Câu chuyện một học sinh đặc biệt
"Đó giờ tôi cứ nghĩ công việc của giám thị phải là do các thầy đảm trách. Nhưng thật bất ngờ, khi chuyển lên TP.HCM và học ở một trường tư thục, tôi gặp khá nhiều cô giám thị. Trong đó có cô Ngô Thị Bích Vân, cô vừa làm giám thị vừa phụ trách phòng ở nội trú của tôi. Cô Vân trẻ lắm, tôi nghe nói cô mới tốt nghiệp đại học được hai năm.
Vào trường nội trú được hơn một tháng, tôi dĩ nhiên thành "chị đại" trong phòng. Đơn giản vì dáng hình và trọng lượng của tôi to gấp đôi các bạn nữ khác. Tính cách của tôi cũng mạnh mẽ, gan lì. Thế nên, tôi không sợ cô. Và tôi cũng không thích cô, chả hiểu tại sao.
Tôi tìm mọi cách chống đối cô để tỏ cái uy của mình với bạn cùng phòng. Khi cô kêu học sinh gấp mùng mền trước khi đi ăn sáng, nhưng tôi bảo ăn sáng xong em về sẽ gấp (nói thế chứ tôi thường xuyên không làm việc này).
Khi cô kêu đi ngủ đúng giờ, tôi bảo em chưa học bài xong. Khi cô nói tôi bỏ áo vào trong váy, tôi nói ra khỏi khu nội trú tôi sẽ làm. Các trò khác đều gọi "cô Vân", nhưng tôi thì không. Tôi nói trống không với cô, vì cô chỉ hơn tôi vài tuổi thôi mà.
Có lẽ điều mà cô vất vả với tôi nhất là giờ ăn. Vì tôi thuộc dạng quá khổ, béo phì nên tôi muốn nhịn ăn để giảm cân. Cứ đến giờ ăn là tôi trốn. Dĩ nhiên cô Vân phải đi tìm. Buổi tối, cô nằm gần giường của tôi, thủ thỉ với tôi rất nhiều điều về dinh dưỡng, về việc giảm cân đúng cách và tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi không thèm nghe.
Cho đến một buổi tối
Tôi bị xỉu do hạ đường huyết. Người đưa tôi xuống phòng y tế của trường, vội vàng pha nước đường cho tôi uống chính là cô Vân. Rồi khi thấy tôi không ổn, cũng chính cô Vân đưa tôi vào bệnh viện. Nửa đêm, tôi tỉnh dậy và thực sự thấy cảm động khi nhìn thấy cô Vân vẫn túc trực bên giường bệnh của mình.
Nhìn đồng hồ đã là 2 giờ sáng, tôi chưa kịp nói gì thì cô đã hỏi dồn dập: Em thấy trong người như thế nào rồi? Khỏe hơn chưa?
Sau đó, khi nghe bác sĩ dặn dò, cô lại tất tả đi làm thủ tục cho tôi xuất viện rồi đưa tôi về. Cô lấy nước ấm cho tôi uống, ép tôi ăn ít cháo cho lại sức... Cách chăm sóc của cô khiến tôi thấy lòng mình ấm áp, cứ như cô là người ruột rà trong gia đình tôi vậy. Chắc do tôi xa mẹ lâu quá, giờ có người quan tâm, chăm sóc tận tình khiến tôi cảm động chăng!
Rồi không biết từ lúc nào, tôi đã nghe lời cô Vân. Bắt đầu bằng việc ăn uống điều độ đến việc chơi thể thao để giảm cân theo hướng lành mạnh. Tôi cũng tập sinh hoạt một cách nề nếp, ngăn nắp hơn, giảm bớt tính khí "chị đại", giảm bớt chuyện ăn hiếp các bạn cùng phòng. Tôi cũng được cô định hướng về nghề nghiệp và học hành nghiêm túc hơn.
Giờ đã là sinh viên năm thứ 2 đại học, tôi thầm cảm ơn cô giám thị dịu dàng ngày nào. Nhờ cô mà tôi sống tốt hơn rất nhiều".
Trên đây là tâm sự của C.H.M., sinh viên năm 2 ngành ngữ văn Anh ở TP.HCM. Còn cô Ngô Thị Bích Vân hiện đang làm giám thị tại một trường tư thục trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM. Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, cô Vân lên TP.HCM tìm việc.
"Có lẽ làm giám thị là một cái duyên chứ mình không hề nghĩ tới khi còn là sinh viên". Đến nay, cô Vân đã có thâm niên bốn năm làm giám thị. Ban ngày, cô phụ trách khu vực tầng 1 của trường. Ban đêm cô phụ trách một phòng ngủ nội trú của nữ sinh. "Tôi ở trường suốt ngày, cùng ăn, cùng ngủ với học sinh, kể cả thứ bảy và chủ nhật", cô Vân chia sẻ.
Nói về những học sinh đặc biệt, cô Vân đúc kết: "Khi mình đối đãi với học sinh bằng sự chân thành và yêu thương, các em sẽ cảm nhận được ngay. Từ đó, việc giáo dục mới có thể thực hiện".
Khó tìm giám thị
Theo hiệu trưởng các trường phổ thông ở TP.HCM, giám thị là một vị trí việc làm không thể thiếu trong các trường THCS, THPT hiện nay. Giám thị đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở những trường ngoài công lập.
"Nếu như giáo viên đứng lớp đóng vai trò truyền đạt kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo chương trình của Bộ GD-ĐT, thì giám thị là người chăm sóc, uốn nắn, giáo dục học sinh ở ngoài lớp học.
Giám thị đóng vai trò quan trọng như thế, có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của học sinh như thế nhưng hiện không có trường sư phạm nào đào tạo chuyên ngành giám thị. Do đó, các nhà trường phải tự đào tạo giám thị mặc dù ứng viên đã tốt nghiệp trường sư phạm hoặc trường đại học khác", một lãnh đạo Trường tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết.
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường THPT ở quận 4 lại phản ảnh: "Việc tuyển giám thị hiện nay rất khó khăn. Thứ nhất là không có nguồn để tuyển. Thứ hai, sau khi tuyển được và đào tạo một thời gian thì các giám thị cũng chuyển sang công việc khác bất cứ lúc nào có thể. Bởi công việc của giám thị quá vất vả và áp lực, thu nhập lại thấp hơn giáo viên.
Đối với các trường ngoài công lập còn đỡ, trường có nguồn thu nên có thể trả lương cho giám thị theo đúng công sức mà họ bỏ ra. Còn ở trường công lập thì do không có vị trí việc làm giám thị nên các nhà trường phải tự cân đối để có nguồn quỹ trả lương".
Thừa nhận hiện ban giám hiệu nhà trường đang phải thay phiên nhau làm công tác giám thị, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp, TP.HCM thông tin: "Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi đã tuyển hai đợt giám thị nhưng chỉ vô làm được hai hoặc ba tuần là họ nghỉ. Lý do họ không làm là vì quá áp lực. Thậm chí, có người còn bộc bạch là họ bị sốc khi hằng ngày phải đối mặt và giải quyết quá nhiều vấn đề rắc rối của học sinh".
Theo hiệu trưởng các trường trung học ở TP.HCM, để hoàn thành tốt công việc thì người giám thị phải có lòng yêu trẻ, có sự vị tha của người thầy, có kỹ năng xử lý các tình huống một cách khéo léo, mô phạm...
"Giám thị hiền quá thì không rèn học sinh vào nề nếp nhà trường được. Nhưng giám thị làm căng quá sẽ bị học sinh ghét. Thế nên, người giám thị phải vừa cương vừa nhu, giáo dục học sinh bằng tình yêu thương. Ngoài ra, dù có học chuyên ngành gì thì khi vào làm giám thị, các nhà trường đều yêu cầu người giám thị phải hiểu tâm lý học trò. Có thế thì giám thị mới được học sinh tin cậy và trao gửi nỗi niềm", ThS Nguyễn Văn Phúc, hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP.HCM), đúc kết.
Các cô giám thị như chị, như mẹ của tôi
Từ cô bé tiểu học, tôi chập chững bước vào Trường THCS, THPT Ngôi Sao (quận Bình Tân, TP.HCM) với nhiều lo lắng, rụt rè. Bởi tôi từng nghe nói trường đào tạo học sinh giỏi, kỷ luật rất nghiêm và học sinh chịu nhiều áp lực.
Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu đi học, cô bé lớp 6 là tôi ngày nào đã thay đổi hẳn suy nghĩ. Cô giáo gọi chúng tôi bằng con và khuyến khích học trò mình nói bất cứ điều gì muốn nói, mà nhiều khi đó là những tâm sự gần gũi, yêu thương như tình cảm gia đình. Có người nói rằng thầy cô không nên gọi học trò là con, nhưng riêng tôi và nhiều bạn bè lại rất thích được gọi như vậy, thể hiện sự gần gũi, yêu thương, cảm thông và cả sự tin tưởng, kính trọng, trách nhiệm.
Tôi cũng mến trọng và nhớ mãi nhiều thầy cô giám thị, như cô Diên, cô Hồng Ngọc, cô Bích Ngọc... Các cô vừa là giám thị vừa là giáo viên bộ môn, vừa như người mẹ, người chị của lứa học trò chúng tôi ngày còn học ở Trường Ngôi Sao thân yêu. Có các cô bên cạnh, tôi thấy rất yên tâm.
Bất cứ chuyện gì chúng tôi cũng có thể chia sẻ được với các cô, và luôn được các cô lắng nghe, giúp đỡ ngay. Tôi nhớ có lần đi họp phụ huynh về, bố tôi đã kể cô giám thị tâm sự rằng bố tôi có cô con gái dễ thương quá. Cô ước gì mai mốt cũng có con gái như vậy.
Bố tôi rất vui và tôi cũng nhớ mãi những lời này, dù bây giờ đã xa Trường Ngôi Sao thân yêu để bước vào đại học.
Quốc Hương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận