24/09/2012 06:50 GMT+7

Giản dị tình yêu Trường Sa

MY LĂNG - NGỌC NGA
MY LĂNG - NGỌC NGA

TT - Ngày 21-9, một người đàn ông ăn mặc giản dị bước vào phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Ánh mắt ông như toát lên nụ cười khi nói: “Tôi đến để đóng góp mua xuồng CQ cho Trường Sa”.

vkFOJIcN.jpgPhóng to
Xuồng CQ của TP.HCM tặng đảo Sơn Ca - Ảnh: T.T.D.

Ông là giáo sư đang giảng dạy ở Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Ông nhỏ nhẹ khẳng định sẽ đóng góp cho chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” 161 triệu đồng. Hôm nay ông đóng góp 88 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được mang đến sau.

Học thầy tấm lòng yêu Tổ quốc

Đó là số tiền vị giáo sư đã dành dụm suốt mười năm qua từ tiền lương của mình. Ông cho biết dự định chỉ dùng số tiền này khi có những việc quan trọng, và hôm nay đóng góp cho Trường Sa thêm sức mạnh là một việc vô cùng quan trọng mà mình cần làm để thực hiện bổn phận của một công dân.

Từ nhỏ ông đã đọc, tìm hiểu những tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và ý thức rõ đó là một phần máu thịt của Tổ quốc. Đó cũng chính là lý do ông không hề ngần ngại đóng góp toàn bộ số tiền mình tiết kiệm được cho chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động.

“Tôi còn làm việc thì tiếp tục kiếm được tiền, điều quan trọng là đất nước mình mạnh thì những công dân như tôi sẽ được sống hạnh phúc” - vị giáo sư già chia sẻ.

Nói về mình, vị giáo sư khiêm tốn từ chối để lại một cái tên trên mặt báo, chỉ cho biết: “Tôi là một học trò của giáo sư Lê Văn Thới”. Bởi vì với ông: “Được biết đến là một học trò của giáo sư Lê Văn Thới là niềm vinh hạnh lớn cho tôi lắm rồi. Thầy tôi là một người yêu nước mẫu mực, đỗ đạt ở đất Pháp, vẫn vứt bỏ tất cả để về phụng sự Tổ quốc. Thầy mất gần 30 năm nhưng đã để lại cho tôi bài học lớn, sâu sắc về lòng yêu nước. Hành động hôm nay của tôi là noi theo gương thầy, cống hiến một chút cho đất nước”.

“Quá hiểu thế nào là hi sinh...”

Kể từ khi phát động chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”, Tuổi Trẻ đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của hàng trăm bạn đọc trong và ngoài nước, từ một học sinh lớp 4 tại Bến Tre ở xa không thể đến tòa soạn được, nhờ bố mẹ chuyển khoản giúp; một chủ quán ăn trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), những cán bộ công nhân viên của nhiều ngân hàng, chị bán ve chai, người nội trợ... Và còn rất nhiều bạn đọc đề nghị không nêu tên với lý do: sự đóng góp của mình quá nhỏ bé.

Một bạn đọc có pháp danh P. Chung (TP.HCM), cán bộ nghỉ hưu, cho biết: “Tôi sống ở thời đất nước còn chiến tranh, thời của bom đạn, khó khăn nên cảm nhận rất rõ về hòa bình. Chúng tôi lớn lên trong không khí hừng hực của những ngày mà thanh niên ai cũng muốn ra chiến trường cầm súng. Nhiều người bạn lớp 7, lớp 10 của tôi đã ra đi và không trở lại trong những năm 1968-1970. Thế nên tôi quá hiểu thế nào là hi sinh và công lao của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ để chúng ta có được cuộc sống yên bình, no ấm hôm nay. Thời trẻ tôi đã không có nhiều điều kiện làm những việc mình cần làm, nên bây giờ còn có thể làm gì đóng góp cho đất nước mình thì tôi không do dự”.

Bạn đọc Phan Văn Nhu, giáo viên ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, thổ lộ: “Khi biết Tuổi Trẻ phát động chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”, tôi thấy chương trình này rất có ý nghĩa vì thiết thực”. Bài báo giới thiệu về chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” của Tuổi Trẻ đã đưa người giáo viên sinh ra ở Quy Nhơn này quay về những hình ảnh mùa sóng gió, biển động của vùng biển quê mình. Ấy là khi vào mùa biển động, ngư dân phải bơi mủng vào bờ. Có khi sóng lớn quá, thuyền lớn không vào được, phải thả thuyền nhỏ xuống chèo vô nhưng không may gặp đá và sóng lớn là thuyền bể ngay.

“Gần đất liền còn nguy hiểm như vậy, huống gì ở ngoài nơi sóng gió khốc liệt như Trường Sa - anh Nhu nói - Tôi nhớ đến những hình ảnh về người chiến sĩ mình ở Trường Sa phải dầm mình trong mưa gió mà tôi được xem hồi đi học ở Trường ĐH Thủy sản Nha Trang. Nhất là người lính đứng ở đảo, nơi nước ngập tới đầu gối, bên những rạn san hô. Mình đóng góp tinh thần là chính chứ vật chất có đáng là bao. Các con của tôi đọc Tuổi Trẻ, tụi nhỏ mới học lớp 5, lớp 7 mà cũng hào hứng nói sẽ trích tiền thưởng đoạt giải trong cuộc thi thể dục thể thao đóng góp giúp mấy chú bộ đội Trường Sa”.

Anh Nhu gợi ý: “Những hình ảnh về việc đi lại, chuyển tải của các chiến sĩ mình ở Trường Sa xuất hiện trên mặt báo còn quá ít. Những người chưa ra Trường Sa như tôi sẽ không thể hiểu hết được nỗi gian khổ, vất vả của chiến sĩ mình. Tuổi Trẻ nên đưa nhiều hơn nữa những hình ảnh ấn tượng về cảnh chiến sĩ Trường Sa cập xuồng, chuyển tải trong sóng dữ, mưa gió”.

Bạn đọc đóng góp vui lòng liên hệ trụ sở báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

* Điện thoại: (08) 39971010 - 0918033133.

Những bạn đọc ở xa muốn đóng góp xin chuyển khoản về:

* Chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ

* Tài khoản tiền Việt: 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

* Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

* Tài khoản euro: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

SWIFT CODE: BFTVVNVX007

MY LĂNG - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên