Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ giống lúa ST25, trên cánh đồng lúa mẫu tại xã Đắk Tờ Kan (Tu Mơ Rông, Kon Tum) - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Bên xã Đắk Na trước giờ người dân trồng lúa đâu trải qua cảm giác vừa đem ra đã bán sạch. Mới hôm trước, tôi bày bà con cho gạo vô túi, mỗi túi 3kg, bán giá 100.000 đồng. Không ngờ, họ vừa đem ra đã bán sạch. Vì huyện tôi mới trồng, sản lượng gạo ST25 không nhiều.
Ông Võ Trung Mạnh
Nghe gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện vùng cao Tu Mơ Rông (Kon Tum) có trưng bày gạo ST25 "ngon nhất thế giới", một nông dân quê Sóc Trăng tìm lên hỏi mua. Bất ngờ, chủ hàng lắc đầu không bán, vì... "trưng chơi vậy thôi, chứ có người đã hỏi mua hết số gạo quý này rồi".
Người bán gạo trên núi rừng Tây Nguyên hôm ấy không biết vị khách miền Tây đến hỏi mua thử đó chính là cha đẻ giống lúa ST25 mà họ đang bày bán. Nhắc chuyện này, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cười: "Tôi làm ra giống lúa nhưng cũng có lúc cũng chẳng mua được gạo của bà con trên này".
Tìm giống lúa "giải nạn" mùa thất bát
Ông Hồ Quang Cua kể chuyện để có hạt lúa nổi danh ST25 trên vùng cao, đồng bào trên này cũng mấy phen vất vả. Ông nhớ hoài hai phụ nữ từ Đắk Lắk lần đầu tìm đến tận Sóc Trăng, tìm mua giống lúa về cho buôn làng. Họ mở đường giải nguy cho đồng đất sau vụ mùa thất bại ê chề.
Mấy năm trước, trong khi người dân vùng ĐBSCL được mùa, trúng giá nhờ trồng lúa ST25 thì tại buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), nhiều nông dân lại trải một "mùa lúa đắng".
Chị Bùi Thị Hồng (32 tuổi) kể nghe trên đài người ta trồng lúa ST24, ST25 của ông Cua trúng mùa, được giá, nên bà con buôn Trấp háo hức tìm mua giống lúa nổi tiếng cho gạo ngon này. Biết chuyện, một thương lái tên H. chào bán giống ST24 cho những nông dân chất phác. Mừng rỡ, chị Hồng mua về gieo trên 6ha, nhưng lạ là khi lúa chưa làm đồng đã phân ra nhiều tầng. Đến khi thu hoạch thì trời đất ơi, toàn lúa ma với cỏ đuôi phụng.
"Mình vừa giận vừa buồn vì ở vùng cao, xa chỗ ông Cua quá nên người ta nói giống sao thì mình mua làm vậy...".
Ấm ức, chị Hồng bàn với cô em chồng: "Hay chị em mình làm một cuộc xuống đồng bằng tìm giống lúa ông Cua thật về trồng để gỡ gạc. Rồi tụi tôi đi thỉnh giống lúa như người xưa đi thỉnh kinh vậy. Đường từ buôn Trấp đến Sóc Trăng không biết xa cách mấy, nhưng trước giờ tụi tui có đi đâu xa. Nên lần này đi mà run lắm", chị Hồng nói và chia sẻ thêm hai chị em chọn "ngày đẹp" 2-9-2019 để xuất hành.
Ra đường lớn, hỏi mãi chẳng có xe nào về thẳng Sóc Trăng, họ phải bắt từng chặng về bến xe Miền Đông, TP.HCM rồi lại hỏi đường đến bến xe Miền Tây để tìm xe về Sóc Trăng. Vừa đi vừa sợ lạc.
Đến tỉnh lỵ Sóc Trăng, hai chị em may mắn liên lạc được với anh Hồ Quang Trung, con ông Hồ Quang Cua. Được anh Trung chạy xe ra đón, hai phụ nữ lần đầu rời Tây Nguyên mừng muốn khóc, vì biết mình đã đến được nơi cần đến. Mừng hơn nữa khi được ông Hồ Quang Cua hứa bán lúa giống ST25 về trồng.
"Tôi thấy dân miền Tây họ nói sao làm vậy. Họ thật thà và phóng khoáng. Những ngày còn lại, chị em tôi được đưa đi tham quan nhà máy, thăm ruộng lúa và... uống rượu ST. Cái mình lo nhất là làm sao để 6 tấn lúa về tới buôn Trấp thì họ chở tới tận nơi. Cho tiền thêm họ cũng không lấy...", chị Hồng vui vẻ kể.
Vụ mùa đó, gia đình nhà chị Hồng, chị Tươi trồng toàn bộ 7,7ha lúa ST25 trong sự hoài nghi của hàng xóm. Chị Hồng nói khi thu hoạch năng suất 11 tấn/ha, chị cứ nghĩ mình đang nằm mơ. Bán lúa tươi được 7.100 đồng/kg.
Lần đầu tiên, người trồng lúa ở buôn Trấp bỏ túi tiền trăm triệu đồng từ tiền bán lúa. Cứ nghĩ đó là vụ mùa kỷ lục, nhưng vụ sau ruộng nhà chị Hồng trúng đến 13 tấn/ha. Điều mà dân đồng bằng còn chưa nghĩ tới. Giá bán lúa tươi năm đó trên 8.000 đồng/kg. Họ mở tiệc tưng bừng.
Nông dân A Sịn nói ông khoái ra đồng để… ngửi mùi thơm đặc biệt của lúa ST25
Lúa ngon nhất trên vùng sâm tốt nhất
Thế là buôn trên, làng dưới, người ta kháo nhau rằng cái xứ này trồng giống gì thì giống đó phải là... nhất thế giới. Như cây sâm Ngọc Linh, và giờ là giống lúa ST25 số 1 thế giới chỉ thấy trên đài ấy, nay đã về buôn rồi.
Ông A Nhóc, bí thư xã Đắk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) kể lại có mấy người nói với ông rằng một phụ nữ trong xã đem về "gạo ngon nhất thế giới". Có người được ăn. Nhưng ông thì chưa được thưởng thức để biết nó ngon đến mức nào.
Năm rồi, A Nhóc nói ông vui trong bụng khi cán bộ nông nghiệp huyện đưa về giống lúa ST25 cho dân trong xã trồng thí điểm. Lãnh đạo xã phải chọn những người làm lúa giỏi trên khuôn đồng tốt để xuống hạt giống quý. "Giờ lúa gần chín, sắp có gạo ngon ăn rồi", A Nhóc khoe và sốt sắng đưa chúng tôi đi xem ruộng lúa đang thắp lên niềm vui từng ngày.
Đón khách trên cánh đồng lúa quý, nông dân A Sịn (58 tuổi) không nghĩ rằng ông đã gặp được ngay cha đẻ của giống lúa lừng danh. Những nông dân rụt rè cùng ông Hồ Quang Cua xuống đồng. Cả cán bộ nông nghiệp đi cùng cũng hỏi ông Cua: "Lúa như vầy có đúng không?". A Sịn báo cáo rằng ruộng ông lấy nước, xuống giống, bón phân... đều theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp.
Nhưng ngặt nỗi trồng lúa chưa hẳn là sở trường của cán bộ nông nghiệp vùng cao. Nên khi ông Cua lên tận trên này, họ mới có dịp "thọ giáo" thêm những bí quyết để cây lúa ST25 thích ứng với khí hậu và thổ nhưỡng núi đồi. Thậm chí, ông Cua còn chỉ cả cách... nấu cơm ST25 sao cho ngon nhất.
Ông Đặng Quốc Dũng, chủ tịch UBND xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), thú thật rằng tập quán bà con vùng cao thu hoạch được lúa là... đem đi cất. Chờ đến mùa giáp hạt năm sau mới lấy ra ăn. Ông Cua lại tận tình hướng dẫn lúa mới xay ra gạo nấu cơm thì giữ được độ thơm và ngon nhất.
Khi nghe kể chuyện ông Hồ Quang Cua đi mua gạo ST25 mà dân Tu Mơ Rông không bán, ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện, cười ngất: "Bản thân tôi là chủ tịch huyện này nhưng khi về xã Ngọc Lây hỏi mua gạo ST25 để ăn thử nhưng bà con cũng đâu có bán".
Ông Mạnh cho biết thêm năm 2021 huyện Tu Mơ Rông đã mang giống lúa ST25 về trồng ở hai xã. "Vì mới quá, trồng chắc cũng chưa đảm bảo quy trình nhưng hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều so với giống lúa ở địa phương. Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là để cho dân mình ăn gạo ngon hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn để nâng cao thể chất. Về lâu dài, phải thay đổi tập quán "tích cốc phòng cơ". Đó là hậu quả từ những năm mất mùa, bà con trồng được lúa gạo là phải thủ lâu trong nhà nên giảm chất lượng...".
Tâm sự chuyện đời sống đồng bào, ông Mạnh kể thêm: "Năm 2020, tôi bỏ tiền túi 100 triệu đồng để mua giống về giúp cho bà con. Thấy tôi đăng trên Facebook, nhiều huyện gọi hỏi mua giống lắm. Nhưng thật ra lượng giống này còn không đủ trồng trong huyện nữa là".
Và câu chuyện đồng lúa, nồi cơm hạt gạo ST25 thơm lừng núi đồi Tây Nguyên đang tiếp tục...
Muốn phát triển thương hiệu gạo ST25 cùng sâm Ngọc Linh
Ông Hồ Quang Cua sàng sảy lúa cùng nông dân Tu Mơ Rông
Hôm ngồi trò chuyện với ông Hồ Quang Cua, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông tâm sự mong muốn của mình là xây dựng gạo ST25 thành sản phẩm OCOP của địa phương, rồi kết hợp giữa gạo ngon nhất thế giới với sâm Ngọc Linh tốt nhất thế giới. Nhưng ông Mạnh cũng nói thật không biết ông làm vậy có vi phạm bản quyền lúa giống ST25 hay không. Ông Cua trả lời: "Anh cứ tính chuyện gì có lợi cho người dân xứ anh, tôi hết sức ủng hộ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận