Bị cáo Hồ Duy Hải tại tòa - Ảnh: TLTT
Đây là tình tiết quan trọng, lần đầu được công bố...
Nhân chứng không được triệu tập?
Theo nội dung vụ án, năm 2007 Hồ Duy Hải quen biết hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Sáng 14-1-2008, hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.
Hơn hai tháng sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất giết người tại Bưu điện Cầu Voi. Sau đó, Hải bị kết án tử hình về tội giết người và 5 năm tù về tội cướp tài sản.
Trong vụ án, Đinh Vũ Thường là người duy nhất vào Bưu điện Cầu Voi tối xảy ra vụ án. Anh Thường đến bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút 22 giây thì thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện và nhìn thấy chiếc xe Dream nhưng không thấy biển số xe.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 31-3-2008, anh Thường khai không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được.
Tuy nhiên, cáo trạng lại căn cứ vào lời khai này và cho rằng "nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện" tại thời điểm xảy ra vụ án.
Lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định hung thủ là ai.
Tuy nhiên khi xét xử, tòa án đã không triệu tập nhân chứng này tham gia phiên tòa. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng thể hiện anh Thường không tham dự phiên tòa. Hội đồng xét xử đã xét xử mà không và không thể thẩm vấn, làm rõ tình tiết anh Thường có nhìn thấy Hồ Duy Hải tại bưu điện hay không.
Ngày 7-12-2011, luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hồ Duy Hải) đã gặp anh Thường tại TP.HCM.
Tại cuộc gặp, anh Thường cho biết mình không hề được triệu tập tham dự phiên tòa. Anh Thường khẳng định mình không hề quen biết và cũng không thể nhận dạng thì làm sao có thể nhận ra đó là Hồ Duy Hải.
Cũng tại cuộc gặp này, anh Thường đã viết giấy xác nhận, nêu rõ việc tòa "không mời tham dự phiên tòa" và "không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà tôi thấy tối 13-1-2008 tại Bưu điện Cầu Voi".
Mới đây, luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đã gửi tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm để xem xét. Theo luật sư Phong, chứng cứ này rất có ý nghĩa.
"Từ cuối năm 2011, khi nhận vụ án này, một trong những việc tôi làm đầu tiên là tìm bằng được nhân chứng Thường. Khi anh Thường nói mình không hề quen biết thì làm sao nhận dạng được Hải, bản thân tôi cũng thấy sốc. Tôi nhờ anh Thường viết tờ xác nhận.
Đây có lẽ cũng chính là một trong những cơ sở quan trọng nhất để tôi có niềm tin đi tìm công lý trong vụ án này. Nay tôi gửi chứng cứ này cho Hội đồng giám đốc thẩm" - luật sư Phong chia sẻ.
Chứng cứ mới luật sư cung cấp cho TAND tối cao - Ảnh: H.Đ.
Nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ
Đã 12 năm trôi qua nhưng vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi vẫn còn nằm sâu trong bóng tối. Nhiều chi tiết quan trọng đã bị mất, bị thay đổi hoặc chưa được làm rõ.
Cụ thể, cáo trạng cho rằng sau khi giết các nạn nhân, Hồ Duy Hải 2 lần ra nhà vệ sinh phía sau rửa tay và dao.
Kết luận giám định cho thấy tại hiện trường vụ án thu được nhiều dấu vân tay trên cửa kính và trên vòi nước ở lavabô. Các dấu vân tay này không trùng với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải. Song các dấu vân tay này là của ai thì cơ quan tố tụng chưa làm rõ.
Điều lạ lùng là kết quả giám định dấu vân tay đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Long An cho rằng "dấu vân tay không giám định được".
Bản án phúc thẩm cũng thể hiện khi cắt cổ 2 nạn nhân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo, sau khi gây án bị cáo trèo cổng sau để đi ra cổng trước. Tuy nhiên, tại biên bản khám nghiệm hiện trường trên cánh cổng sau không có bất kỳ dấu vết máu nào để lại.
Cơ quan điều tra kết luận Hồ Duy Hải đã dùng dao cắt cổ, dùng thớt đập vào đầu nạn nhân nhưng không thu tang vật để truy nguyên mà đã tiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.
Chưa hết, sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra mới cử người ra chợ mua dao, thớt dùng để làm chứng cứ buộc tội. Quá trình điều tra, bị cáo cũng không tự vẽ con dao, mà con dao do điều tra viên vẽ trước rồi đưa cho Hải nhận dạng.
Ngoài nhân chứng Thường, cơ quan điều tra cũng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu - người đầu tiên phát hiện vụ án. Các đối tượng tình nghi như Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Nghị là người yêu của một trong hai nạn nhân. Trong đêm xảy ra vụ án, Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi. Cơ quan điều tra đã từng tạm giữ và lấy lời khai của Nghị, nhưng sau đó toàn bộ thông tin về Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án.
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án.
Đặc biệt, bản giám định pháp y ghi nhận dạ dày nạn nhân có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít nhưng không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân, không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để 4 tháng sau mới giám định. Tuy nhiên lúc này không xác định được nhóm máu do đã bị phân hủy.
Ngoài ra, cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể các nạn nhân cũng chưa được giải thích, làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ diễn ra thế nào?
Theo điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.
Các thành viên khác của hội đồng sẽ hỏi thêm về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Sau đó, các thành viên phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận