
Đại diện Đoàn các tỉnh thành cụm Đông Nam Bộ đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khâm tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: THÀNH ĐOÀN
Hoạt động hướng tới 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), tạo không gian để tổ chức Đoàn các tỉnh thành trong cụm chia sẻ các mô hình, cách làm hay.
Đặc biệt trong bối cảnh thời đại số, công tác giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh, lý tưởng sống của thanh niên cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới.
Công tác giáo dục truyền thống cũng cần chuyển đổi số
Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Dương Trọng Phúc nhìn nhận dù đạt nhiều kết quả tích cực song việc giáo dục truyền thống cho thanh niên cụm Đông Nam Bộ vẫn cần khắc phục như một bộ phận thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, thiếu lý tưởng, thờ ơ với các vấn đề xã hội và chưa ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thanh niên. Theo anh Phúc, môi trường mạng và mạng xã hội trở thành mặt trận tư tưởng phức tạp mà nhiều thông tin xấu độc lan truyền nhanh, dễ tác động đến một số thanh niên.
"Có những hoạt động giáo dục truyền thống còn mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung, thiếu sáng tạo phương thức nên thiếu hấp dẫn khiến hiệu quả giáo dục chưa cao, chưa đi vào chiều sâu nhận thức và cảm xúc của thanh niên", anh Phúc nói.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải nêu đầu nhiệm kỳ đã có băn khoăn liệu bạn trẻ có quan tâm đến truyền thống hay không. Và chính anh Hải khẳng định người trẻ rất quan tâm gìn giữ truyền thống dân tộc, dẫn chứng bằng hình ảnh đông đảo bạn trẻ trật tự xếp hàng đến viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Song song đó còn là các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống hay việc lưu giữ những trang phục cổ vẫn đang được nhiều bạn trẻ thực hiện.
Anh Hải nói các tín hiệu đó cho bài học rằng nếu bóc tách được vấn đề, việc tìm giải pháp giáo dục truyền thống vẫn có sức hút đông đảo thanh niên. Do đó rất cần tư duy thấu đáo trong việc phát huy những sản phẩm truyền thông về truyền thống dân tộc, cần làm với chất lượng tốt hơn. Và ứng dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục truyền thống, theo anh Hải, mang lại hiệu quả nhất định.
Tận dụng gian mạng để lan tỏa
Phó bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương Nguyễn Thanh Thảo cho rằng thế hệ Z, Alpha sinh ra và lớn lên trong môi trường số rất năng động nên phương pháp giáo dục với họ cũng đòi hỏi phải sáng tạo, hấp dẫn hơn so với cách truyền thống trước đây. Nếu thiếu bản lĩnh và định hướng đúng, thanh niên dễ bị hoang mang, dao động trước luận điệu sai trái.
Điều này đặt ra yêu cầu nắm bắt dư luận của tổ chức Đoàn các cấp phải làm tốt hơn cũng như cần hỗ trợ, củng cố sức đề kháng cho giới trẻ, nhất là trên không gian mạng. Thực tế có trường hợp tỏ ra hoài nghi, thậm chí phai nhạt lý tưởng là do thiếu thông tin và "thiếu đề kháng" trước thông tin sai trái.
"Thách thức ấy đòi hỏi việc giáo dục truyền thống phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh tư tưởng trên mạng, giúp các bạn trẻ phân biệt đúng sai và kiên định niềm tin", chị Thảo bày tỏ.
Dẫn thực tế, các bạn trẻ Bình Dương đã có một số mô hình trong giáo dục truyền thống cho thấy hiệu quả và có thể nhân rộng như các hành trình: Tôi yêu Bình Dương, Caravan kết nối thanh niên công nhân và lao động trẻ, Tiếp nối truyền thống - vững bước tương lai… đến với địa chỉ đỏ kết hợp làm công tác xã hội để lại ấn tượng sâu sắc, giáo dục đoàn viên về tình yêu nước, ý chí kiên cường của cha anh.
Trực tiếp làm công tác đào tạo cán bộ Đoàn - Hội - Đội, anh Dương Trọng Phúc cho rằng giáo dục truyền thống cần là ngọn lửa âm ỉ cháy trong mỗi trái tim trẻ. Khi mỗi bạn trẻ hiểu rõ giá trị lịch sử, biết tự hào về nguồn cội và sống có trách nhiệm với đất nước, họ sẽ trở thành lực lượng tiên phong cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
"Giáo dục truyền thống không là nhiệm vụ của riêng tổ chức Đoàn mà cần trở thành sứ mệnh chung của xã hội để cùng gieo mầm lý tưởng, hun đúc bản lĩnh và nuôi dưỡng khát vọng. Từ đó mỗi thanh niên sẽ là người gìn giữ và phát triển ngọn lửa thiêng của dân tộc trong hành trình vươn ra thế giới", anh Phúc nêu ý kiến.
Sân chơi mới và học bổng tặng trẻ khó khăn

Học sinh háo hức vui đùa với sân chơi thiếu nhi mới được tặng - Ảnh: K.SÁNG
Đoàn các tỉnh thành cụm Đông Nam Bộ đã tặng sân chơi và học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi tại TP.HCM sáng 12-4. Công trình đặt tại công viên phường Bình Thọ (TP Thủ Đức). Cùng với sân chơi còn có 20 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) và bộ dụng cụ học tập (500.000 đồng) trao cho học sinh vượt khó học tốt trên địa bàn TP Thủ Đức.
Bạn Bảo Trân (lớp 6/5 Trường THCS Lê Văn Việt) đu đưa nhẹ trên chiếc xích đu tại sân chơi mới cho biết sẽ dùng học bổng đóng học phí cùng chiếc cặp dành cho năm học tới để ba mẹ bớt vất vả. Trong khi bạn Tuấn Kiệt (lớp 5) hào hứng vì lâu rồi mới ra công viên có nhiều trò chơi như vậy. Đây là một trong các hoạt động của chuỗi sự kiện họp mặt Đoàn các tỉnh thành cụm Đông Nam Bộ dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Đầu tư đội ngũ, cách làm mới
Xây dựng và nâng chất đội ngũ làm công tác giáo dục truyền thống, nhất là báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của Đoàn được đặt ra tại tọa đàm. Thay cho truyền thụ kiến thức một chiều, giáo dục truyền thống nên gắn với trải nghiệm thực tiễn sinh động, bắt đầu từ những điều gần gũi, thân thuộc với thanh niên.
Ngoài tìm giải pháp truyền thông đúng nhu cầu bạn trẻ, ứng dụng công nghệ rất cần sự chủ động tìm tòi, làm mới nội dung giáo dục truyền thống của Đoàn qua các hình thức hiện đại như infographic, clip ngắn, phim hoạt hình lịch sử, podcast hay các trò chơi tương tác, bản đồ số... đúng xu hướng và thói quen tiếp nhận của giới trẻ hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận