Giáo dục khai phóng cần những người thầy khai phóng. Trong ảnh: một tiết học của thầy trò ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Đó là nhờ giáo dục khai phóng đã trang bị cho tôi một nền tảng, để làm như thế nào thích ứng với sự thay đổi trong cuộc sống, công việc; để không lúc nào trong cuộc sống tôi thấy mình bị cô lập
Ngô Thùy Ngọc Tú
Đó là ý kiến được các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý giáo dục chia sẻ tại hội thảo về chủ đề này, vừa được ĐH Việt Nhật và ĐH Fulbright VN (FUV) tổ chức tại Hà Nội chiều 16-10.
Để có những cử nhân "không hối tiếc"
Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch FUV, chia sẻ với các bậc phụ huynh và học sinh về góc nhìn của mình: "Đối với những bạn trẻ 17-18 tuổi chuẩn bị bước vào ĐH, phần lớn các bạn chưa xác định được thực ra mình muốn làm gì, mình cần gì, mình sẽ sống và làm việc sau này như thế nào...
Nếu các bạn ấy chỉ được một lựa chọn, và phải đưa ra quyết định cho cả cuộc đời ngay từ khi 18 tuổi, nhất là dưới sự áp đặt của bố mẹ, thì rất có thể 10-15 năm sau, các bạn này sẽ phải hối tiếc về sự lựa chọn đó. Giáo dục khai phóng là để các bạn trẻ không phải hối tiếc, không phải nói "giá như" ở 10-15 năm sau".
"Giáo dục khai phóng tạo cơ hội cho người học lựa chọn chương trình học phù hợp với cá tính, năng lực cá nhân. Có thể theo đuổi ước mơ mà không sợ ước mơ có thể giết chết công việc mưu sinh" - bà Thủy nhấn mạnh.
Chia sẻ cái nhìn của người trong cuộc, đã được trải qua nền giáo dục khai phóng ở một trường ĐH Mỹ, Ngô Thùy Ngọc Tú - cựu sinh viên ĐH Stanford - cho biết Tú từng trải qua công việc trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ và bây giờ là giáo dục; nhưng ngành học của chị ở bậc ĐH là chính sách công - một ngành tưởng chừng như không liên quan gì đến những công việc mà chị đã làm.
"Đó là nhờ giáo dục khai phóng đã trang bị cho tôi một nền tảng, để làm như thế nào thích ứng với sự thay đổi trong cuộc sống, công việc; để không lúc nào trong cuộc sống tôi thấy mình bị cô lập" - Ngọc Tú nói.
GS Furuta Motoo - hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (VJU) - cho biết VJU đang nghiên cứu phương án xây dựng bậc ĐH theo mô hình khai phóng, nhằm đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng kỳ vọng của giới doanh nghiệp Nhật, nhất là những công ty đầu tư vào VN.
"Hiện nay nhiều công ty Nhật có nhu cầu về nguồn nhân lực người lao động VN chất lượng cao, có thể đảm nhiệm vai trò quản lý. Hơn nữa, một số công ty lớn của Nhật dự kiến thuê nhân viên VN như những người được gọi là tài năng toàn cầu - như các giám đốc điều hành tương lai của công ty - làm việc tại trụ sở chính ở Nhật.
Chính liberal arts sẽ là phương tiện mạnh mẽ nhất cho việc nuôi dưỡng khả năng thích ứng của con người trước những chuyển đổi lớn" - GS Furuta nhấn mạnh.
Phải có những người thầy khai phóng
Với câu hỏi "Giáo dục VN đã sẵn sàng đón nhận giáo dục khai phóng chưa?", câu trả lời tại hội thảo này khá lạc quan.
TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cho rằng: "Hiện nay trong xã hội VN, có thể nhận thấy điều mà phụ huynh quan tâm nhất là: "Sau khi học ĐH xong con tôi sẽ làm gì?". Nếu con của quý vị học ở một trường khai phóng thì sẽ không phải dẫn con đi tìm việc. Con các vị sẽ tự tìm được hướng đi cho cuộc sống của mình".
Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với giáo dục khai phóng, TS Đàm Quang Minh đề xuất "thành lập nhóm các trường ĐH khai phóng, để cùng chia sẻ tư tưởng cổ vũ, khuyến khích giáo dục khai phóng ở VN".
Trong khi đó, đứng từ góc nhìn của một nhà quản lý giáo dục phổ thông, bà Lê Tuệ Minh - tổng hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Wellspring - cho rằng: "Giá trị lớn nhất của giáo dục khai phóng chính là sự tương tác của con người, giữa người dạy với người học. Khi người thầy truyền cảm hứng cho người học có thể học tập suốt đời, sau khi rời nhà trường, thích nghi với mọi biến động của cuộc sống".
Bà Minh cũng đề nghị: "Các trường ĐH khi thực hiện giáo dục khai phóng cần đặt vào nhu cầu cụ thể của người học, của phụ huynh. Không cần nói gì quá xa xôi, mà đối với SV, với phụ huynh là phải nói đến những mô hình cụ thể".
Nhưng các chuyên gia tham gia hội thảo cũng phân tích thách thức lớn nhất để thực hiện giáo dục khai phóng trong giáo dục ĐH ở VN là phải có được những người thầy khai phóng. TS Giáp Văn Dương khẳng định: "Muốn làm giáo dục khai phóng, khó nhất không phải là cơ sở vật chất, chương trình mà là những người thầy khai phóng".
Chia sẻ về điều này, bà Đàm Bích Thủy cho biết khi tuyên bố sẽ áp dụng giáo dục khai phóng, FUV đã phải thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng giảng viên, để có được những giảng viên giảng dạy được giáo dục khai phóng.
"Người giảng viên theo triết lý giáo dục khai phóng phải quan tâm, yêu thích giảng dạy, sẵn sàng và tích cực tương tác với SV cũng như đồng nghiệp, sẵn sàng hợp tác trong giảng dạy, không tự bó hẹp trong vai trò giảng dạy một môn, một ngành đào tạo" - bà Thủy phân tích.
VN từng bỏ lỡ cơ hội giáo dục khai phóng
GS Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng: "Từ khi đổi mới giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã chủ trương đưa giáo dục khai phóng vào chương trình cử nhân. Chủ trương xây dựng phần giáo dục đại cương và quy trình hai giai đoạn trong chương trình cử nhân là theo tinh thần giáo dục khai phóng.
Tuy nhiên, theo GS Thiệp, chủ trương này gặp nhiều trở ngại do có sự khác nhau về nhận thức, đã không nhận được sự ủng hộ khi triển khai vào thực tế, nên mô hình trường ĐH đại cương trong các ĐH đa lĩnh vực ở VN đã bị xóa bỏ".
GS Furuta Motoo cũng cho hay trong nền giáo dục ĐH ở VN, không phải là không có lịch sử giáo dục khai phóng. Khi ĐH Quốc gia Hà Nội ra đời giữa thập niên 1990, có thử nghiệm xây dựng trường đại cương. Nhưng thử nghiệm này không duy trì được lâu, và trường đại cương ĐH Quốc gia Hà Nội đã bị giải thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận