31/08/2021 09:08 GMT+7

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Nhà trường - phụ huynh nắm tay cùng vượt khó

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Ngày 1-9, gần 700.000 học sinh cấp THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM sẽ bước vào năm học mới trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi không có lễ tựu trường, khai giảng và tất cả học sinh sẽ học qua mạng.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Nhà trường - phụ huynh nắm tay cùng vượt khó - Ảnh 1.

Thí sinh chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để tham gia thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2021 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Học từ 1-9 để tránh bị động

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến phức tạp, nên chăng ngành GD-ĐT TP.HCM dời ngày bắt đầu năm học 2021 - 2022, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Bộ GD-ĐT đã có quyết định về kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Trong đó, thời gian tựu trường sớm nhất là 1-9 (đối với học sinh lớp 1 có thể tựu trường vào ngày 23-8). Thời gian kết thúc năm học là 31-5. Bộ

GD-ĐT cho phép các địa phương lùi thời gian kết thúc năm học 15 ngày so với quy định, tức là có thể kết thúc năm học ngày 15-6. Từ kế hoạch trên, Sở GD-ĐT TP nhận thấy nếu TP bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Do đó, Sở GD-ĐT TP đã rất cân nhắc và tham mưu với UBND TP ra quyết định cho học sinh THCS, THPT bắt đầu năm học mới từ ngày 1-9 với việc tổ chức lớp học, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên mạng và củng cố kiến thức cho học sinh. 

Ngày 6-9 sẽ chính thức giảng dạy theo chương trình năm học mới. Riêng khối tiểu học sẽ bắt đầu năm học mới trễ hơn là ngày 8-9 để thầy - trò làm quen với nhau, rèn nề nếp, kỹ năng và ngày 20-9 mới thực học theo chương trình năm học mới.

Ngoài ra cũng còn một lý do nữa. Đó là vì dịch bệnh nên từ cuối tháng 5 đến nay, các em học sinh TP.HCM đã ở nhà hơn ba tháng rồi. Việc các em nghỉ học quá lâu sẽ làm mất đi thói quen học tập, vì vậy cần sớm khởi động lại năm học mới để duy trì thói quen học tập cho học sinh. 

Với tình hình hiện nay, việc lùi lại thêm vài tuần nữa cũng sẽ không mang nhiều ý nghĩa và không giải quyết được những khó khăn do dịch bệnh. Nếu có lùi lại vài tuần thì học sinh vẫn phải học trên mạng chứ cũng không thể đến trường học trực tiếp như mọi năm.

Hơn thế nữa, với những học sinh phải chịu tổn thất, mất mát vì COVID-19, việc các em sớm kết nối với thầy cô, bạn bè sẽ tốt hơn về mặt tinh thần. 

Dù chỉ là gặp nhau qua mạng nhưng một tập thể lớp có học tập với nhau hằng ngày, có trao đổi, sẻ chia, động viên... với nhau sẽ xoa dịu những mất mát, giúp các em có hoàn cảnh không may sớm nguôi ngoai nỗi buồn. Đây cũng là mong muốn của Sở GD-ĐT TP.HCM khi học sinh bước vào năm học mới.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Nhà trường - phụ huynh nắm tay cùng vượt khó - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hiếu

Tôi mong các phụ huynh hãy đồng hành, chia sẻ với những khó khăn chung của ngành GD-ĐT TP. Việc dạy - học từ xa sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn nếu không có sự hỗ trợ, động viên con em của cha mẹ học sinh. Tôi mong các vị phụ huynh hãy phối hợp thật tốt với thầy cô giáo của con mình, giúp học sinh vượt qua những khó khăn khi học tập trên mạng, tạo điều kiện thuận lợi để các em được học tập trong môi trường tốt nhất có thể.

Ông Nguyễn Văn Hiếu

Không "chạy" chương trình quá nhanh

* Nhưng các giáo viên hoặc người thân nhiễm COVID-19, họ có thể bắt tay ngay vào công việc của năm học mới được không? Trong khi các trường phổ thông cần tuyển gần 6.000 giáo viên nhưng do dịch nên cuối tháng 11-2021 mới hoàn tất...?

- Với những trường hợp như trên thì nhà trường cần quan tâm, động viên giáo viên, nhân viên, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo có thời gian nghỉ ngơi và ổn định sức khỏe, ổn định tinh thần. Ban giám hiệu các trường cần có kế hoạch phân công giáo viên - nhân viên hỗ trợ, làm thay phần việc của đồng nghiệp mình trong lúc này. 

Hiện các trường được chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình năm học. Tùy từng điều kiện cụ thể của đơn vị mình, các trường sẽ có kế hoạch giảng dạy phù hợp chứ không nhất thiết phải dạy đúng số bài, số tiết trong tuần.

Trong khi chờ đợi tuyển giáo viên mới, Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn các trường hợp đồng giáo viên để có đủ nhân sự giảng dạy trong năm học mới. Hợp đồng sẽ kéo dài đến cuối tháng 12-2021 từ hai nguồn giáo viên đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục hoặc từ chính các ứng viên đăng ký thi tuyển vào trường.

* Thưa ông, dư luận vẫn có những ý kiến trái chiều về việc cho học sinh tiểu học học từ xa, nhất là lớp 1, lớp 2 vì cho rằng không hiệu quả và gây khó cho phụ huynh và giáo viên...

- Ngay từ giữa tháng 8, sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục lựa chọn giáo viên có năng lực lên tiết dạy và ghi hình để hỗ trợ học sinh lớp 1, lớp 2 học tập trên mạng. 

Những clip này sẽ được đăng trên trang web của các trường tiểu học, gửi cho phụ huynh và phát trên Đài truyền hình TP.HCM để học sinh, phụ huynh xem tham khảo - ngoài những hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. 

Sở cũng yêu cầu các nhà trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với thời gian phát hình của đài truyền hình, không "chạy" chương trình quá nhanh, gây quá tải cho học sinh.

Clip dạy học chương trình lớp 3, 4, 5 không được phát trên truyền hình nhưng cũng được đăng trên trang web của các trường. 

Việc giảng dạy từ xa của cả bậc tiểu học, THCS, THPT đều được thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP. Đó là tinh giản nội dung giảng dạy sao cho học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình chứ không mở rộng, không nâng cao. Riêng học sinh lớp 1, lớp 2 chủ yếu chỉ học toán và tiếng Việt. 

Ở bậc trung học, việc dạy học trên mạng là kết hợp giữa nhiều hình thức dạy trực tuyến, giao bài cho học sinh... Tuy nhiên, các tiết dạy trực tuyến không được quá 5 buổi/tuần và không tổ chức các hoạt động buổi thứ hai.

Việc dạy - học có những khó khăn chưa từng gặp

120-1720 31-8 4(read-only)

Do dịch bệnh, không còn cảnh đưa trẻ đến trường như những em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Quang Định (huyện Nhà Bè, TP.HCM) trong năm học 2020 - 2021 - Ảnh: TỰ TRUNG

* Suy nghĩ của ông trước một năm học mới phải đối mặt với dịch bệnh?

- TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức khi bước vào năm học mới. Đó là dịch bệnh vẫn đang căng thẳng, học sinh không thể đến trường mà phải học tập trên mạng. Học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 năm nay sẽ học chương trình mới mà phải học từ xa chắc chắn sẽ gây áp lực nhiều hơn cho giáo viên đứng lớp, gây khó khăn hơn cho học sinh và phụ huynh.

Đó là chưa kể một bộ phận học sinh không có điều kiện học tập trên Internet vì thiếu thiết bị, thiếu đường truyền Internet... Một số em nhiễm COVID-19 hoặc có người thân nhiễm COVID-19. Thậm chí, có em đã phải chịu cảnh mất người thân vì COVID-19. Rồi tình trạng phụ huynh học sinh mất việc làm, thu nhập không ổn định, có gia đình thì về quê và không thể quay lại TP.HCM.

Về phía các nhà trường, hiện nhiều trường vẫn được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Ngay cả cán bộ quản lý, giáo viên cũng có một số người là F0 hoặc có người thân mất vì COVID-19 - gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT TP. Đây là những khó khăn mà trước đây ngành GD-ĐT TP chưa từng gặp phải.

* Nhiều phụ huynh cho biết đang thiếu máy móc để con em học tập qua mạng, thậm chí có tiền cũng không mua được vì TP đang giãn cách?

- Sở GD-ĐT TP đang bàn bạc với các đơn vị để tạo điều kiện cho phụ huynh mua trả góp điện thoại thông minh, máy tính; miễn hoặc giảm cước phí 4G. Trước mắt, đối với những trường hợp không có máy móc để học qua mạng, các trường sẽ có đội ngũ tình nguyện viên mang tài liệu học tập đến tận nhà cho học sinh.

Dĩ nhiên, trên thực tế sẽ có một bộ phận học sinh không thể học từ xa hoặc có học nhưng không hiểu bài, không theo kịp chương trình... Những trường hợp này các giáo viên sẽ ưu tiên dạy kèm cho học sinh để các em theo kịp chương trình khi các em đi học lại.

Năm học mới thích ứng dịch bệnh Năm học mới thích ứng dịch bệnh

TTO - Giải bài toán thiếu giáo viên, kéo dài năm học thích ứng với tình hình dịch bệnh và đổi mới thi cử là những vấn đề được nêu ra và thảo luận trong hội nghị toàn ngành giáo dục.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên