28/10/2013 10:35 GMT+7

Gieo chữ ở xóm Sở Thùng

HOÀNG MAI - TRUNG CƯỜNG
HOÀNG MAI - TRUNG CƯỜNG

TT - Mỗi tối, ở chùa Giác Quang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại có một cảnh tượng... kỳ lạ: trong một gian phòng rộng rãi vừa vang tiếng ê a của trẻ học bài vừa chí chóe tiếng cãi nhau; có những đứa trẻ chăm chú nghe giảng bài, lại có đứa chạy nhảy lung tung.

MlwaJT0S.jpgPhóng to
Phạm Thị Ngọc Mỹ - sinh viên ĐH Hoa Sen - dạy vẽ cho bé Nguyễn Ngọc Thu Phương - Ảnh: Hoàng Mai

Đó là lớp học của bọn trẻ xóm lao động Sở Thùng nổi tiếng ở TP.HCM và những bạn trẻ đang dạy học cho các em là các bạn thuộc CLB công tác xã hội Nhân Ái (TP.HCM), đang thực hiện dự án “Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Nhìn vào “dung nhan” của từng em học trò nhỏ thì biết ngay xuất thân và đời sống của các em: áo quần lôi thôi lếch thếch, da dẻ đen đúa, tóc cháy nắng bởi tất cả là trẻ lượm ve chai, đánh giày, bán vé số...

Những phận đời nghiệt ngã

Vui vì các em tiến bộ

Tiếp cận để dạy chữ, ngăn ngừa trẻ em Sở Thùng có nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội là một dự án của CLB công tác xã hội Nhân Ái. Dự án bắt đầu từ năm 2010, ngoài Sở Thùng còn tiếp cận trẻ em khu vực Cầu Muối, cầu Bình Triệu.

Các thành viên CLB cho biết niềm vui lớn nhất là thấy các em tiến bộ, biết nghe lời và có chuyển biến rõ rệt trong hành vi, nhận thức về cuộc sống theo hướng tích cực.

Cứ đều đặn một tuần hai buổi, Lê Vân Anh - tình nguyện viên - xuống xóm Sở Thùng dạy học cho em Nguyễn Phương Anh, 6 tuổi. Phương Anh bị bệnh thận ứ nước từ nhỏ, đôi chân không đi lại được nên không thể đến lớp. “Lần đầu tiên bước vào phòng trọ của Phương Anh thấy rất thương. Phòng trọ ẩm ướt, tối mịt trong một con hẻm đầy rác, bé Phương Anh nằm ngay dưới nền nhà” - Vân Anh nhớ lại mà không cầm được nước mắt. Ngoài dạy học, Vân Anh còn tập cho bé tô màu, dạy vẽ...

Theo Mai Kiều Oanh - sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, quy tụ và dạy được chữ cho các bạn nhỏ ở đây là một kỳ công. Những ngày đầu đi dạy bị học trò chọc giỡn và chạy nhảy khắp phòng, mất một thời gian tỉ tê, tìm hiểu hoàn cảnh mới đồng cảm và thuyết phục các em. Phạm Thị Ngọc Mỹ, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cũng như Oanh cho biết phải lén gia đình đi dạy vì “sợ má la” nếu biết lân la đến cái xóm lao động nổi tiếng phức tạp này.

Ở lớp học này biết bao câu chuyện, bao nhiêu hoàn cảnh gia đình của trẻ em đường phố. Như hai bé Võ Thị Thanh Như (lớp 5) và Võ Trọng Nghĩa (lớp 3), ba bỏ đi khi các em còn nhỏ, mẹ đi làm xa ba tháng mới về một lần. Hai em ở với ông ngoại cùng nhiều người khác. Hơn mười người làm nghề lượm ve chai sống chui rúc trong căn phòng chật chội chừng 10m2. Ông ngoại của Như, Nghĩa đã 62 tuổi, ngày ngày đi nhặt ve chai từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Thời gian gần đây ông bệnh lao cùng với bệnh tuổi già nên không còn sức để mưu sinh như trước.

Hai em Như, Nghĩa vì vậy thường xuyên ăn mì gói, có khi phải nhịn đói trong mấy ngày liền vì hết gạo. Nghĩa kể: “Em và chị Như đi lượm ve chai từ hồi nhỏ để kiếm tiền ăn cơm. Buổi tối em ngủ dưới đất, nằm giữa hai chiếc xe đạp”. Hai dòng nước mắt của Nghĩa lăn tròn trên gò má đen đúa. Nghĩa nói “lớn lên em muốn làm kiến trúc sư để xây nhà cho ông ngoại và mẹ ở. Còn chị em muốn làm thiết kế thời trang”.

Những đứa trẻ khác ở đây cũng đều có thân phận nghiệt ngã như vậy.

Cho ngày mai tươi sáng

Để bọn trẻ đến lớp, CLB đã dày công tiếp cận địa bàn cả năm trời (2010), sau đó vận động phụ huynh, thường là những người mù chữ hoặc biết dăm ba chữ, lo miếng ăn hơn lo việc học hành cho con, bởi có lo cũng không lo được. Nhiều gia đình không tin tưởng, sợ lừa đảo nên không cho trẻ đi học, thậm chí có gia đình còn xách dao dọa các tình nguyện viên... Trong khi đó, ban đầu bọn trẻ không chịu đến lớp vì không muốn đi học, chỉ muốn đi từng nhóm kiếm sống nơi bãi rác, gầm cầu.

Nhưng rồi lớp học hình thành, mỗi tình nguyện viên kèm 2-3 trẻ để vừa dạy học, vừa đồng hành với các em. Thời gian đầu do không có địa điểm, các em tập trung lại một nhóm và học ngay trên bãi rác, dưới gầm cầu, sau này mới xin được địa điểm ở chùa Giác Quang. Nhiều tình nguyện viên còn đến từng nhà để dạy học cho những em có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Không chỉ chú trọng việc dạy chữ, các tình nguyện viên còn dạy vẽ, dạy nhạc, dạy võ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa.

Những học sinh đến với lớp đều được tình nguyện viên “theo dõi” để có sự hỗ trợ kịp thời khi thiếu sách vở, bút thước, hay bố mẹ không cho đi học... Mai Bảo Trung - chủ nhiệm CLB - cho biết các bạn tình nguyện viên còn bỏ tiền túi để mua dụng cụ học tập cho các em, có hôm còn mua cơm đem đến nhà cho những trẻ đang nhịn đói...

Mỗi đêm ở chùa Giác Quang lại vang tiếng ê a con trẻ. Các bạn nhỏ đang ráp từng con chữ làm hành trang cho cuộc đời mình.

HOÀNG MAI - TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên