05/10/2017 19:47 GMT+7

'Mua rẻ' tác phẩm của nhà văn với giá 50.000 đồng

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Rất nhiều tác phẩm của các nhà văn bị công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (thuộc Nhà xuất bản Giáo dục VN) 'mua rẻ' với giá 50.000 đồng mỗi tác phẩm cho lần in đầu và tất cả các lần tái bản về sau.

Mua rẻ tác phẩm của nhà văn với giá 50.000 đồng - Ảnh 1.

Một số cuốn sách sử dụng tác phẩm của các tác giả là thành viên của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam với mức chi trả nhuận bút chỉ 50.000 đồng/tác phẩm cho lần xuất bản đầu và tất cả các lần tái bản sau - Ảnh: V.V.TUÂN

"Mua rẻ" 50.000 đồng/tác phẩm

Trong khoảng năm 2015-2016, ông Lê Huy khi đó là giám đốc công ty này đã ký hợp đồng sử dụng tác phẩm văn học với nhiều tác giả. 

Tuy nhiên, trong hợp đồng này có điều khoản cho phép công ty sử dụng tác phẩm của các nhà văn cho lần in đầu và các lần in tái bản với số tiền chỉ 50.000 đồng/ tác phẩm.

Rất nhiều tác giả nổi tiếng, được nhiều độc giả biết đến đã ký vào bản hợp đồng này. 

Nhà thơ Vương Đình Trọng được trả 150.000 đồng cho ba tác phẩm; nhà thơ Trần Đăng Khoa được trả 1.400.000 đồng cho 28 tác phẩm; nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được trả 350.000 đồng cho 7 tác phẩm; nhà thơ Phong Thu được trả 1.500.000 đồng; nhà thơ Phạm Đình Ân được 700.000 đồng...

Đây đều là các khoản thanh toán một lần của công ty cho các tác giả để sử dụng tác phẩm trong lần in đầu và các lần in tái bản.

Mua rẻ tác phẩm của nhà văn với giá 50.000 đồng - Ảnh 2.

Một số cuốn sách sử dụng tác phẩm của các tác giả là thành viên của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam với mức chi trả nhuận bút chỉ 50.000 đồng/tác phẩm cho lần xuất bản đầu và tất cả các lần tái bản sau - Ảnh: V.V.TUÂN

Khi được hỏi, hầu hết các tác giả đã ký hợp đồng trên đều nói rằng do không đọc kỹ, nên khi ký hợp đồng không để ý đến điều khoản thanh toán nhuận bút.

"Tôi thấy có đại diện của công ty đến đưa tôi ký hợp đồng thì tôi ký, chứ không đọc kỹ và cũng không để ý chi tiết điều khoản hợp đồng. 

Tôi nói rằng đã ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam bảo vệ bản quyền các tác phẩm của tôi, nhưng các bạn ấy nói rằng Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam chưa ký với công ty nên đến ký trực tiếp với tôi. Đến thời điểm hiện tại, tôi mới chỉ nhận được một lần nhuận bút từ bên công ty" - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết.

Chi trả nhuận bút không có căn cứ

Ngày 2-10, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có thư gửi các nhà văn, nhà thơ là thành viên của đơn vị này, thông báo về sự việc tác phẩm Hoa cúc áo của nhà văn Trần Đức Tiến bị vi phạm bản quyền.

Đồng thời, văn bản cũng nêu rõ ngay sau khi nhận được vụ việc của tác giả Trần Đức Tiến, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã thực hiện thống kê và rà soát những đầu sách thơ, văn do Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông in ấn, phát hiện nhiều ấn phẩm khác cũng sử dụng các tác phẩm văn học của tác giả do Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đang bảo hộ.

Mua rẻ tác phẩm của nhà văn với giá 50.000 đồng - Ảnh 3.

Tác giả Trần Đức Tiến cho rằng ghi tên tác giả là Đức Tiến là không đúng tên tác giả - Ảnh: V.V.TUÂN

Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam chỉ ra hai điểm bất hợp lý của bản hợp đồng do Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông ký với các tác giả:

"Mức nhuận bút phía Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông chi trả cho tác giả không hợp lý: cụ thể mỗi tác giả chỉ nhận được trung bình 50.000 đồng/ tác phẩm cho xuất bản lần đầu và tất cả các lần tái bản tiếp theo.

Mức 50.000 đồng chi trả nhuận bút cho tác giả là không có căn cứ. 

Bởi theo nghị định quy định về chế độ nhuận bút đối với xuất bản phẩm và báo chí thì mức nhuận bút tác giả được hưởng phải được tính bằng tỉ lệ % x giá bán x số lượng in cho một lần in ấn xuất bản. 

Các lần tái bản tiếp theo phải xin ý kiến và thực hiện chi trả cho tác giả.

Hợp đồng tác giả ký với Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông đều từ năm 2015, 2016, nhưng lại chi trả cho cả những ấn phẩm được in ấn từ năm 2008. 

Vậy tiền nhuận bút từ năm 2008 đến năm ký hợp đồng là chưa có. Điều này còn vi phạm nghiêm trọng điều 21 Luật xuất bản" - văn bản của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam nhấn mạnh.

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng hợp đồng chi trả nhuận bút nên phải trả nhuận bút theo mỗi lần xuất bản (tái bản cũng là xuất bản) và số nhuận bút phải trả theo tỉ lệ giá sách và số lượng phát hành.

"Nhiều trường hợp tác giả hoặc người sở hữu tác phẩm chưa được trả nhuận bút tương xứng. 

Điển hình như trường hợp Công ty Mỹ thuật và truyền thông ký hợp đồng với ông Vương Đình Trọng sử dụng 3 bài thơ in sách, trả nhuận bút 150.000 đồng (mỗi bài thơ là 50.000 đồng) là chưa tuân thủ nghị định 61/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút. 

Nghị định này quy định thể loại thơ được đưa vào xuất bản phẩm (in thành sách) mức nhuận bút 10-15% trên tổng số lượng ấn phẩm/giá bìa. 

Nhà xuất bản là đơn vị sự nghiệp có thu, mà nguồn thu từ việc xuất bản tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và những người sáng tác. Nhưng họ không được trả công tương xứng cho các thành quả từ lao động sáng tạo" - luật sư Đặng Huỳnh Lộc nêu quan điểm.

Còn ông Phạm Văn Thắng, giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông, vẫn khẳng định những vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả của các thành viên Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, đơn vị này sẽ làm việc với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam để giải quyết và sẽ thông tin cho báo chí khi sự việc được giải quyết xong.

Mua rẻ tác phẩm của nhà văn với giá 50.000 đồng - Ảnh 4.

Cuốn sách có vi phạm bản quyền tác phẩm Kỳ Nhông chơi trốn tìm của nhà văn Trần Đức Tiến - Ảnh: V.V.TUÂN

Đề nghị bên vi phạm tạm dừng sử dụng tác phẩm thành viên Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

Sau sự việc truyện Hoa cúc áo bị Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông vi phạm bản quyền, mới đây nhà văn Trần Đức Tiến tiếp tục lên tiếng vì tác phẩm Kỳ Nhông chơi trốn tìm của ông bị đơn vị này in trong sách Tuyển tập thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non nhưng không xin phép và ghi không đúng tên tác giả.

"Tôi đã đề nghị Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam yêu cầu công ty này bồi thường cả tác phẩm Hoa cúc áoKỳ Nhông chơi trốn tìm của tôi bị vi phạm bản quyền" - nhà văn Trần Đức Tiến cho biết.

Ông Đỗ Hàn, phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, cho biết trước mắt đơn vị này sẽ tập trung giải quyết vụ việc Hoa cúc áo bị vi phạm bản quyền.

"Chúng tôi sẽ gửi công văn đến Cục Xuất bản, in và phát hành, Nhà xuất bản Giáo Dục VN đề nghị tạm dừng cấp phép cho tất cả các ấn phẩm của Công ty cổ phần Mỹ thuật và truyền thông có liên quan đến tác phẩm của tác giả thành viên Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đến khi giải quyết xong vấn đề bản quyền" - ông Hàn nói về bước tiếp theo để giải quyết vụ việc.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên