20/02/2017 12:16 GMT+7

Giám sát việc mua bán gia cầm sống

NGUYỄN TRIỀU - TIẾN LONG
NGUYỄN TRIỀU - TIẾN LONG

TTO - UBND TP.HCM vừa chính thức có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các quận huyện giám sát và xử lý nghiêm các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép, ngăn chặn không để xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP.

Một điểm buôn bán gia cầm sống trên đường Đặng Thúc Vịnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: TIẾN LONG
Một điểm buôn bán gia cầm sống trên đường Đặng Thúc Vịnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: TIẾN LONG

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tuổi Trẻ, các địa phương có nhiều điểm mua bán gia cầm sống trái phép nhất là các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và các quận 9, Gò Vấp, Bình Tân với hàng chục điểm.

Không phải là chợ, nhưng khi hỏi địa chỉ để mua gà vịt sống thì người dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn chỉ ngay đến “chợ gà Cầu Sa” trên đường Phan Văn Đối, giáp ranh Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Khu vực này có đến gần chục người bán gà vịt sống với số lượng lên đến hàng trăm con.

“Chợ gà” này nằm ngay bên lề đường, người mua chỉ cần dừng xe lại chọn lựa, ngã giá và trả tiền rồi đi ngay.

Người bán giới thiệu gà ta, gà thả vườn giá 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại to hay nhỏ, gà tơ hay gà quá lứa.

Xuyên qua Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, dọc hương lộ 80 thuộc hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) chốc chốc lại gặp những điểm bán gà vịt sống ngay bên lề đường.

Thậm chí gà vịt sống được bày bán công khai ngay ngoài hàng rào Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A và cách UBND xã này chưa đầy 200m.

Song song với hương lộ 80 là con đường liên ấp 1, 2, 3 xã Vĩnh Lộc A cũng có đến vài điểm bán gà vịt sống, tập trung ở khu chợ tự phát hai bên lề đường.

Tuyến đường Đặng Thúc Vịnh đoạn từ điểm giao với đường Lê Văn Khương đến chân cầu Rạch Tra, xã Đông Thạnh (Hóc Môn) có tới 5 điểm buôn bán gà vịt sống.

Các điểm này phần lớn do người ở khu vực khác đến thuê nhà dân để buôn bán. Có người dựng lều ngay trên vỉa hè bán, người qua đường ghé lại mua khá đông.

Điểm bán gia cầm “tự phát” của ông T. là mái hiên căn nhà ông thuê trên đường Đặng Thúc Vịnh, ấp 3, xã Đông Thạnh, bán đủ loại từ gà, vịt, bồ câu cho tới bìm bịp.

Ngoài bán, ông T. còn giết mổ ngay tại chỗ nếu khách có yêu cầu. “Mình chỉ bán vài ba chục con cho người qua đường, làm gì phải kiểm dịch” - ông T. nói.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Đông Thạnh còn có một số cơ sở buôn bán gia cầm sống tập trung ở khu vực cầu Dừa, cầu Trần Quang Cơ...

Đây là những điểm buôn bán lâu đời, nhiều lần bị cưỡng chế tháo dỡ, cấm buôn bán nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết hiện trên địa bàn TP có cơ sở giết mổ ở Gò Vấp của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, với công suất bình quân trên 70.000 con/ngày, đủ cung cấp cho người dân TP.

Nếu có nhu cầu, tiểu thương có thể trực tiếp mua nguồn hàng ở đây.

Theo UBND TP.HCM, tuy tình hình dịch tễ gia cầm đang được kiểm soát tốt nhưng một số địa phương đã có biểu hiện chủ quan, lơ là trong tổ chức kiểm tra, phòng chống dịch.

Trong khi đó, nhiều người dân còn thói quen mua gia cầm sống nên tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.

Đến cuối tháng 1, trên địa bàn TP còn 103 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép, chủ yếu ở khu vực vùng ven và ngoại thành, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch cúm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện phải giám sát và xử lý nghiêm các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép.

Trung Quốc: 87 người chết vì cúm H7N9

Theo Tân Hoa xã, có 8 người thiệt mạng và 77 người nhiễm cúm gia cầm H7N9 trong tháng 2-2017, trong khi số liệu tháng trước cho thấy có đến 79 người thiệt mạng trên 192 người nhiễm, nghiêm trọng nhất kể từ khi chủng cúm này xuất hiện năm 2013.

Cúm gia cầm H7N9 có thể lây từ gia cầm sang người nếu tiếp xúc gần nhưng đến nay chưa có chứng cứ cho thấy chúng có thể lây từ người sang người.

Trong thời gian từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2017, Trung Quốc đã ghi nhận 306 trường hợp nhiễm virút cúm gia cầm, 90% trường hợp lây nhiễm đều có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm. Từ năm 2013, Trung Quốc đã trải qua 5 lần bùng phát cúm gia cầm H7N9.

Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, đợt bùng phát mạnh năm nay có thể là do sự gia tăng phát tán virút cúm trong môi trường, được tiếp tay bởi các điều kiện thời tiết và thói quen mua gia cầm sống, giết mổ tại chỗ của người dân.

TRẦN PHƯƠNG

Chưa có gà nhiễm cúm H7N9 được phát hiện ở VN

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cuối năm 2016 tại Quảng Ninh có một số ổ dịch cúm gia cầm chủng H5 ở huyện Hải Hà.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã dập dịch xong từ cuối năm 2016 và hiện toàn địa bàn Quảng Ninh không có ổ dịch cúm gia cầm nào, kể cả H5N1 và H7N9” - ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sát biên giới VN đang có dịch cúm gia cầm H7N9, nên tỉnh Quảng Ninh đang tích cực ngăn chặn gà nhập lậu vào VN.

Tuổi Trẻ cũng đã khảo sát từ cơ quan chức năng của Lạng Sơn và Hà Giang, hai địa phương có biên giới giáp các vùng có dịch của Trung Quốc. Đại diện hai tỉnh này đều cho biết chưa phát hiện gà nhiễm cúm H7N9. (L.Anh)

NGUYỄN TRIỀU - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên