Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: TL
Theo dự kiến, phiên tòa diễn ra hôm nay (6-5), do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, luật sư được tòa án mời tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi về việc thông tin của báo chí trong phiên tòa giám đốc thẩm sẽ diễn ra như thế nào?
Công khai để báo chí tham dự
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), điều 383 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của kiểm sát viên thuộc viện KSND cùng cấp.
Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Như vậy, việc người bị kết án và luật sư có được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm hay không cũng chưa được quy định rõ, chỉ ở mức "có thể" được tham gia. Vì thế, trước đây chưa từng có tiền lệ luật sư, đương sự được mời tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Đương sự trong vụ án được thông báo về kết quả phiên tòa nhưng cũng rất chậm.
Trong khi đó, pháp luật không có quy định phiên tòa giám đốc thẩm thì phải xử kín hay xử công khai. Hiện nay đa số vụ án giám đốc thẩm đều được xử kín, báo chí, luật sư và đương sự không được tham gia.
Tuy nhiên cần phải thấy rằng bản chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Phiên tòa giám đốc thẩm nên để báo chí tham dự. Bởi xét về bản chất, báo chí là cơ quan truyền thông, góp phần thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phiên tòa càng công khai, minh bạch, càng có sự tham gia phản biện của nhiều tổ chức xã hội thì trách nhiệm của người tham gia xét xử càng được nâng cao, chất lượng công việc ngày càng tốt.
"Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi liên quan đến sinh mệnh tử tù Hồ Duy Hải được dư luận cả nước quan tâm. Do đó việc thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác của các cơ quan báo chí càng phải được tạo điều kiện. Nếu đương sự, luật sư và báo chí không được tham gia thì sẽ không có sự phản biện nào. Trong khi đó, xét cho cùng mục đích của chúng ta đều là mong muốn tìm ra bản chất của sự việc" - luật sư Nghiêm nói.
Có quyền đề xuất tham gia
Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND tối cao, báo chí có quyền đề xuất để tham gia phiên họp. Luật tố tụng hình sự không quy định phiên họp giám đốc thẩm là phiên xử kín nên nó là phiên họp công khai.
Trình tự tố tụng giám đốc thẩm cũng không giống như các phiên xử khác, không tổ chức ở phòng xử án, hội đồng thẩm phán làm việc trên cơ sở xem xét hồ sơ vụ án nên sẽ không có tranh luận, buộc tội hay bào chữa.
Do đó, lâu nay theo thông lệ phiên xử giám đốc thẩm không có sự tham gia của báo chí. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự mới có quy định về việc mời đương sự, luật sư và bị cáo tới phiên họp nhằm làm sáng tỏ những gì chưa rõ nên báo chí có thể tham gia phiên tòa bằng cách gửi văn bản đề xuất với tòa tối cao.
"Tôi nghĩ báo chí tham gia phiên tòa để đưa thông tin diễn biến cũng là một cách để công khai thông tin" - ông Độ cho biết.
Được biết, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngoài thành viên hội đồng thẩm phán, đại diện Viện KSND tối cao theo quy định của luật, còn có đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An (các cơ quan công tố, xét xử sơ thẩm), đại diện của TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (cơ quan công tố, xét xử phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải), luật sư cũng sẽ tham dự phiên họp.
Theo ông Độ, việc mời nhiều thành phần tham gia phiên xử là để khi cần làm rõ vấn đề gì thì có thể mời người tham dự trình bày cho rõ để hội đồng thẩm phán đưa ra quyết định khách quan nhất.
"Những người này không có quyền quyết định đối với số phận 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Viện KSND tối cao tham gia sẽ bảo vệ quan điểm kháng nghị, còn việc tòa có chấp nhận kháng nghị hay không là thẩm quyền của các thành viên hội đồng thẩm phán" - ông Độ nói.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự, đối với phiên họp giám đốc thẩm thì hội đồng thẩm phán có quyền chấp nhận kháng nghị hoặc không chấp nhận kháng nghị của VKS và sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Chỉ mời một số báo dự tòa
Được biết TAND tối cao có mời một số báo chí tham dự phiên tòa ở phần công bố quyết định. Tuy nhiên, số lượng báo chí được mời rất hạn chế do phòng xử chật và hiện đang trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19.
6 trường hợp có thể xảy ra trong phiên tòa giám đốc thẩm
Theo điều 388 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có 6 khả năng có thể xảy ra trong phiên tòa giám đốc thẩm. Cụ thể, hội đồng giám đốc thẩm có thể ra một trong số các quyết định sau:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận