09/03/2019 12:46 GMT+7

'Giáo án sống' về chủ quyền biển đảo

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Chuyện biên cương, biển đảo, chuyện chủ quyền đất nước được học, truyền đạt thực tế qua những tiết học trải nghiệm sinh động, chân thực tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng.

Giáo án sống về chủ quyền biển đảo - Ảnh 1.

Học sinh khối 5 Trường tiểu học số 3 Nam Phước, Quảng Nam nghe thông tin về Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN NHẠN - B.Đ.N.

Những ngày cuối tuần, ngày lễ hay bắt đầu kỳ nghỉ hè là thời điểm Nhà trưng bày Hoàng Sa đón lượng học sinh tham quan đông nhất.

Không bài giảng nào thuyết phục bằng thực tế

8h30 một buổi sáng cuối tuần, đoàn xe du lịch đỗ xịch trước cửa Nhà trưng bày Hoàng Sa, đưa 175 học sinh Trường tiểu học số 3 Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam đến thăm "quần đảo" thu nhỏ giữa lòng thành phố.

Hướng theo cột mốc chủ quyền sừng sững giữa Nhà trưng bày, từng nhóm học sinh chia nhau theo chân thuyết minh viên tham quan các hiện vật. Xuyên suốt những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động là những câu chuyện về minh chứng lịch sử quá trình khai phá, việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chốc lát, thuyết minh viên lại hỏi những câu hỏi nhỏ liên quan đến chủ đề để các em nói lên suy nghĩ của mình. Nhiều em tranh thủ ghi lại những tư liệu, hiện vật được trưng bày, không ít em mạnh dạn giơ tay để được giải đáp thắc mắc.

Giới thiệu xong tư liệu chứng minh chủ quyền, Võ Thị Thùy Dung (25 tuổi), thuyết minh viên của Nhà trưng bày Hoàng Sa, trầm ngâm trước khu vực trưng bày những hình ảnh trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Giọng chị thống thiết kể về sự hi sinh của thiếu tá hải quân Nguyễn Thành Trí, hạm trưởng HQ-10, trong trận hải chiến với Trung Quốc ngày 19-1-1974. Câu chuyện được các bạn nhỏ chăm chú theo dõi.

Đoàn Thị Ngọc Diễm (lớp 5B Trường tiểu học số 3 Nam Phước) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được đến đây, được nhìn, nghe kể những câu chuyện cha ông bảo vệ chủ quyền. Em sẽ kể lại cho bạn bè mình về những gì em được thấy ở đây cùng câu chuyện về người đi trước đã quên mình bảo vệ Hoàng Sa".

Cô Trương Thị Ngọc Hiếu (phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 3 Nam Phước) cho biết từ khi nhà trưng bày được xây dựng, cô trò dù ở tận Quảng Nam nhưng đều mong ước được tận mắt chứng kiến cột mốc chủ quyền, tìm hiểu những chứng tích về quần đảo thân yêu. 

"Tôi tin chắc rằng chuyến đi sẽ gieo thêm tinh thần yêu nước cho các em, giúp các em thấy được những hiện thực so với việc nghe thầy cô giảng và xem những tranh ảnh hạn chế trong sách giáo khoa qua những tiết dạy ít ỏi".

Cô Nguyễn Thị Phượng (phó hiệu trưởng) cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tổ chức một buổi ngoại khóa để các em tự nói về những gì mình biết được qua buổi tham quan trước toàn trường từ những hình ảnh ghi lại ở đây. Đó là bài học với các em, với thầy cô và những học sinh khóa dưới mà chẳng có bài giảng, lời giảng nào thuyết phục hơn".

Với Nguyễn Quang Đức Linh (học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Huế), rất ít thông tin và hình ảnh trong sách giáo khoa tô đậm thực tế về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. "Học sinh chúng em vẫn khá mông lung về vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Đến đây, em biết thêm nhiều cứ liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" - Linh nói.

Định hướng thế hệ trẻ bảo vệ chủ quyền

Sau gần một năm Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức đón tiếp khách tham quan (từ ngày 28-3-2018), công trình trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, thắp sáng ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo với học sinh.

Để tăng thêm sức hấp dẫn đối với các em, thuyết minh viên lựa chọn giới thiệu thông tin theo từng chủ điểm, những thông tin dễ hiểu, dễ tiếp cận, chứ không thể giới thiệu chung như các khách tham quan khác.

Theo các thuyết minh viên, với học sinh nhỏ tuổi, phải vừa chú ý thuyết minh và tăng cường tương tác, tổ chức trò chơi nhỏ, xây dựng những câu hỏi đúng - sai giúp các em củng cố kiến thức vừa được truyền đạt và tiếp cận thực tế. 

Hiện ban giám đốc nhà trưng bày đang xin chủ trương UBND thành phố sưu tầm bộ sưu tập ốc về văn hóa biển miền Trung để làm sinh động không gian trưng bày, làm tăng sự thích thú của các em khi đến nhà trưng bày.

"Qua hoạt động này, Nhà trưng bày Hoàng Sa mong muốn tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về lịch sử chủ quyền biển đảo với quần đảo Hoàng Sa đang được lưu giữ, trưng bày tại đây, giúp các em nhận thức sâu sắc về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Từ đó định hướng cho học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước, tham gia bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng" - ông Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói.

Số học sinh chiếm một nửa lượng khách

Ông Lê Tiến Công cho biết từ năm 2019, nhà trưng bày xây dựng chương trình tiết học ngoại khóa cho đối tượng học sinh các cấp kết hợp với phòng chiếu phim tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa, điều kiện tự nhiên và sinh vật biển trên quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, nhà trưng bày sẽ phối hợp với Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức cuộc thi vẽ tranh về Hoàng Sa, về các chú hải quân, cuộc thi kể chuyện về Hoàng Sa.

Theo Ban quản lý Nhà trưng bày Hoàng Sa, từ khi hoạt động đến nay, nhà trưng bày đã đón gần 11.300 học sinh đến tham quan, học tập (chiếm khoảng 50% lượng khách). Các em là học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác như Quảng Nam, Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai, TP.HCM.

Ra mắt 5 tác phẩm về biển đảo Ra mắt 5 tác phẩm về biển đảo

TTO - Sáng 18-2, NXB Văn Hóa Văn Nghệ ra mắt loạt 5 tác phẩm về chủ đề biển đảo.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên