâm ra đồng kiếm sống. Với Xuân, sách vở là thứ tài sản quý giá nhất. Em gói ghém sách cẩn trọng, gọn gàng rồi cất kỹ trên đầu giường ngủ.

Khi được hỏi sau này sẽ làm gì để cha mẹ bớt cơ cực, Xuân liền nói: "Chỉ có đi học, học thật giỏi thôi chú ạ! Nhưng con sợ cha mẹ không lo nổi cho chị em con... 

Nhà con rất khó khăn, có khi mẹ phải đi mò cua bắt ốc để nuôi hai chị em. Con cũng có ước mong được đi học, trở thành một bác sĩ nên con sẽ luôn cố gắng đến trường và học thật giỏi. Trong giờ học, con luôn xung phong phát biểu ý kiến, cái gì không biết thì con hỏi cô".

280 suất học bổng cho học trò Vĩnh Long

Sáng nay, 13-8, tại Huyện ủy Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Vĩnh Long, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ trao học bổng "Gieo mầm tri thức" cho 280 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích khá, giỏi trong học tập. Mỗi suất trị giá 2 triệu đồng gồm xe đạp, một phần quà...

Học bổng "Gieo mầm tri thức" ra đời vào năm 2018. Đây cũng là học bổng lần thứ 490 thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. (TRUNG DÂN)

Gieo mầm tri thức: Đường đến trường chông chênh của Yến và Xuân - Ảnh 3.

Cô bé Hà Nguyễn Hồng Yến với ước mơ trở thành cô giáo - Ảnh: CHÍ HẠNH

Cô bé lớp 3 vượt qua nghịch cảnh

Men theo con đường huyện Phú Lộc - Bàu Gốc ngoằn ngoèo, băng qua những cánh đồng lúa xanh mượt, chúng tôi về ấp 7, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. 

Ở đây, hỏi bất cứ ai trong xóm về cô học trò lớp 3/2 Trường tiểu học Hòa Hiệp tên Hà Nguyễn Hồng Yến đều được nghe những lời trầm trồ khen ngợi vì em chịu thương chịu khó vượt qua hoàn cảnh gia đình.

Yến có gương mặt sáng, lanh lợi và lễ phép. Yến nhanh chóng khoanh tay lễ phép chào tôi và thầy chủ nhiệm rồi đưa khách về nhà mình. Căn nhà lá che nắng, che mưa của gia đình bốn người nằm heo hút phía sau góc vườn nhà nội. 

Gia cảnh hiếm gặp, cha mẹ em đều bị câm điếc bẩm sinh. Nhưng chuyện đó đã không là trở ngại đối với cô bé học trò giỏi Hồng Yến. Từ bé, bằng sự nỗ lực tự thân, Yến đã tự mình tìm tòi cách giao tiếp với cha mẹ.

Cha Yến hiện đang làm công nhân vệ sinh cho Bệnh viện huyện Tam Bình với mức lương 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Còn mẹ Yến vừa sinh con nhỏ nên phải ở nhà chăm con. 

Thu nhập không nhiều, nhà lại không có đất đai canh tác, mọi chi tiêu phải hết sức tằn tiện. Căn nhà lợp lá của gia đình được khoét một lỗ trên mái để đón ánh mặt trời nhằm tiết kiệm tối đa tiền điện.

Yến rất chăm chút cho góc học tập của mình. Tập sách, đèn học được em sắp xếp ngay ngắn ở một vị trí rất gọn gàng. Thời khóa biểu, thời gian học tập ở lớp và ở nhà được em vạch ra rất cụ thể. 

Hằng ngày Yến đạp xe băng đồng hàng chục cây số trên chiếc xe đạp mượn của bạn cùng xóm để đi học. Gian truân vậy nhưng 3 năm liền Yến luôn đứng vững bằng đôi chân đầy nghị lực, chưa ngày nào phụ lòng thầy cô và cha mẹ, thành tích học tập luôn được đánh giá xuất sắc.

Yến cho biết mỗi ngày sau giờ học buổi sáng, Yến giữ em để mẹ lo cơm nước và tranh thủ ôn bài để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Buổi tối, Yến dành ra 2 giờ làm bài tập. "Gia đình con rất khó khăn. Con sẽ cố gắng học tập cho tới nơi tới chốn, phải học đến đại học để trở thành cô giáo" - Yến nói.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 Trường tiểu học Hòa Hiệp, cho biết Hồng Yến luôn là học sinh gương mẫu, Yến còn biết giúp đỡ bạn bè trong lớp cùng cố gắng. Hồng Yến luôn nhận được sự tin tưởng của các thầy cô với vị trí lớp trưởng nhiều năm.

Tiếp sức cho trò nghèo

"Chúng tôi hiểu, nhiều em học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, trước một ngưỡng cửa cuộc đời. Là một ngân hàng đóng trên địa bàn, gắn liền với bà con, chúng tôi rất mang ơn người nông dân.

Do đó, những phần quà trong chương trình gieo mầm tri thức lần này chúng tôi mong muốn chia sẻ một phần để các em có thêm động lực vượt qua khó khăn, yên tâm tiếp tục đến trường" - ông Trần Đình Chánh, giám đốc Ngân hàng Agribank Vĩnh Long, bày tỏ.

Chương trình Chương trình 'Gieo mầm tri thức': Đường đến trường bớt xa xôi, vất vả

TTO - Sáng 21-12, hơn 300 chiếc xe đạp đã đến tay các em học sinh vùng sâu các huyện Tuy Đức, Đắk Rlấp, Đắk Glong (Đắk Nông) trong niềm vui sướng. Từ nay, nhiều em không phải lội bộ hơn 5km, băng rừng, trèo đồi đến lớp...


CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên