15/05/2014 00:30 GMT+7

Giàn khoan có thể xâm phạm nhiều nước

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định như trên trong cuộc trao đổi với báo chí sau khi trở về từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar.

Các ngoại trưởng ASEAN "quan ngại sâu sắc" vụ giàn khoan TQLiên minh 16 tổ chức phi chính phủ kêu gọi ASEAN và LHQ hành động "Trung Quốc đang khiến ASEAN gần nhau hơn"

NLuhTIWt.jpgPhóng to
Ảnh: Hương Giang

Giàn khoan Hải Dương 981 là một cấu trúc di động, nó có thể di chuyển và hạ đặt ở bất cứ vùng biển nào, cho nên đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà là nguy cơ chung nếu không được ngăn chặn ngay

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh

* Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa diễn ra đã có các tuyên bố quan trọng và các tuyên bố này đều đồng loạt đề cập đến tình hình hiện nay trên biển Đông. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thưa ông?

- Chúng ta thấy rằng trong tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như tuyên bố của chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 24 đều có nội dung về biển Đông. Trước đó, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN cũng ra tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở biển Đông. Các nội dung này thể hiện nhận thức chung của các nước ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, cũng như nhận thức chung về các nội dung khác có liên quan đã được nêu rõ trong văn kiện của ASEAN.

Tập quán của ASEAN từ trước đến nay là trong các tuyên bố chung thì không chỉ trích đích danh bên nào. Nhưng tuyên bố chung của ASEAN được chuyển đến cộng đồng thế giới, trong đó có Trung Quốc, thông điệp rất rõ về mối quan ngại sâu sắc trước những vụ việc đang diễn ra đã gây căng thẳng ở khu vực và yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Điều này có ý nghĩa đây không phải tuyên bố của riêng nước nào, mà là của cả khu vực với cộng đồng thế giới trong đó có Trung Quốc.

Khi đã trở thành nhận thức chung, tuyên bố chung thì tuyên bố này sẽ được sử dụng trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong thời gian tới, sức lan tỏa là rất lớn.

* Theo ông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, bên cạnh xâm phạm đến Việt Nam còn ảnh hưởng như thế nào đến an ninh và tự do hàng hải ở biển Đông?

- Với giàn khoan Hải Dương 981 thì Trung Quốc đã có hành động xâm phạm, hạ đặt trái phép sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam. Phía Trung Quốc còn huy động nhiều tàu, kể cả tàu quân sự, đâm va, phun vòi nước công suất lớn... vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Đây là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố DOC.

Chúng ta biết rằng giàn khoan Hải Dương 981 là một cấu trúc di động, nó có thể di chuyển và hạ đặt ở bất cứ vùng biển nào, cho nên đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà là nguy cơ chung nếu không được ngăn chặn ngay. Hơn nữa sự hiện diện của lực lượng đông đảo tàu thuyền, trong đó có các tàu quân sự Trung Quốc đi cùng giàn khoan này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông.

* Theo thông tin trên báo chí thì từ ngày 7-5-2014 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa có giao thiệp trực tiếp nào ở các cấp khác nhau. Xin ông cho biết vì sao?

- Như đã khẳng định rõ trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc, cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Chúng ta đã kiên trì đối thoại, giao thiệp ở các cấp khác nhau của Trung Quốc, sử dụng đường dây nóng giữa bộ ngoại giao hai nước, điện đàm cấp phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Chúng ta đã nêu rõ quan điểm đúng đắn nêu trên của Việt Nam và yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng các kênh đối thoại, ở các cấp của Trung Quốc để đạt được điều trên.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên