20/10/2017 16:20 GMT+7

Giáo sư Harvard nói về thách thức của 'Smart City' ở TP.HCM

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Giáo sư David Ogden Dapice từ Đại học Harvard cho rằng muốn xây dựng một thành phố thông minh "Smart City" cần một phương pháp quản trị tốt từ chính quyền.

Giáo sư Harvard nói về thách thức của Smart City ở TP.HCM - Ảnh 1.

Hơn 90 chuyên gia, nhà khoa học đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ đến dự hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 do TP.HCM đang cai - Ảnh: N.BÌNH

Giáo sư David Ogden Dapice nhắc đến thứ hạng "không vui" khi TP.HCM được xếp thứ 96 trong tổng số 120 thành phố có chất lượng sống trên thế giới trong một khảo sát gần đây. 

Các yếu tố để đánh giá trong bảng xếp hạng này, theo giáo sư Dapice, gồm khả năng thu hút vốn, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ...

"Chúng ta đang muốn TP.HCM phát triển, trở thành thỏi nam châm để hút các mục tiêu mong muốn nhưng nguồn lực để đầu tư của thành phố lại đang bị phân tán, dùng để tái phân bổ lại cho các địa phương khác", giáo sư phân tích.

Ông dự báo nếu tiếp tục tình hình hiện nay, TP.HCM vẫn sẽ nằm trong nhóm cuối về xếp hạng trong số 120 thành phố đáng sống trên thế giới, và vẫn thuộc nhóm đó cho tới... năm 2025.

Vị chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á từ đại học Harvard này chia sẻ những thách thức trên tại Hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 năm 2017 (ASPA 21) diễn ra ở TP.HCM ngày 20-10.

Hội nghị năm nay có chủ đề "Công viên khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia".

Theo giáo sư Dapice, xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giảm việc làm ở các thành phố khi nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các thành phố lớn sẽ chuyển sang sử dụng robot vào thay thế các công đoạn sản xuất thủ công. 

Cùng với quá trình này là đô thị hóa gia tăng, nhiều nhà máy dịch chuyển về khu vực nông thôn, các thành phố chỉ còn ưu tiên phát triển dịch vụ và giảm sản xuất hàng hóa.

Điều này có thể này thấy rõ ở Hong Kong hay Singapore… và TP.HCM trong tương lai cũng theo xu hướng đó.  

Do đó, để duy trì phát triển, các thành phố phải thúc đẩy ngành dịch vụ, tăng giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa. 

Ngành dịch vụ, theo giáo sư Dapice, có thể hiểu từ bán hàng rong, đến sửa xe lề đường cho đến các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ... 

"Người trẻ thường thích sống và làm việc ở các thành phố lớn, có chất lượng cuộc sống cao. Trong khi đó, bản chất toàn cầu hóa là dịch chuyển những người giỏi tìm kiếm nơi có điều kiện sống tốt hơn. Điều có tạo ra thách thức cho các thành phố như TP.HCM vì chúng ta cần đảm bảo một thành phố đáng sống, chất lượng sống tốt để thu hút nhân tài", giáo sức David nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực khoa học và công nghệ của thành phố tăng 16,9%, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Năng suất lao động tăng 5,6%, cao gấp 1,3 lần cả nước.

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1%, cao hơn mức bình quân cả nước là 29%, trong đó khoa học công nghệ chiếm khoảng 70%.

Tính đến nay, TP.HCM cũng đã thu hút được được 130 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, với tổng mức đầu tư đạt 6,8 tỷ USD, giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ cao đạt trung bình 28%.

Với đà tăng trưởng này, dự kiến đến năm 2020 lĩnh vực công nghệ cao sẽ đóng góp 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên