Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế LƯƠNG HOÀI NAM đã bắt đầu câu chuyện về giải quyết kẹt xe ở đô thị bằng suy nghĩ như vậy.
Ảnh: QUANG ĐỊNH |
“Để có tương lai phải đầu tư, có sự hi sinh nhất định. Còn không muốn mất cái gì cả, thói quen đi xe máy cũng không muốn mất, mặt đường dành cho xe buýt cũng không muốn mất..., làm sao có được nền giao thông an toàn, tiện lợi |
TS LƯƠNG HOÀI NAM |
Không hi sinh nhưng thích đủ thứ
* Theo ông, sự thay đổi đó bắt đầu bằng điều gì?
- Việc đầu tiên chúng ta phải xác định là muốn tương lai giao thông đô thị như thế nào. Sẽ tiếp tục duy trì một nền giao thông dựa trên phương tiện cá nhân, phổ biến là xe máy, hay muốn một nền giao thông công cộng như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc?
Phải trả lời câu hỏi này, phải biết mình muốn gì cho bản thân, cho con cháu trong tương lai. Chỉ khi nào chúng ta rõ ràng mạch lạc với chính mình thì mới biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào.
Chúng ta đang thuộc vào loại thích đủ thứ, muốn phát triển giao thông công cộng nhưng lại không muốn giảm xe cá nhân, không chấp nhận tắc đường. Vậy lấy không gian đâu để giao thông phát triển?
Xe buýt nhanh ở Hà Nội là ví dụ rất rõ. Đó là ý tưởng đúng, hướng tới nền giao thông chuẩn cho tương lai. Thế nhưng xe buýt nhanh Hà Nội chưa vận hành đã bị vùi dập ngay trong ý tưởng.
Và ngày 29-12 khi chuyến xe buýt nhanh Hà Nội miễn phí chạy lần đầu tiên thì đã bị vùi dập trong thực tế. Xe buýt nhanh không được nhường đường, bị vây kín bởi xe cá nhân.
Chúng ta đang tự làm khó chính mình, bởi vì hoàn toàn không mạch lạc trong tư duy, không biết mình muốn cái gì cho ngày hôm nay và cho tương lai con cháu.
Chúng ta muốn đời con đời cháu mình sử dụng một nền giao thông bệ rạc như hiện nay hay là hi sinh một phần nào đó tiện lợi của mình để có một sự cải tổ, cho con cháu chúng ta được hưởng một nền giao thông hiện đại và an toàn?
Còn như hiện nay thì vô cùng bế tắc khi chúng ta đang biến tất cả mọi thứ hiện đại văn minh vào ngõ cụt và không thể giải quyết được cái gì cả. Những gì xảy ra trên đường phố chưa trả lời được là chúng ta đang muốn cái gì. Chúng ta đang lúng túng!
* Không chỉ xe buýt nhanh Hà Nội, đường một chiều, thu phí ôtô vào nội ô... ở TP.HCM để giảm kẹt xe cũng bị phản ứng?
- Mua ôtô chủ yếu để đi đường dài chứ không nên sử dụng phổ biến trong thành phố. Nhà tôi có ôtô nhưng tôi gần như không dùng để đi trong thành phố nữa, khi cần thì đi taxi - loại phương tiện có sẵn.
Tôi ủng hộ hoàn toàn việc ban hành các loại thuế, phí đánh vào người sử dụng ôtô riêng vào nội ô trong giờ cao điểm. Cái đó thế giới đã làm lâu rồi, ví dụ như Singapore.
Thứ hai, phí đậu ôtô ở trung tâm TP của chúng ta quá rẻ mà lại không hạn chế thời gian đậu xe. Trong khi ở nước ngoài đậu xe một tiếng là 5 USD, 8 USD, thậm chí 10 USD.
Đường ở trung tâm TP đã nhỏ, chật, lại để hai bên đường làm chỗ đậu xe, điều đó không đúng với mục đích đang đặt ra là làm cho đường thông thoáng để xe công cộng hoạt động.
Nhà tôi sống ven đường Cộng Hòa, đó là con đường ùn tắc dữ dội, ngày nào cũng ùn tắc. Khi biến con đường này cùng với đường Trường Chinh, đường Hoàng Văn Thụ thành một chiều, về mặt kết quả tôi không biết có hiệu quả hay không. Nhưng tôi nghĩ tình hình đã xấu quá rồi, hãy để cho người ta thử những giải pháp.
Bản thân chúng ta không chấp nhận tình hình đó nữa thì hãy để cho người ta thử, xem kết quả như thế nào. Bởi cái mà chúng ta đang chịu đựng có hay ho gì để mà níu kéo? Nếu cứ cãi, rồi nói là không giải quyết được gì thì không khi nào ra được vấn đề gì cả!
Lúc này cần sự cầu thị từ phía cơ quan quản lý, cụ thể là Sở GTVT TP, nhưng cũng cần sự chia sẻ, cầu thị từ phía người dân.
Vào giờ cao điểm, đường Nguyễn Kiệm khu vực gần vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (TP.HCM) thường bị kẹt xe kéo dài - Ảnh: HỮU KHOA |
Chính quyền cần thể hiện bản lĩnh
* Người dân cần sự chia sẻ, hi sinh lợi ích riêng nhiều hơn. Nhưng về phía người có trách nhiệm cũng cần phải dũng cảm, cam kết, thậm chí chấp nhận trả giá bằng sinh mạng chính trị?
- Đương nhiên. Với giao thông, đây là lúc chính quyền, người lãnh đạo cần thể hiện bản lĩnh. Người dân chủ yếu nhìn thấy cuộc sống hằng ngày, khó nhìn xa nên chính quyền phải nhìn xa. Vì chính quyền có thể hiểu thế giới hơn người dân, các nhà lãnh đạo tiếp xúc với thế giới nhiều hơn, biết cái gì là hay, cái gì là tốt, và cần hướng người dân đến điều đó.
Vận động, nhưng góc độ nào đó cũng phải quyết để mà làm, còn cứ “đẽo cày giữa đường” thì không thay đổi được.
* Ông nói xã hội phải chấp nhận để thay đổi, sự chấp nhận đó có cần cả từ phía chính quyền, cụ thể là sự cẩn trọng trong giải pháp và trách nhiệm khi thực hiện? Bởi không ít giải pháp về giao thông, xã hội từng có những sự bất cập, không đi kèm sự cam kết trách nhiệm nào cả.
- Ở TP.HCM và Hà Nội mỗi nơi đang có khoảng 3.000 xe buýt, đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu đi lại.
Để xe buýt phát triển thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến phải là 10.000, 20.000 hay 30.000 xe. Nhưng chỉ với 3.000 xe buýt thôi đã không có đường để chạy, vậy 30.000 xe buýt thì đường đâu để chạy?
Người dân phải hiểu để có đường cho xe buýt chạy thì họ sẽ phải chấp nhận cảnh tắc đường nếu cứ tiếp tục sử dụng xe cá nhân.
Chúng ta đang ở giai đoạn quá độ và đó là cái giá phải trả để phương tiện giao thông phát triển. Còn nếu không chấp nhận, chúng ta chiếm hết đường, chúng ta quây kín xe buýt thì lại bế tắc!
Đây là lúc chính quyền phải thể hiện bản lĩnh, nhưng cũng là lúc sự hiểu biết, tầm nhìn, sự chia sẻ của người dân được thể hiện. Chính quyền phải sòng phẳng, không e ngại, giấu giếm gì cả.
Muốn giao thông công cộng phát triển, người dân phải chấp nhận chia sẻ khi phải không còn “một bước lên xe”, còn vẫn sử dụng giao thông cá nhân thì phải chấp nhận cảnh tắc đường. Chúng ta nói ra điều này không cần phải né tránh bởi vì né tránh thì chúng ta không làm được.
Nhiều giải pháp mới kéo giảm được kẹt xe Gần 100 ý kiến bạn đọc phản hồi bài “Giải pháp giảm kẹt xe: Số đông hưởng lợi, kiên quyết triển khai” (Tuổi Trẻ ngày 2-1-2017). Trong đó, nhiều ý kiến bạn đọc đề nghị phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp mới mong giải được bài toán kẹt xe. Bạn đọc Thu Lan (hoahautina@...) viết: “Diện tích mặt đường giao thông quá hạn hẹp, giao thông thủy chưa giúp ích được gì, xe điện thì chưa cái nào hoàn chỉnh, đường trên cao còn chưa triển khai để nối kết, quốc lộ chưa đủ lớn, các giao điểm kết nối ngã ba - ngã tư - hoặc nhiều ngả chưa đủ chuẩn, bùng binh thưa thớt... trong khi dân số thành phố ngày một tăng và dân khắp nơi dồn vào kiếm sống, chung cư cao tầng mọc lên nhưng chỗ đậu xe và đường nội bộ chật hẹp... Do vậy phải đồng loạt triển khai nhiều giải pháp như: lệch giờ - tăng xe buýt vừa - xe điện - giao thông thủy - các vùng cửa ngõ xây mới bệnh viện/chợ/văn phòng dịch vụ/khu vui chơi/bãi đậu xe/cơ sở (công ty) tạo việc làm cho dân địa phương và nhiều dự án khác phục vụ đời sống người dân nữa thì may ra đến lúc đó nạn kẹt xe mới thực sự có lối thoát”. Trong khi đó, nhiều bạn đọc cho rằng các giải pháp mà Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra chỉ giải quyết phần ngọn nên không thể giảm kẹt xe. Bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam chất vấn ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM: “Các sở, ngành khác cấp phép xây chung cư, trung tâm ngoại ngữ, bệnh viện, trường học ở nội thành... thì liệu giải pháp của sở có thành công?”. Bạn đọc phamtrungbmw@... gợi ý thêm: “Cần phải cấm xe máy vì cơ sở hạ tầng đường sá không theo kịp phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao của người dân. Xã hội ngày càng phát triển, đừng duy trì xe máy nữa mà nên có lộ trình loại bỏ xe máy ra khỏi thành phố. Trước mắt cấm xe máy ở một số tuyến đường trung tâm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn thành phố. Khi loại bỏ được xe máy, đường sẽ thông thoáng hơn, phát triển phương tiện công cộng dễ dàng hơn, còn ôtô cá nhân sẽ cho lưu thông ngày chẵn - lẻ theo biển kiểm soát. Có như vậy thành phố mới giảm được nạn kẹt xe nghiêm trọng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận