18/10/2017 14:38 GMT+7

Giáo dục khai phóng tại Hong Kong

TS MAI VĂN TỈNH
TS MAI VĂN TỈNH

TTO - Từ năm 2012, Hong Kong chuyển đào tạo đại học từ 3 năm sang 4 năm và tất cả các trường buộc phải giảng dạy và phát triển chương trình giáo dục khai phóng.

Giáo dục khai phóng tại Hong Kong - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong - Ảnh: HKUST

Dường như lịch sử cải cách giáo dục đại học VN những năm qua cho thấy các cơ quan quản lý vĩ mô lại đang muốn đi ngược lại xu thế cải cách này trên thế giới

TS Mai Văn Tỉnh

Sau bài báo "Cần những người thầy khai phóng", câu chuyện về giáo dục khai phóng được tiếp tục, với những kinh nghiệm từ việc áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến này tại Hong Kong. Tuổi Trẻ giới thiệu bạn đọc bài viết của TS Mai Văn Tỉnh - phó ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam:

Những ý tưởng về mô hình giáo dục đại cương (general education) hay giáo dục khai phóng (Liberal Art) của Hoa Kỳ đã được "xuất khẩu" sang các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan từ khi kết thúc Thế chiến II.

Do đó, đào tạo cử nhân ở các nước này gồm giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên ngành. Những năm gần đây, giáo dục khai phóng cũng đã xuất hiện ở Hong Kong.

Mỗi trường thiết kế chương trình đào tạo riêng

Tại Hong Kong, truyền thống giáo dục Anh quốc được thiết lập từ đầu thế kỷ 19, với phần dự bị giáo dục đại học nằm ở giáo dục phổ thông. Tất cả các trường đại học tuyển sinh theo lĩnh vực chuyên ngành. Thời gian học 3 năm. Mục tiêu giáo dục đại học là đào tạo ra người tốt nghiệp chuyên ngành hẹp cho thị trường lao động ở Hong Kong.

Tuy nhiên, từ năm 2012, chính quyền Hong Kong chuyển đào tạo đại học từ 3 năm sang 4 năm. Tất cả các đại học ở đây buộc phải giảng dạy và phát triển chương trình giáo dục khai phóng. 

Theo đó, chương trình tập trung phát triển những cấu phần trí tuệ rộng lớn, gồm: học suốt đời thông qua phương pháp học mới; tăng cường nhận thức toàn cầu; cảm nhận tốt hơn về di sản văn hóa Trung Hoa; hiểu biết tốt hơn về bản chất liên kết nội tại giữa kiến thức của các môn học trong phạm vi giáo dục liên môn; hiểu rõ giá trị hoạt động doanh nhân từ các môn nghệ thuật, văn học; về vai trò tăng lên của công nghệ và khoa học trong cuộc sống.

Vì mỗi trường đại học được tự do thiết kế chương trình đào tạo riêng, với phần giáo dục khai phóng chung, kết quả là giáo dục khai phóng tại Hong Kong có một số đặc điểm địa phương độc đáo, cũng như sự đa dạng đáng kể giữa các cơ sở đào tạo. 

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Hong Kong là nhấn mạnh về bề rộng và tính đa ngành, như một cơ chế chống lại xu thế chuyên ngành hẹp vốn có trong giáo dục Anh quốc; chấp nhận rộng rãi các chương trình giáo dục khác, gồm các môn nằm ngoài giáo dục khai phóng truyền thống, hay các môn khoa học khác; nhấn mạnh vào yếu tố giáo dục công nghệ trong phạm vi giáo dục khai phóng, và buộc phải dùng phương pháp dạy - học dựa trên kết quả đầu ra như một khung cấu trúc chung.

Ví dụ, các đại học Hong Kong đã thiết kế chương trình đào tạo cốt lõi chung, và mới vào năm 2012. Để thực hiện chương trình cử nhân 4 năm, các đại học Hong Kong phát triển một cấu trúc linh hoạt, mềm dẻo hơn. 

Mặc dù kỹ năng chuyên ngành vẫn chiếm phần tỉ trọng lớn nhất trong tổng số tín chỉ, nhưng 36 môn học bắt buộc phải có trong chương trình cơ bản cốt lõi chung.

Được ủng hộ mạnh mẽ

Ở Hong Kong, việc giới thiệu rộng rãi giáo dục đại cương Hoa Kỳ đã được chính quyền địa phương, các đại học và ngành công nghiệp ủng hộ mạnh mẽ. Một mặt, việc vay mượn mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng một phần bởi xu thế toàn cầu hóa cải cách giáo dục đại học. 

Mặt khác, nó cũng được coi như một cách kết nối các hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc. Kết quả là các chương trình giáo dục đại cương ở hầu hết các đại học của Hong Kong dường như là sự pha trộn triết lý giáo dục Hoa Kỳ với các giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc đại lục.

Điều này dẫn đến việc các đại học ở Hong Kong cung cấp nhiều chương trình giáo dục rộng hơn, hoặc cung ứng đào tạo phi chuyên môn trước khi sinh viên vào học chuyên ngành. 

Quan trọng hơn, nó đã khuyến khích các trường đại học nâng cao chất lượng sinh viên - nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng và năng lực toàn diện, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và các xã hội dựa trên tri thức.

Chuyện ở Việt Nam

Ngay từ năm 1993, với các quyết định số 2677 và 2678/GDĐH, Vụ Đại học - Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn cả nước áp dụng khung chương trình giáo dục đại cương.

Tiếc rằng, đến năm học 1997-1998, do có một số thay đổi, Bộ GD-ĐT đã xóa mô hình trường đại học đại cương được thiết kế để phục vụ đào tạo hai giai đoạn. Như vậy, có thể nói VN đã đi trước Hong Kong 2 thập kỷ trong áp dụng chương trình giáo dục đại cương vào đào tạo cử nhân.

Gần đây, khi Chính phủ VN cho phép thành lập Trường đại học Việt - Nhật bên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, hiệu trưởng Trường đại học Việt - Nhật khẳng định sẽ áp dụng mô hình giáo dục đại cương và giáo dục chuyên ngành ở trường này.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, năm 2016 Bộ GD-ĐT lại trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1982/TTCP để rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4 năm xuống 3 năm, và không hề giải thích rõ việc cung ứng phần giáo dục đại cương trong chương trình đào tạo cử nhân ở VN.

TS MAI VĂN TỈNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên