Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng |
“Ai cũng muốn mình được lưu thông một cách thuận tiện nhưng để mọi người, mọi phương tiện cùng đi lại tự do thì sẽ không bao giờ có một tổ chức giao thông nào phù hợp”.
Ông Bùi Xuân Cường bắt đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về giải pháp chống ùn tắc giao thông một cách khá thẳng thắn, sau khi những giải pháp mà Sở GTVT vừa đưa ra để chống ùn tắc giao thông nhận được nhiều phản ứng trái chiều.
“Giải quyết ùn tắc giao thông phải gắn vào trách nhiệm cá nhân. Vì không thể duy ý chí hoặc áp dụng một cách vô trách nhiệm trong quá trình ra quyết định" |
Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM) |
Ông khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là quyền đi lại của người dân phải được đảm bảo. Nhưng chắc chắn không có giải pháp nào làm cho tất cả các đối tượng lưu thông trên đường đều thỏa mãn. Vì con đường chỉ rộng chừng đó, nhưng lưu thông trên đường thì có cả xe buýt, taxi, xe cá nhân, xe thô sơ, người đi bộ...
Cơ cấu vận tải thuận tiện là sự tính toán bao nhiêu xe cá nhân, bao nhiêu xe công cộng cho hợp lý, chứ không thể đáp ứng cho tất cả các phương tiện đó cùng tự do lưu thông trên đường”.
Sợ nhất là sự bất chấp
* Vừa qua Sở GTVT có đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông. Các giải pháp này nhận được cả sự đồng thuận lẫn phản đối gay gắt. Sở đã có những quyết định gì sau phản ứng đó?
- Có nhiều giải pháp đưa ra không mới, đã có từ các nhiệm kỳ trước. Chẳng hạn việc thu phí ôtô vào khu trung tâm đã có trong chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông của nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã nghiên cứu từ năm 2012.
Đơn vị tư vấn họp nhiều lần và xin ý kiến rộng rãi của người dân, ý kiến phản biện của MTTQ, của Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật...
Muốn thu phí được thì không chỉ về kỹ thuật mà về cơ sở pháp lý phải đầy đủ. Thậm chí có nhiều cái mới, đơn cử là mức phí, thẩm quyền xử phạt lúc đó cũng chưa có quy định. Cho nên dù đã có ý tưởng nhưng dừng lại đó và chuyển tiếp cho giai đoạn hiện nay khởi động lại.
Với chuyện làm lệch ca, lệch giờ thì nhiệm kỳ trước cũng đã đề cập. Nhưng giai đoạn hiện nay thì dân số, phương tiện tăng, cần phải có điều chỉnh để phù hợp.
Rồi chủ trương ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng cũng có từ trước, phải ưu tiên vận tải công cộng vì không thể nào xây dựng đủ cơ sở hạ tầng cho tất cả nhu cầu và tất cả loại xe.
Chưa nói đến cái khó hiện nay là diện tích đất dành cho giao thông của TP.HCM chỉ mới đạt 8,5% (yêu cầu là 28% trở lên), tức chỉ đạt khoảng 23% so với quy hoạch.
Hoặc chuyện gần gũi nhất là tổ chức giao thông một chiều là việc thường xuyên, trước đây đã làm rồi, ví dụ đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ hoặc đường Nguyễn Kiệm.
Và chắc chắn những giải pháp như vậy đều phải đồng bộ, cùng thực hiện, chứ không thể nào chỉ một giải pháp mà chống ùn tắc giao thông được.
Sở dĩ năm 2017 sẽ có nhiều giải pháp cùng thực hiện vì đây là thời điểm có đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Đó là chương trình hành động của Thành ủy, kế hoạch hành động triển khai của UBND TP về 7 chương trình đột phá, mà giảm ùn tắc giao thông là một chương trình. Tất cả đều có những đầu việc cụ thể, không chỉ gắn với trách nhiệm của Sở GTVT mà của nhiều sở ngành, quận huyện...
* Điều khó khăn nhất khi thực hiện các giải pháp này là gì?
- TP.HCM có những cấu trúc đô thị đặc thù, ví dụ đã bắt đầu có những cụm dân cư cao tầng, hoặc là nhà phố, trong hẻm. Do đó, với phương tiện đi lại ở TP.HCM nếu rập khuôn theo phương thức giao thông ở nước nào đó sẽ gặp thất bại mà phải có nghiên cứu phù hợp.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện các giải pháp thì việc tuyên truyền ý thức văn hóa giao thông của người dân, việc quản lý nhà nước, xử phạt đôi lúc vẫn chưa đạt yêu cầu, đây là điểm yếu.
Rõ ràng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn kém. Cho dù biết phạm luật giao thông nhưng để tiện lợi nhiều người vẫn bất chấp.
Không áp dụng vô trách nhiệm
* Như ông nói, nếp lưu thông của người Việt Nam có những bất cập, gây cản trở khi thực hiện các giải pháp chống ùn tắc. Thách thức từ thói quen đó phải được vượt qua như thế nào?
- Chúng tôi hình dung việc thay đổi thói quen đi lại, hoặc tổ chức lại giao thông các khu vực hoặc đưa ra những chính sách mới về giao thông sẽ tác động đến hành trình đi lại, chi phí đi lại của người dân.
Sự phản ứng là điều đương nhiên, bởi vì người dân đang đi lại, kinh doanh buôn bán thuận lợi thì nay gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng.
Thế nhưng đứng trên góc độ quản lý nhà nước, tầm nhìn dài hạn, từ mục tiêu chung của TP là từng bước giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo được hành trình đi lại của người dân TP thì buộc phải thực hiện.
Tất nhiên phải đứng trên quan điểm là những phương án giải pháp đưa ra không được duy ý chí, phi khoa học mà có cơ sở nghiên cứu, khảo sát, lượng hóa đứng trên các góc độ lưu thông.
Điều đó hiện nay chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được bằng việc đo đếm phương tiện, tốc độ, trên cơ sở nghiên cứu mô phỏng về tác động giao thông.
Đồng thời có sự tham gia phản biện đầy đủ nhất. Phương án nào khả thi nhất, số đông được hưởng lợi nhất và thay đổi, cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông thì chúng tôi sẽ kiên quyết để áp dụng.
* Từng có những giải pháp về giao thông bất cập, thiếu thực tiễn nhưng hiếm khi một cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm. Lần này, ông có đưa ra cam kết nào về trách nhiệm của mình?
- Tôi hoàn toàn tán đồng, trong quá trình giải quyết ùn tắc giao thông, an toàn giao thông phải gắn trách nhiệm cá nhân vào.
Để tất cả việc ra quyết định, áp dụng các biện pháp giao thông đều phải suy tính một cách thấu đáo, trách nhiệm. Chứ không thể nào duy ý chí hoặc áp dụng một cách vô trách nhiệm trong quá trình ra quyết định.
Việc nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, trong đó có trách nhiệm cá nhân, cần phải tiếp tục. Quá trình làm để ra quyết định trong đó gắn với trách nhiệm cá nhân, cũng như trách nhiệm tập thể hiện nay đã có quy định rõ trong quy định của chính quyền, của Đảng.
* Nếu như có lời nhắn nhủ với người dân TP.HCM trong việc áp dụng các biện pháp chống ùn tắc giao thông, ông sẽ nói gì?
- Tôi khẳng định là không có mô hình nào đáp ứng được 100% nhu cầu của người dân, phương tiện. Điều chúng ta chắc chắn nhất là sự tiến bộ, sự văn minh đều đến từ kỷ luật, kỷ cương.
Sẽ có những giải pháp, hoặc sự thay đổi trong giao thông gây tác động đến thói quen đi lại hằng ngày, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người dân.
Tác động rất lớn trong cả một khu vực, trong cả một tuyến đường chứ không phải tác động bộ phận nhỏ người dân. Nhưng quan điểm của chúng tôi là phải làm. Vì lợi ích chung của TP, vì cộng đồng, để sự đi lại của TP được tốt hơn, đó là sự bắt buộc.
“Tôi không nản khi nhìn xe buýt nhanh Hà Nội” * Ngày đầu tiên xe buýt nhanh Hà Nội vận hành (29-12-2016) bị vây kín bởi phương tiện giao thông cá nhân, nhìn hình ảnh đó ông có nản khi nghĩ đến tương lai của xe buýt nhanh TP.HCM? - Không. Tôi không có gì phải nản. Tôi nghĩ ở TP.HCM rồi sẽ có những khó khăn, làm cái gì cũng có khó khăn ban đầu, chứ không dễ dàng ngay. Vấn đề là ý thức người dân có thể chưa cao nhưng quan trọng là phải có chế tài. Đi cùng đó là thông tin cho người dân phải minh bạch để họ cùng chia sẻ. Còn cái gì mới thực hiện thấy khó mà nản thì sẽ không có cơ hội để thực hiện. Tôi tin rằng sự kiên trì một cách đúng đắn sẽ giúp người dân có sự nhận thức tốt hơn. Xe buýt nhanh Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong ngày đầu lưu thông, nhưng cũng ngày đó bạn tôi ở Hà Nội cho biết ở phố Láng Hạ nơi có xe buýt nhanh đi qua, khi gọi taxi đã không chở nữa vì biết đường đã dành một phần cho xe buýt nhanh. Rõ ràng đã có những thay đổi, và cái gì cũng phải có cả một quá trình mới thực hiện được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận