23/09/2020 10:19 GMT+7

Giây phút không thể nào quên

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Máy bay hạ cánh xuống sân bay Bata của Guinea Xích đạo, công dân nước mình đang đứng rất đông, họ hò reo trong vui sướng. Suốt 13 năm làm nghề y, với bác sĩ Hùng đó là giây phút không thể nào quên.

Giây phút không thể nào quên - Ảnh 1.

TS.BS Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Hà Nội là bác sĩ xung phong trên chuyến bay “giải cứu” công dân Việt từ Guinea Xích đạo - Ảnh: NVCC

Vinh quang càng lớn thì khó khăn càng nhiều, không phải vì virus mới mà mình chùn bước, quan trọng là cách mình đối mặt, xử lý ra sao?

TS.BS THÂN MẠNH HÙNG

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng (38 tuổi, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Hà Nội) là một trong bốn nhân viên y tế của bệnh viện xung phong lên chuyến bay đến với 219 công dân Việt từ Guinea Xích đạo.

Chuyến đi chưa có tiền lệ

Trước chuyến đi, bệnh viện tiếp nhận thông tin trong số 120 bệnh nhân dương tính COVID-19, khoảng 30 người cần nhập viện điều trị, 5-6 bệnh nhân cần thở oxy. 

"Nhận nhiệm vụ nhưng bản thân mình rất lo lắng, chuyến đi này chưa bao giờ có tiền lệ và chắc chắn đã có bệnh nhân dương tính với COVID-19. Số bệnh nhân lại rất đông, có người bệnh nặng trong khi quá trình bay rất dài, khoảng 13-15 giờ đồng hồ. Kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như phi hành đoàn rất lớn" - bác sĩ Hùng nhớ lại.

Do vậy ngoài khảo sát máy bay sử dụng cho chuyến đi được thiết kế ra sao, bác sĩ Hùng cho biết bệnh viện lên kế hoạch chia máy bay thành 4 khu: khu dành cho bệnh nhân dương tính COVID-19, khu bệnh nhân có kết quả âm tính, khu dành cho nhân viên y tế và khu dành cho phi hành đoàn. 

Giữa các khoang, khảo sát lắp đặt rèm nilông dày hạn chế không khí di chuyển từ khoang nọ sang khoang kia. Nhưng trong không gian hẹp, nguy cơ lây nhiễm lớn, đến việc bỏ khẩu trang ra còn khó khăn chứ chưa kể đến việc ăn uống. 

Bác sĩ Hùng nảy ra sáng kiến đặt hàng cùng thầy cô Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế buồng áp lực dương tiêu diệt đến 99,9% virus trong không khí.

"Không khí từ các buồng sẽ được lọc qua màng lọc, vào trong đó mình có thể bỏ khẩu trang ra ăn uống. Không ai nói chắc được 100% nhưng đây có thể coi là giải pháp tinh thần. 

Khi máy bay bắt đầu chạy trên đường băng, chúng tôi họp lại phi hành đoàn, cán bộ nhân viên y tế quán triệt những việc trên máy bay, tập huấn tháo lắp thiết bị bảo hộ cho phi hành đoàn… 

Những giải pháp tính đến thời điểm này là thành công vì chúng tôi đều an toàn, là tiền đề cho sau này nếu "giải cứu" ở những nơi khác thì cũng có được kinh nghiệm quý cho người đi sau" - bác sĩ Thân Mạnh Hùng bộc bạch.

Suốt 13 năm làm nghề y, bác sĩ Hùng nói giây phút máy bay hạ cánh xuống sân bay Bata của Guinea Xích đạo có lẽ là giây phút không thể nào quên. Nhìn từ cửa máy bay, anh thấy công dân nước mình đang đứng rất đông, họ chờ đợi, hò reo trong vui sướng. 

Anh xúc động nghĩ: "Có lẽ họ đang chịu áp lực về sức khỏe, về điều kiện y tế tại nơi đó. Chúng mình đến mang niềm tin, hi vọng, họ rất hồ hởi".

Một chuyến bay chưa từng có tiền lệ, chuyến bay nhân đạo đưa đồng bào Việt hồi hương trước diễn tiến phức tạp của dịch COVID-19, kéo dài gần 30 giờ đồng hồ từ Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội. 

Bác sĩ Hùng cho biết may mắn trong số hơn 120 bệnh nhân dự báo dương tính với COVID-19, khi về Việt Nam xét nghiệm lại thì con số chỉ là 29 bệnh nhân.

Ai cũng sẵn sàng

Sau Tết Nguyên đán, Việt Nam phát hiện những ca đầu tiên mắc COVID-19, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp đã "lên dây cót tinh thần", sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhưng với chuyến bay đến Guinea Xích đạo nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều, anh vẫn sẵn sàng lên đường.

"Để lựa chọn nhân viên cho chuyến đi kéo dài, có tính chất nguy hiểm như thế, ngoài tinh thần xung phong cũng cần lựa chọn những người có kinh nghiệm, có sức khỏe và là những người trẻ. Bác sĩ nào được giao nhiệm vụ này cũng sẵn sàng tham gia" - bác sĩ Hùng nói.

Năm 2006 tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội, một năm sau anh công tác ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và gắn bó từ ấy đến nay. 

Trải qua nhiều đợt dịch như H1N1, cúm, sởi, dịch sốt xuất huyết, nhiều dịch lây nhiễm khác và nay là dịch COVID-19, anh bác sĩ 8X dí dỏm nói có lẽ gia đình… miễn nhiễm rồi, vợ con cũng quen với việc bố thường xuyên vắng mặt ở nhà. 

Nghề y là tình yêu của cả gia đình, từ mẹ là nhân viên y tế rồi đến anh và đến vợ, nhưng với chuyến bay đến Guinea Xích đạo thì lại khác, mẹ anh lại là người lo lắng nhất. 

Anh giãi bày, sau khi đáp máy bay hoặc trong thời gian cách ly anh thường xuyên gọi Facetime về cho mẹ, thấy con trai vẫn khỏe mạnh mẹ cũng yên tâm phần nào.

Suốt 13 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Hùng thừa nhận ngày mới chập chững bước vào nghề khó khăn lớn nhất chính là lúc đối diện với bệnh nhân. 

Những kiến thức chỉ được học qua sách vở khác với kiến thức thực tế, chưa kể làm việc ở tuyến trung ương hầu hết tiếp nhận bệnh nhân nặng và rất nặng. 

Bởi vậy, bắt buộc anh phải đọc nhiều hơn, học nhiều hơn, khám bệnh nhiều hơn để tích lũy kiến thức, tăng phản xạ, kỹ năng cho bản thân.

Bác sĩ Hùng giãi bày không thể tránh khỏi việc xuất hiện dịch bệnh mới như dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. 

Thay vì đối diện một cách thụ động, sợ hãi, anh cho rằng cần trau dồi kiến thức tốt về nó, có kiến thức để bảo vệ mình và người xung quanh. 

Dịch COVID-19 xảy đến, bên cạnh chữa trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hùng còn tích cực chia sẻ thông điệp, kinh nghiệm của bản thân trong chẩn đoán, điều trị, dự phòng cho đồng nghiệp, bệnh nhân, người thân của mình. 

Anh trở thành chỗ dựa cho nhiều người gọi điện đến tham vấn, được anh cung cấp những kiến thức cơ bản về dịch bệnh và cách phòng tránh.

Vừa chống dịch vừa cấp cứu trên không

"Luôn xác định kích hoạt phòng chống dịch", bác sĩ Hùng nhắc đi nhắc lại. Chuyến bay về nước căng thẳng hơn rất nhiều bởi lo lắng trước sự lây nhiễm và đặc biệt là diễn tiến bệnh của bệnh nhân.

"Vừa phòng dịch trên không, vừa làm công tác điều trị, cấp cứu trên không. Có rất nhiều thứ đi kèm nên bản thân mình thấy chuyến bay ấy rất đặc biệt, là một kỷ niệm, trải nghiệm rất đáng nhớ", bác sĩ Hùng chia sẻ.

219 công dân từ Guinea Xích Đạo đã về đến khu cách ly 219 công dân từ Guinea Xích Đạo đã về đến khu cách ly

TTO - Chuyến bay VN06 chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 15h10 ngày 29-7. Lúc 16h45, đoàn xe chở các công dân đã về đến khu cách ly.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên