Tất cả đều dồn về người tiêu dùng chi trả.
Việc thu một số loại phí là cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của sân bay, các đơn vị. Tuy nhiên trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc giảm các loại phí để thúc đẩy du lịch, giao thương... vì đến cuối cùng, mọi khoản phí này đều đi ra từ túi hành khách.
Nhiều loại phí hành khách phải gánh
Sau đợt dịch COVID-19, theo nhiều hành khách, giá vé máy bay tăng liên tục, đặc biệt dịp cao điểm như Tết, lễ.
Anh Nguyễn Duy Tiến - giám đốc công ty truyền thông tại TP.HCM - cho hay nếu chú ý kỹ trong cơ cấu vé máy bay thì phần phí có khi cao hơn phần vé rất nhiều. Ví dụ có thời điểm vé khuyến mãi chỉ 90.000 - 200.000 đồng nhưng các loại phí gấp đôi, gấp ba giá vé.
Đồng ý nhiều loại thuế phí là cần thiết, tuy nhiên anh Nguyễn Châu (quận Tân Bình, TP.HCM) băn khoăn có rất nhiều loại phí đẩy giá vé máy bay lên mức cao. Ví dụ đi taxi hay xe công nghệ đến sân bay, chỉ vào khoảng vài trăm mét trong năm phút nhưng khách hàng phải trả 10.000 đồng để nộp phí ra vào cổng.
Khoản phí này khách hàng cho rằng là phí chồng phí khi đã đóng 120.000 đồng tiền phí sử dụng dịch vụ cảng và an ninh được hãng hàng không thu hộ trong vé máy bay.
Chưa hết, mới đây sân bay Tân Sơn Nhất thông báo thay đổi phương án thu phí theo lượt taxi thấp nhất 9.100 đồng/lượt thay vì cho thuê vị trí đậu theo tháng như trước đây khiến các hãng taxi lo tăng chi phí và khả năng sẽ tăng giá cước.
Sân bay Tân Sơn Nhất thu trực tiếp khoản phí này với doanh nghiệp taxi nhưng người thực sự trả tiền là hành khách. Mới nhất nhà xe TCP đã thông báo đến các hãng taxi ngưng thu phí theo lượt ở phương án mới sau khi dư luận lên tiếng, nhưng sân bay thì chưa bỏ vì vẫn đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến.
Bên cạnh đó, khách hàng còn chịu thêm khoản phí của hãng bay, ít nhất chiếm 40% giá vé là khoản phí quản trị hệ thống và khoản phí này liên tục tăng. Năm 2017-2018, khoản phụ thu quản trị hệ thống của các hãng rơi vào 110.000 - 150.000 đồng/chiều/hành khách.
Đến nay phí quản trị hệ thống của các hãng 310.000 - 450.000 đồng/chiều/hành khách. Đây là khoản phí lớn nhất trong các hạng mục phí cấu thành giá vé.
Chẳng hạn mua vé từ TP.HCM - Đà Nẵng của Vietnam Airlines, giá vé 1,1 triệu đồng, trong đó riêng tiền hãng thu phí quản trị hệ thống tới 450.000 đồng, còn lại các phí, thuế khác. Theo các hãng bay, đây là khoản thu nhằm mục đích nâng cao chất lượng quản trị dữ liệu hành khách cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống trong tương lai.
Hành khách thì phàn nàn với giá vé, hãng bay lại phân trần cũng chịu nhiều loại phí "đè" lên vé máy bay.
Uớc tính sơ bộ, hãng bay có đến 16 loại phí, tổng nộp của các hãng lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm như phí thuê quầy bán vé giờ chót, phí thuê quầy hành lý thất lạc, phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên, phí thuê phòng máy của hãng, phí thuê kho, phí sử dụng thiết bị đầu cuối...
Các hãng bay than thở rồi đến các doanh nghiệp kinh doanh trong sân bay cũng gặp khó khi chi phí thuê mặt bằng neo ở mức cao. Ví dụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, chi phí thuê mặt bằng để bán hàng, nhà hàng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng.
Từ tô phở, chai nước, ly cà phê đều cao hơn bên ngoài 30-40%, trong đó chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu giá. Vì thế việc giảm giá bán hàng trong sân bay rất khó, hành khách có nhu cầu thì phải bấm bụng chi tiêu.
Có thể "lấy ngắn nuôi dài"?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một hãng bay cho biết khi mở đường bay ra quốc tế ở một số nước sẽ nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương bằng cách giảm giá dịch vụ ở sân bay, ví dụ giảm phí ở dịch vụ cất - hạ cánh, dịch vụ sân bay, quảng cáo truyền thông...
Hầu hết các địa phương hỗ trợ để doanh nghiệp giảm giá vé, mở đường bay đưa khách tới địa phương, thu hút khách du lịch tham quan, lưu trú, mua sắm.
Vị này đánh giá khoản hỗ trợ này là tiền đề để hãng bay xem xét, tính toán các phương án để mở đường bay. Và có một số đường bay đã thành công nhờ hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ ban đầu, hãng đã bắt đầu khai thác thường lệ.
"Các khoản phí được Nhà nước quy định cần được điều chỉnh linh hoạt, bởi hiện nay gần như các khoản thu đều ở mức kịch khung" - vị này chia sẻ.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng những loại phí vô lý như mức thu 10.000 đồng phí ôtô ra vào sân bay, trong khi vé máy bay đã thu phí sử dụng dịch vụ cảng thì khách hàng chịu thiệt.
Trong khi đó thực tế năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Điều này cho thấy nếu có giảm phí cho hãng bay, ACV vẫn hoàn toàn đủ khả năng cân đối chi phí phù hợp.
"Nếu đã giảm giá mà ACV vẫn đảm bảo nguồn thu, có lợi nhuận thì cần tiếp tục chính sách hỗ trợ cho hãng bay. Tỉ lệ giảm có thể ít đi so với trước để góp phần cho hãng bay giảm giá vé, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Bởi giá vé tăng cao, hàng không ít khách, sân bay cũng hụt thu. Ở các địa phương nước ngoài sẵn sàng "lấy ngắn nuôi dài" hỗ trợ chi phí hãng bay để kéo khách du lịch" - ông Tống đặt vấn đề.
Ở góc độ doanh nghiệp khai thác ở sân bay, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng việc tăng phí ở sân bay nói chung và với taxi nói riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất đều tác động mạnh mẽ đến xã hội. Đây là sân bay lớn nhất nước, sản lượng hành khách đi lại đông nên bất cứ một thay đổi về giá là ảnh hưởng tức thì.
Theo ông Hỷ, mới đây Công ty cổ phần đầu tư TCP (nhà giữ xe TCP) và sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ thay đổi phương án thu phí khiến các hãng xe đội chi phí hàng tỉ đồng mỗi tháng, chưa kể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Sau khi lắng nghe dư luận, TCP đã bỏ phương án thu nhưng sân bay vẫn chưa.
"Phí ở sân bay tăng là doanh nghiệp khó, hành khách khó hơn thôi" - ông Hỷ nói.
Hãng bay chịu 16 loại phí
8 dịch vụ Nhà nước quy định khung giá:
1. Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay
2. Dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách
3. Dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
4. Dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
5. Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
6. Dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
7. Dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra
nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
8. Dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
(Nguồn: Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT)
5 dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá:
1. Dịch vụ điều hành bay đi - đến
2. Dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay
3. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
4. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
5. Dịch vụ phục vụ hành khách
3 dịch vụ phi hàng không
1. Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách
2. Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa
3. Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách
Đà Nẵng: bãi xe thuê riêng nên xe công nghệ chỉ chịu phí như xe cá nhân
Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, từ năm 2021 đến nay đã chuyển đổi hình thức thu phí ô tô ra vào bãi. Việc thu phí được thực hiện tại bốt thu phí đầu ra của trạm thu phí để giảm thời gian hành khách vào sân bay làm thủ tục.
Mức phí với ô tô 5 chỗ, xe tải dưới 4 tấn là 10.000 đồng trong 45 phút đầu tiên, mỗi 30 phút tiếp theo tính phí 5.000 đồng. Ô tô trên 5 chỗ đến 15 chỗ, xe tải 4 đến 10 tấn: 45 phút đầu tiên phí 15.000 đồng, mỗi 30 phút tiếp theo tính phí 8.000 đồng.
Ô tô trên 15 chỗ đến 30 chỗ, xe tải trên 10 tấn: 45 phút đầu tiên phí 20.000 đồng, mỗi 30 phút tiếp theo tính phí 10.000 đồng. Ô tô trên 30 chỗ: 45 phút đầu tiên phí 30.000 đồng, mỗi 30 phút tiếp theo tính phí 15.000 đồng.
Riêng các hãng taxi ra vào tại sân bay được quy hoạch khu đỗ riêng bên cạnh khu đỗ chung. Trung bình mỗi hãng được bố trí 30 vị trí đỗ và có người điều phối của hãng để cấp lượt ra vào đón khách trong sân bay.
Do vậy lái xe chỉ trả 10.000 đồng/lượt vào sân bay vì bãi đỗ đã được hãng thuê toàn thời gian. Các loại hình taxi công nghệ thì áp dụng mức phí chờ đỗ tương tự xe cá nhân.
TRƯỜNG TRUNG
Giảm phí thì vé máy bay mới có thể giảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường - nguyên phó cục trưởng Cục Hàng không - cho rằng hiện nay xã hội chưa đối xử công bằng với các hãng hàng không khi phàn nàn giá vé cao. Bởi vì chi phí đầu vào của các hãng không có giá trần khống chế nhưng đầu ra bị khống chế bởi giá trần.
Theo ông Cường, về chi phí đầu vào các hãng hàng không đều muốn giảm được tí nào tốt tí đó trong bối cảnh vẫn thua lỗ nặng nề do mấy năm đại dịch COVID-19.
Nếu các nhà cung ứng dịch vụ giữ nguyên mức giảm giá như những năm xảy ra đại dịch cho đến năm 2024 - 2025 chia sẻ cùng các hãng hàng không vượt qua khó khăn cũng là một cách giúp đỡ các hãng.
Riêng thuế môi trường với nhiên liệu bay nếu Nhà nước cắt giảm bằng 0 hoặc bằng mức giảm lúc đại dịch sẽ hỗ trợ được rất tốt cho các hãng. Lúc đó giá vé máy bay mềm hơn sẽ giúp kích thích du lịch, dịch vụ khác. Nhà nước có thể giảm nguồn thu từ thuế này nhưng lại tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ khác.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận