11/12/2017 11:46 GMT+7

Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội: được mùa tiểu thuyết - mất mùa thơ

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Sáng 10-12, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức trao giải thưởng 2017 và kết nạp hội viên mới. Năm nay giải thưởng tìm được 4 tác phẩm xuất sắc ở 4 hạng mục, nhưng lại vắng bóng giải thơ vì không có tác phẩm xứng đáng.

Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội: được mùa tiểu thuyết - mất mùa thơ - Ảnh 1.

Tác giả Vũ Công Chiến (thứ hai từ trái sang) và Tô Hải Vân nhận giải thưởng - Ảnh: V.Q.CẢNH

Sau khi tác phẩm được trao giải mà độc giả phải tìm đọc, nghĩa là giải thưởng có hiệu quả. Còn trao giải xong, độc giả không “động đậy” gì là thất bại!

Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG

Tiểu thuyết được mùa

Đợt này, Hội Nhà văn Hà Nội kết nạp thêm 33 hội viên mới.

Đáng chú ý trong những hội viên mới có những người từng tham gia Hội Nhà văn VN như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Hàn, Chu Thị Thơm, Như Phong…

Tuy nhiên theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tuổi bình quân hội viên là 68,4 vẫn "rất đáng lo ngại".

Vì vậy, thời gian tới hội sẽ động viên, đặc cách mời những tác giả trẻ tham gia, gắn bó với hội.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết điểm khác biệt của giải thưởng năm nay là những tác phẩm trao giải phải đạt 75% số phiếu bầu, thay vì "quá bán" như trước.

Có 111 cuốn sách tham dự giải thưởng (60 cuốn văn xuôi, 35 cuốn thơ, 6 cuốn lý luận phê bình, 10 cuốn văn học dịch). 

Hội đồng đã luân phiên đọc, thảo luận mặt mạnh, yếu của tác phẩm một cách cẩn trọng. 

Kết quả, các giải thưởng được trao cho: 6 ngày (Tô Hải Vân), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Búp bê (tác giả người Ba Lan Boleslaw Prus) do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ và Trang sách mạch đời của Phạm Khải.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhận định văn xuôi đang thể hiện rõ xu hướng sáng tác với thể loại hồi ký, hồi ức chiến tranh... 

Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội: được mùa tiểu thuyết - mất mùa thơ - Ảnh 4.

Tiểu thuyết được mùa với nhiều tìm tòi đáng ghi nhận của các tác giả như: 6 ngày (Tô Hải Vân), Con chim Joong bay từ A đến Z (Đỗ Tiến Thụy), Hoa Thùy Miên (Phạm Hoàng Hải), Mỹ nhân đồng cỏ (Lê Hoài Nam)... 

Tuy nhiên mảng truyện ngắn dường như đang giẫm chân tại chỗ.

Với kết cấu đa chiều, lồng ghép giữa không gian và thời gian, truyện lồng truyện, tác phẩm của nhà văn Tô Hải Vân gói trọn cả nhân gian phong phú, với muôn vàn câu chuyện vừa bi hài, có lý nhưng cũng vô lý một cách hóm hỉnh. Còn Hồi ức lính đọc rất lôi cuốn, hấp dẫn vì những trang viết giản dị, trung thực và ngồn ngộn tư liệu, chi tiết đời sống lạ lùng của những người lính chiến.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Cuốn lý luận phê bình Trang sách mạch đời của Phạm Khải được hội đồng chung khảo nhận định tuy không dày dặn nhưng có quan sát rộng, lại cụ thể, cách tiếp cận mới, kết hợp giữa tiểu luận và báo chí để soi chiếu dưới nhiều góc cạnh sáng tác của mỗi nhà văn. 

Ở mảng văn học dịch, ban đầu Ngôn từ của Jean Paul Sartre (Pháp) do Thuận và Lê Ngọc Mai chuyển ngữ được lựa chọn. 

Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội: được mùa tiểu thuyết - mất mùa thơ - Ảnh 6.

Nhưng hai dịch giả từ chối nhận giải nên hội đồng họp lại và trao giải cho Búp bê của tác giả người Ba Lan Boleslaw Prus, do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ. 

Chia sẻ sau khi nhận giải, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Phạm Khải cũng cho rằng: "Giải thưởng là sự ghi nhận quan trọng nhưng sau khi có giải thưởng, tác phẩm đi vào cuộc sống được hay không mới là giá trị đích thực và cũng là cái duyên"...

Hồi ức lính đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội Hồi ức lính đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội

TTO - 'Hồi ức lính' của tác giả Vũ Công Chiến đã được trao giải thưởng tác phẩm đầu tay của Hội Nhà văn Hà Nội.

Chưa có tác phẩm thơ xứng đáng

Nói về việc không có giải thưởng thơ năm nay, nhà thơ Trần Quang Quý cho hay dù hội đồng thơ đề xuất 5 tập thơ: Mùa trong gốm (Lê Anh Phong), Canh chừng lãng quên (Vương Cường), Tự do (Hoàng Xuân Tuyền), Chi chi chành chành (Tô Thi Vân), Cây chuyển mùa (Vũ Từ Trang) nhưng vẫn không tìm được tác phẩm xứng đáng trao giải. 

Tuy có những tập thơ có dư luận, có ưu điểm ở mặt này mặt nọ nhưng chất lượng chưa đồng đều, chưa có tập thơ nào vượt trội so với mặt bằng và chính tác giả đó ở những tập thơ trước để có thể trao giải nên tất cả các thành viên hội đồng chung khảo thống nhất không trao giải thơ 2017.

Nhà thơ Trần Quang Quý

Riêng về tập thơ Tự do, nhà thơ Trần Quang Quý chia sẻ thêm: "Có người cho rằng Tự do có cách thể hiện mới mẻ và "táo bạo". Khi tôi ký phép xuất bản Tự do, nhiều người cho là "bạo phổi" nhưng thực ra có lẽ bạn đọc ấy chưa quen nghe giọng "phản biện xã hội" trong thơ chăng?".

Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội: được mùa tiểu thuyết - mất mùa thơ - Ảnh 9.

Dù thốt lên "rất tiếc cho giải thơ và tình hình thơ năm 2017", nhưng nhà thơ Trần Quang Quý khẳng định nếu tác phẩm văn học ở mọi thể loại mà không đủ chất lượng, không đạt 75% số phiếu bầu thì sẽ kiên quyết không trao giải để đảm bảo chất lượng giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cũng cho rằng năm nay có khá nhiều tập thơ tương đối tốt, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội chủ trương chọn tác phẩm thực sự xuất sắc.

Thơ nhiều mà ngang nhau nhiều quá, chưa có tác phẩm thực sự nổi bật. Hiện nay thơ mang tính phong trào, làm mất giá của thơ đến nỗi nhìn thấy thơ người ta chán. Hội sẽ đầu tư hơn nữa cho các nhà thơ, nhất là những nhà thơ trẻ. Cuộc sống bây giờ diễn biến quá nhanh. Nhà văn cao tuổi khó tiếp cận được với hiện thực cuộc sống nên văn học cần hướng về người trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Đồng quan điểm về chất lượng của nhiều tác phẩm thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ: "Nhiều năm nay có quá nhiều tác phẩm thơ ra đời nhưng đều rơi vào lãng quên. Không trao giải thơ cũng là cách đánh thức các tiềm năng thơ".

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên