12/08/2011 19:11 GMT+7

Giàn khoan của người Việt trên mỏ Đại Hùng

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TT - Lúc 18g30 ngày 10-8, ngọn đuốc trên giàn công nghệ khai thác Đại Hùng 2 (DH2) - cách Vũng Tàu gần 265km - đã bùng cháy trên mỏ Đại Hùng. Đây là niềm tự hào của cán bộ, công nhân Công ty Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP POC) bởi giàn DH2 được hoàn thành bằng nguồn lực trong nước, do chính lực lượng lao động người Việt thực hiện.

dCAREKfL.jpgPhóng to
Giàn Đại Hùng 2 trên biển Đông của VN - Ảnh: Đông Hà

Sau hơn một giờ bay trên vùng biển Vũng Tàu, lúc 10g sáng 11-8 chúng tôi có mặt tại giàn DH2. Cảm giác đầu tiên nhận được khi xuống bãi đáp sân bay là sức nóng từ ngọn lửa đang hừng hực cháy. Đó là ngọn lửa mà nhiều cán bộ, công nhân của Công ty PVEP POC mong chờ bấy lâu.

Ông Hoàng Bá Cường - giám đốc đơn vị trực tiếp điều hành dự án mỏ Đại Hùng - bày tỏ: “Anh em chúng tôi không biết nói như thế nào để diễn tả niềm vui, hạnh phúc này. Bởi từ mấy tháng qua ai cũng háo hức chờ đợi giờ phút khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn DH2. Đây là niềm tự hào của tập thể lao động ngành dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành, làm chủ công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu của người Việt”.

Cố gắng để thành công

Giàn DH2 gồm chân đế đóng dưới biển cao 128m, nặng gần 4.900 tấn. Chân đế này có thể khoan ở vùng nước sâu trên 100m. Ngoài ra còn có khối thượng tầng nặng 1.100 tấn cùng hệ thống đường nội mỏ và các thiết bị chuyên dụng dùng để khai thác dầu khí.

Giàn công nghệ DH2 là một hạng mục chính trong đề án phát triển mỏ Đại Hùng do PVEP POC (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Từ 1974, Công ty Mobil đã thăm dò và phát hiện cấu trúc mỏ Đại Hùng. Từ năm 1986 đến 1991, Liên doanh Vietsovpetro (VSP) đã khoan thăm dò ba giếng và phát hiện dầu khí tại hai giếng khoan. Năm 1993, hợp đồng dầu khí mỏ Đại Hùng được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và tổ hợp nhà thầu đa quốc gia và nhà thầu BHPP (Úc) được chọn làm nhà điều hành.

Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 1990, do giá dầu xuống thấp, hiệu quả đầu tư không cao nên lần lượt các công ty nước ngoài như BHPP, Total, DOD và PCV... đã rút khỏi dự án. Năm 2003, PVEP POC được giao quyền vận hành đề án mỏ Đại Hùng. Đến năm 2009, đề án phát triển mỏ Đại Hùng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, trong đó có yêu cầu khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn DH2 vào quý 4-2011. Tuy nhiên, PVEP POC đã tích cực phấn đấu về đích trước thời hạn.

Theo ông Cường, lưu lượng dòng dầu khai thác từ giếng thứ nhất khá cao. Đến cuối tháng 8, PVEP POC tiếp tục mở giếng thứ hai và cứ cách khoảng 25 ngày tiếp theo sẽ lần lượt đưa các giếng còn lại vào khai thác.

Chiều 11-8, PVEP POC tiến hành thiết bị đấu giếng khai thác với đường ống dẫn dầu từ giàn DH2 qua giàn DH1 (cách nhau khoảng 4,5km) để xử lý tách dầu, khí và nước tại đây, từ đó bơm dầu thương phẩm qua kho nổi chứa dầu.

lMaW1g1N.jpgPhóng to
Kỹ sư của PVEP POC và nhà thầu trao đổi các thông số kỹ thuật của giếng khoan - Ảnh: Đông Hà

Người Việt làm chủ công nghệ

Một trong những người chứng kiến dòng dầu phun trào đầu tiên trên giàn DH2 là ông Trần Thế Hùng, kỹ sư chính giám sát hoàn thiện giếng - phòng khoan PVEP POC. Ông Hùng là người đã đi theo dự án này từ năm 2006. Chiều 10-8 ông Hùng trực tiếp mở giếng và đến 18g30, ngọn đuốc trên giàn DH2 đã rực cháy. “Khi ngọn đuốc rực cháy cũng là lúc tiếng reo hò, vui mừng, chúc tụng của hơn 100 kỹ sư, công nhân trên giàn DH2 vang lên. Đêm 10-8 là đêm mà hầu hết anh em giàn DH2 không ngủ vì quá hạnh phúc.

Giàn công nghệ khai thác DH2 là công trình dầu khí lớn cho vùng nước sâu đầu tiên do chính các kỹ sư, công nhân của Việt Nam chế tạo và lắp đặt. Nó có thể khoan ở vùng nước sâu trên 110m. Theo kỹ sư Hùng, giàn DH2 đã được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để chế tạo, lắp đặt trên biển. Trong đó phương pháp hạ thủy chân đế giàn khoan ngoài khơi đã được áp dụng phương pháp “phóng lao” thay vì “đánh chìm” như trước đây. “Qua áp dụng công nghệ, kỹ sư Việt Nam rất tự tin. Tự tin vì mình đã làm chủ được công nghệ” - kỹ sư Hùng khẳng định.

Điều đáng nói, theo ông Hoàng Bá Cường, dự án hoàn toàn do các công ty dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm trách, không phải thuê nước ngoài nên làm lợi cho Nhà nước nhiều triệu USD, trong đó giá chi phí quản lý, điều hành dự án chỉ bằng 1/3 so với giá phải thuê nhà điều hành nước ngoài. Giàn DH2 là giàn công nghệ hiện đại, do đó đòi hỏi phải chính xác từng li với kỹ thuật chế tạo cao. Bằng bản lĩnh và sự học hỏi nhanh, các kỹ sư chế tạo của Việt Nam đã vượt qua sự kiểm định khắt khe của các hãng đăng kiểm nổi tiếng thế giới.

“Thành công của giàn DH2 đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ của lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam” - giám đốc Cường nói.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên