18/11/2017 14:53 GMT+7

Giáo viên phân tâm vì mưu sinh là mất mát lớn

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TTO - Sáng 17-11, trong buổi gặp gỡ giữa thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM với đội ngũ nhà giáo tiêu biểu, đã có nhiều góp ý sát sườn về cơ chế đặc thù cho giáo dục TP từ các nhà giáo.

Giáo viên phân tâm vì mưu sinh là mất mát lớn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM (bìa trái) - trao đổi cùng các nhà giáo trong giờ giải lao buổi gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Hầu hết trường học ở TP.HCM đều trong tình trạng quá tải. Nếu quy hoạch đất đai mà cứ chờ ngân sách rót xuống sẽ không kịp. TP cần có cơ chế đặc thù về giáo dục để xã hội hóa giáo dục mạnh hơn nữa. Không nên loay hoay mãi với cơ sở vật chất, mà bài toán quan trọng nhất của ngành giáo dục hiện nay là lo chính sách cho giáo viên" - TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất.

Người thầy phân tâm vì mưu sinh là mất mát lớn

Tại buổi gặp gỡ, ông Minh đặt ra câu hỏi: "Giáo viên có sống được bằng lương không?". Theo ông, hiện nay ngoài đứng trên bục giảng, thầy cô phải làm thêm nghề khác để lo toan cho cuộc sống.

"Người thầy là kỹ sư tâm hồn, có những thăng hoa, phát triển về tâm hồn thì mới có thể truyền tải tới thế hệ trẻ niềm hạnh phúc, yêu đời. Chứ người thầy mà lúc nào cũng tất bật, đứng trên bục giảng nhưng đầu óc lại cứ suy nghĩ chuyện kiếm sống thì đó chính là mất mát lớn cho TP, cho đất nước, vì chức năng của người thầy chưa đạt được" - ông Minh nói.

Đồng tình với ý kiến về chính sách cho giáo viên, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trích dẫn câu nói: "Đọc được tương lai của một quốc gia qua sự quan tâm với ngành giáo dục. Đọc được tương lai của một nền giáo dục qua cách cư xử với nhà giáo".

Theo TS Hồ Thiệu Hùng: "Khi nói đến giáo dục người ta thường nghĩ ngay đến nhà trường. Ở TP, thật ra chỉ 1/4 dân số đến trường, còn 3/4 dân số ở ngoài xã hội. Để TP là một xã hội học tập, thì 3/4 dân số còn lại cũng phải được học tập" - ông Hùng góp ý.

Tương tự, ThS Phan Văn Quang, phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cũng đề xuất với lãnh đạo TP về cơ chế riêng cho TP trong việc chăm sóc học sinh, đặc biệt là trẻ ở bậc mầm non.

"Hiện tại, TP.HCM và các tỉnh thành khác đang tạm ngưng tuyển nhân viên y tế và kế toán trong trường học. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục" - ông Quang lý giải.

Ông Quang cũng kiến nghị, khi xây dựng cơ sở vật chất trong nhà trường, trang thiết bị phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành giáo dục.

Phải giảm bớt hội thi ngành giáo dục

"Hiện nay, giáo viên và học sinh đang bị quá tải hội thi. Bên cạnh việc đứng lớp, giáo viên phải ứng phó với rất nhiều loại thi cử khác nhau. Từ bộ, sở, quận, trường, các ngành các cấp, tôi ước chừng một năm có 20 hội thi dính dáng tới nhà giáo. Cho dù là hội thi dành cho học sinh hay giáo viên, thì giáo viên cũng đều phải nhúng tay vào. Chúng tôi mong muốn giảm bớt hội thi ngành giáo dục, để giáo viên không bị sức ép, tập trung cho chuyên môn" - cô giáo Phan Thị Mộng Thu, Trường THCS Lữ Gia (Q.11), góp ý.

Cô Mộng Thu cũng bày tỏ sự quan tâm, trăn trở về bộ sách giáo khoa (SGK) mới. "Tôi kiến nghị cùng với bộ SGK này, Bộ GD-ĐT và sở nên cung cấp thêm hệ thống tư liệu, hình ảnh chính xác, có sự kiểm duyệt chặt chẽ, nhằm hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. Ví dụ như môn lịch sử, giáo viên chúng tôi luôn thiếu những tư liệu chính thống, phù hợp với chuẩn kiến thức" - cô Thu nói.

Tại buổi gặp gỡ, ông Hà Hữu Thạch - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) - đã chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của mô hình hội nhập tiên tiến mà nhà trường đang áp dụng.

Với sĩ số lý tưởng, dưới 30 học sinh/lớp, học sinh được giảng dạy bằng phương pháp, chương trình hiện đại, học kỹ năng mềm, năng khiếu, chơi thể thao, sinh hoạt cả ngày trên trường và không phải học thêm... Tuy nhiên, mỗi năm nhà trường thường mất khoảng 3 lớp do học sinh đi du học các nước Mỹ, Canada, Úc...

"Chúng tôi đề nghị với lãnh đạo TP, Sở GD-ĐT cho phép nhà trường nhập khẩu chương trình tiên tiến dạy song song với chương trình của Bộ GD-ĐT, nhằm hạn chế chảy máu chất xám" - ông Thạch nói.

Ông Thạch cũng mong muốn các trường theo mô hình tiên tiến sẽ sớm được tự chủ tài chính, tự chủ về nhân sự để nhà trường có thể chủ động tuyển đội ngũ giáo viên có đức có tài, đủ khả năng hội nhập quốc tế, giáo viên được đi tu nghiệp, học tập ở nước ngoài...

Cần có cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp

Tại buổi gặp gỡ, ông Tất Thành Cang - phó bí thư thường trực Thành ủy - cho biết trong quá trình thực hiện đề án phát triển giáo dục TP, Sở GD-ĐT và Thành ủy sẽ xin ý kiến góp ý của thầy cô. Hiện nay, nhu cầu tự chủ của các trường rất lớn, tự chủ tạo ra bước phát triển rất tốt cho ngành giáo dục, nhưng cần phải có lộ trình thích hợp.

Đồng thời, ông Tất Thành Cang cũng chia sẻ hiện nay năng suất lao động tăng nhưng chất lượng lao động lại rất thấp, do trình độ của người lao động Việt Nam không cao. Vì thế, vai trò của các trường nghề rất lớn trong việc nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, kiến nghị: "Tôi mong muốn lãnh đạo TP quan tâm hơn đến cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nghề. Nhà nước cần có cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo của trường nghề, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường đưa học viên thực tập tại doanh nghiệp và ngược lại".

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên