Tuyên chiến với thuốc lá điện tử
Tháng 4-2023, dư luận cả nước xôn xao khi thầy giám thị Trường phổ thông Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp, TP.HCM) yêu cầu 8 nam sinh cởi quần áo để kiểm tra thuốc lá điện tử. Cô Võ Thị Lan Hương - phó hiệu trưởng phụ trách Trường phổ thông Hermann Gmeiner - cho biết: "Từ nguồn tin báo của học sinh, thầy giám thị của trường biết được một số nam sinh lớp 10 - 11 mang thuốc lá điện tử đến lớp học. Vì vậy, thầy mời các em lên phòng giám thị để kiểm tra.
Sau khi kiểm tra cặp của các em nhưng không thấy, thầy giám thị nghi ngờ học sinh giấu thuốc lá điện tử trong áo quần. Những học sinh này cũng đã từng mang thuốc lá điện tử vào trường và đã từng bị bắt gặp từ 2-3 lần. Do đó, thầy kêu một học sinh trong ban thi đua đưa 8 nam sinh vào phòng trong, cởi đồ ra (trừ đồ lót) xem có giấu thuốc lá điện tử trong người hay không".
Cô Hương thông tin thêm là thầy giám thị còn rất trẻ, mới vừa tốt nghiệp đại học và xin vào Trường phổ thông Hermann Gmeiner để dạy thỉnh giảng môn thể dục. Tuy nhiên, nhà trường đang thiếu giám thị nên hợp đồng với thầy làm nhiệm vụ giám thị.
Khi làm việc với ban giám hiệu Trường phổ thông Hermann Gmeiner, thầy giám thị đã bật khóc. Thầy bảo rằng lúc đó chỉ nghĩ là có thể học sinh giấu thuốc lá điện tử trong cạp quần hoặc trong vớ. Và suy nghĩ của thầy lúc đó là phải lấy nó ra ngay, không để cho học sinh sử dụng chứ không nghĩ gì thêm.
Sau đó, trước áp lực của dư luận, thầy giám thị trẻ tuổi đã xin nghỉ việc.
Trong những ngày đi thực tế cho tuyến bài này, khi chúng tôi đặt câu hỏi về thách thức và áp lực, tất cả các thầy cô giám thị đều cho rằng: thách thức lớn nhất và cũng đang là áp lực lớn nhất đối với các giám thị chính là việc ngăn học sinh không hút thuốc lá điện tử. Cũng chính vì nó mà thầy Đ., giám thị một trường THCS-THPT ở quận Tân Bình (TP.HCM) đã có một bài học nhớ đời.
"Phụ huynh phản ảnh là con họ bị thầy sờ soạng vào những vùng nhạy cảm trong nhà vệ sinh nam", thầy Đ. sững người khi nghe hiệu trưởng nhà trường nói với mình.
"Đó là cuối giờ ra chơi của buổi sáng, khi chuông vừa reo báo hiệu đã đến giờ vào học, tôi đi dạo một vòng kiểm tra thì vẫn thấy bóng Minh, nam sinh lớp 10, trong nhà vệ sinh. Thấy tôi đi vào, Minh vội vàng nhét một vật gì đó vào người", thầy Đ. kể.
Không những cãi bay cãi biến mà Minh còn thách thầy Đ. rằng: "Thầy không tin thì thầy soát người em đi". Thế là thầy Đ. soát người Minh, kết quả thuốc lá điện tử đã rơi ra dưới ống quần cậu học trò.
Tuy nhiên, câu chuyện này xảy ra trong nhà vệ sinh và chỉ có hai thầy trò biết.
"Nhà trường tin thầy đã soát người học sinh với mục đích là để tìm thuốc lá điện tử chứ không có mục đích khác. Nhưng không có ai làm chứng cho thầy cả", lãnh đạo nhà trường đã nói với thầy Đ. như thế.
Và trong lúc thầy Đ. tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc thì Minh, với sự thuyết phục của cô chủ nhiệm, đã thú nhận là do em quá sợ bị kỷ luật khi hút thuốc lá điện tử trong trường nên mới vu oan cho thầy giám thị như thế.
Tình ngay lý gian
Trong bối cảnh xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực như hiện nay, nhiệm vụ của người giám thị cũng nặng nề và phức tạp hơn rất nhiều. Cũng vì điều này mà thầy N., giám thị một trường THPT tư thục ở quận Tân Phú (TP.HCM), suýt mang tai tiếng khi:
"Để tránh tình trạng học sinh mang hung khí hay thuốc lá, chất cấm vào trường, chúng tôi phải kiểm tra ba lô và giỏ xách của học sinh nội trú. Hôm ấy, khá nhiều em đến trường vào sáng thứ hai thay vì tối chủ nhật. Vì đã đến giờ học nên hầu hết các em đều để ba lô ngay cửa phòng rồi lên lớp học. Khi giờ học bắt đầu, tất cả học sinh đã yên vị trong lớp, chúng tôi phân chia công việc: một số thầy đi dọc các hành lang như mọi ngày, còn tôi và một thầy nữa đi các phòng nội trú để kiểm tra hành lý học sinh".
Lần kiểm tra đó, thầy N. không phát hiện điều gì tiêu cực. Thế nhưng, sau khi ăn trưa và về phòng, học sinh Hùng thông báo mất 9 triệu đồng. Đó là số tiền mẹ Hùng đưa cho cậu để mang lên đóng học phí.
Dĩ nhiên, ban giám hiệu nhà trường phải làm việc ngay với thầy N. vì chỉ có một mình thầy vào phòng Hùng trong lúc các học sinh ở trên lớp học.
"Lúc ấy, tôi vừa bối rối vừa sợ hãi. Bởi nếu tôi không minh oan được cho mình, tôi không chỉ mang tai tiếng mà nhà trường cũng bị ảnh hưởng, tôi không chỉ mất việc mà còn phải bồi thường cho học sinh một số tiền lớn", thầy N. tâm sự.
Khi cô hiệu trưởng gọi điện cho phụ huynh để kiểm chứng, ở đầu dây bên kia, mẹ của Hùng xác nhận: "Dạ, em đưa cho cháu 9 triệu đồng để đóng học phí cho trường".
Như vậy, giả thuyết đặt ra là có thể Hùng làm rơi tiền trên đường di chuyển đến trường. "Cháu nó đi xe nhà chứ không đi xe khách, chú ruột cháu cầm lái đưa một nhóm 4 học sinh từ Lâm Đồng lên TP.HCM học nội trú. Toàn bộ tiền cháu để trong ba lô, mà ba lô thì để trong cốp xe suốt chuyến đi", mẹ Hùng khẳng định với lãnh đạo nhà trường. Riêng cá nhân Hùng cũng quả quyết: "Em để 9 triệu đồng cùng với 200.000 đồng mẹ cho em để tiêu vặt. Mà giờ chỉ còn 200.000 đồng".
Đến nước này thì thầy N. không thể nói được gì thêm nữa!
Tuy nhiên, vốn là một giám thị lớn tuổi lại có uy tín trong trường nên lãnh đạo nhà trường tạm cho thầy nghỉ ở nhà vài ngày, trước khi đưa ra quyết định kỷ luật chính thức. Rất may cho thầy, hai hôm sau ngày xảy ra sự việc, mẹ Hùng gọi điện lên thông báo: "Tôi đã tìm thấy 9 triệu đồng trong phòng ngủ của cháu Hùng, cháu nó làm rơi tiền ở nhà".
"Thầy đánh con, thầy bỏ đói con"
Trong những câu chuyện về tai nạn nghề nghiệp của người giám thị, chúng tôi đã nghe khá nhiều chuyện về việc học sinh méc ba mẹ mình là "thầy giám thị đánh con!".
"Không cần biết sự thật như thế nào, việc đầu tiên là chúng tôi phải làm tường trình trước đã. Mà mỗi lần như thế, cảm thấy cái nghề của mình thật bạc bẽo" - thầy Th., người đã có thâm niên 17 năm làm giám thị ở quận Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ. 17 năm, thầy Th. bị học sinh tố "thầy đánh con" rất nhiều lần.
"Những trường hợp tố thầy đánh con, thầy mạt sát con trước mặt các bạn, thầy bỏ đói con, thầy làm con tổn thương,... hầu hết đều rơi vào những trường hợp học sinh đặc biệt. Lý do khiến các em nói không thành có là để ba mẹ xót con, chuyển trường cho con sang trường mới - nơi đó có hội bạn bè mà học sinh đang chơi chung với nhau. Hoặc một số trường hợp vu oan cho thầy giám thị để không phải đi học", hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP Thủ Đức (TP.HCM) nhận định.
-------------
Giám thị là một vị trí việc làm không thể thiếu trong các trường THCS, THPT hiện nay. Thế nhưng, hiện chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành giám thị, kể cả các trường sư phạm.
Kỳ tới: Đỏ mắt tìm không ra giám thị chuyên nghiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận