24/03/2019 12:09 GMT+7

Giải thưởng Hồ Hảo Hớn: Chăm chút từng giá trị vì cộng đồng

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Ngẫu nhiên mà tám mô hình, chương trình được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2019 có thể nói gắn với “thời thanh xuân”, từ thuở đội viên cho đến lúc trưởng thành, vào đời của một người trẻ.

Giải thưởng Hồ Hảo Hớn: Chăm chút từng giá trị vì cộng đồng - Ảnh 1.

Học sinh ngoại thành TP.HCM hào hứng với sân chơi khoa học vui do các tình nguyện viên chương trình “Tri thức khoa học trẻ tình nguyện TP.HCM” mang đến - Ảnh: Q.L.

Có giải thưởng được tặng cho mô hình gắn với lứa tuổi đội viên, có giải thưởng trao cho chương trình chắp cánh ước mơ vào đời của học sinh, giải thưởng khác gắn với thời sinh viên và cả những giải thưởng vinh danh nỗ lực của nhiều bạn trẻ tận dụng chuyên môn cống hiến cho cộng đồng.

Lớn lên cùng tuổi thơ

Từ ý tưởng của bạn Đỗ Khải My (cựu học sinh Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận), liên đội trường này đã ra mắt chương trình "Khăn hồng tình bạn". Thầy tổng phụ trách Đội Nguyễn Tất Bình cho biết các bạn hào hứng nuôi heo đất, thực hiện "Kế hoạch nhỏ" để có thể góp vào chương trình.

Sau khi góp, các bạn được cùng đi tặng quà tết, góc học tập cho những bạn học sinh nghèo của trường mình và cả những trường ở ngoại thành. Nhiều phụ huynh nghe con kể lại cảm xúc sau chuyến đi, đã sẵn sàng góp sức cùng nhà trường. Phần lớn kinh phí thực hiện mỗi năm đều do phụ huynh chia sẻ, có vị dù con đã ra trường song hằng năm vẫn góp ủng hộ chương trình.

Trong khi đó, 26 năm hình thành từ ý tưởng của Nhà thiếu nhi Q.11, "Liên hoan ca múa nhạc Búp sen hồng" nay đã lan rộng ra các tỉnh phía Nam, mời một số nhà thiếu nhi các tỉnh phía Bắc chơi cùng. Từ ngày đầu ra đời, liên hoan là sân chơi của những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, một cơ hội giao lưu với thiếu nhi, tham quan các địa danh do mỗi tỉnh, thành luân phiên tổ chức hằng năm.

Giám đốc Nhà thiếu nhi Q.11 Đỗ Phan Như Nguyệt kể lần đầu tiên tổ chức, các đoàn ăn nghỉ luôn tại nhà thiếu nhi.

"Điều kiện hiện nay khá hơn song với Nhà thiếu nhi Q.11, các em được chọn đi liên hoan hằng năm phần lớn vẫn là con em gia đình lao động nghèo. Chúng tôi giữ điều này như mục tiêu đặt ra từ những ngày đầu" - chị Nguyệt nói.

Chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Phan Thị Thanh Phương nói nếu "Khăn hồng tình bạn" giúp học sinh hiểu hơn ý nghĩa phong trào "Kế hoạch nhỏ", bài học chia sẻ với mọi người xung quanh, thì "Búp sen hồng" đã chứng minh là sân chơi nghệ thuật, giao lưu gắn liền với một thời tuổi thơ. "Hai mô hình này tác động sâu rộng, tạo hứng thú đối với các bạn tham gia, quan trọng là không quá khó để các đơn vị cùng lan tỏa, cùng làm" - chị Thanh Phương đánh giá.

Nâng ước mơ vào đời

Đã trở thành sân chơi rất được các bạn học sinh THPT trông đợi, cuộc thi "Thực hiện ước mơ" do Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM (SAC) tổ chức nhiều năm qua "đã mang đến cơ hội đổi đời" cho nhiều bạn trước ngưỡng cửa vào đời.

Ba nhà vô địch ở những lần tổ chức đầu hiện đã hoàn thành đại học, những nhà vô địch tiếp theo: Nguyễn Thị Xuân Tâm (Đồng Nai), Đặng Vũ Bảo (Lâm Đồng) và Yamashita Hồng Ân (TP.HCM) giờ đang du học tại Úc.

Năm nay dù không còn phần thưởng suất du học Úc song anh Lê Xuân Dũng (phó giám đốc SAC) cho biết cuộc thi đang diễn ra vẫn thu hút lượng học sinh cả nước tham gia đông đảo. "Đến cuộc thi, các bạn có cơ hội hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp của mình.

Hơn nữa, cuộc thi đã nỗ lực cùng xã hội hướng nghiệp cho học sinh, giáo viên và phụ huynh" - anh Dũng chia sẻ.

Một trong những chương trình mà trí thức trẻ tại TP.HCM tham gia khá đông là "Tri thức khoa học trẻ tình nguyện" của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ. Dùng kiến thức chuyên môn của mình, họ đến với người dân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Không chỉ xây dựng văn minh đô thị, nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, cải cách hành chính, các hoạt động còn chia sẻ nhiều kiến thức khoa học, cập nhật công nghệ mới cho học sinh, người dân, nhất là hỗ trợ bà con nông dân làm ăn.

Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn nói từng chương trình, từng cách làm được vinh danh đều mang lại những giá trị nhất định cho cộng đồng. "Qua giải thưởng năm nay, chúng tôi kỳ vọng từng cơ sở sẽ chăm chút, chắt lọc hơn nữa những giải pháp tại đơn vị mình và cần nuôi dưỡng mô hình để đúc kết nhân rộng những cách làm hay cho đơn vị khác" - anh Sơn nhấn mạnh.

Những nỗ lực âm thầm

Như tên gọi "Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm", gần 6.000 bạn trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về điện đến gần 348.000 học sinh ở TP.HCM.

Ở mỗi chuyên đề như vậy, các bạn được tập huấn kiến thức, thực hành kỹ năng, xử lý tình huống gần gũi, dễ nhớ có thể gặp phải trong quá trình dùng điện hằng ngày tại nhà, ở trường vì mục tiêu duy nhất: dùng điện một cách an toàn nhất, tiết kiệm nhất.

Còn với các công chức trẻ Đoàn Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, khi một điểm đen ô nhiễm, một bãi rác tự phát ở đâu đó được cải tạo thành công viên, vườn hoa khang trang tặng bà con, họ lại như quên hết mọi khó khăn khi bắt tay vào thực hiện.

Hơn hai năm kiên trì "biến bãi rác thành vườn hoa", đã có 19 địa điểm ở nhiều nơi của TP thành nơi nghỉ chân, tập thể dục, giúp bà con có thêm không gian xanh.

Đáng nói là hơn 1 tỉ đồng thực hiện công trình hoàn toàn từ nguồn vận động xã hội hóa, nhưng điều quý hơn nữa chính là bà con đã chú ý hơn việc bảo vệ môi trường, giữ không gian sống chung, hạn chế xả rác bừa bãi.

Cũng như hai đơn vị bạn, nhiều bạn trẻ Đoàn Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) đã có mặt trên từng cây số để phục vụ bà con vùng còn khó khăn suốt 15 năm qua.

Dù cạnh tranh hiện nay khá gay gắt, và không đặt nặng yếu tố lợi nhuận nhưng các chuyến bán hàng lưu động vẫn đều đặn lên đường, đem nhiều mặt hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao đến tận tay bà con.

Bí thư Đoàn Sài Gòn Co.op Huỳnh Nguyên Hà thông tin hiện tất cả các siêu thị, đơn vị của các thương hiệu trực thuộc không chỉ tại TP.HCM mà trải dài cả nước đều có đội hình bán hàng lưu động, vẫn đều đặn những chuyến hàng phục vụ bà con.

"Chúng tôi không chỉ bán hàng mà giới thiệu và vận động để bà con biết thông tin nhiều hơn về hàng Việt và ưu tiên dùng hàng Việt" - anh Hà nói.

Từ "hạt giống xanh" đến "hạt giống đỏ"

Chín năm qua, Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã miệt mài với chương trình, bắt đầu từ "Tôi - hạt giống xanh", tìm kiếm những nhân tố đầu tiên, đặt những nền móng xây dựng nguồn cán bộ cho tổ chức Đoàn.

Khi đủ "chín", các nhân tố ấy được qua chuỗi hoạt động huấn luyện "Hạt giống đỏ" để trở thành cán bộ Đoàn - Hội của trường.

Ngoài những bạn cán bộ Đoàn thời học sinh được quan tâm, bất kỳ sinh viên nào yêu thích hoạt động phong trào, tổ chức Đoàn - Hội luôn được chào đón đến với chương trình. Bí thư Đoàn trường Nguyễn Thị Ngọc Khánh nói được lãnh đạo nhà trường ủng hộ, sinh viên cũng hào hứng nên con số tham gia chương trình đều tăng sau mỗi năm.

"Có thể nói chương trình đã góp phần xứng đáng vào xây dựng nguồn lực cán bộ cho Đoàn - Hội của trường. Bí thư Đoàn các khoa, bộ môn hiện đều là sinh viên, trong khi trước đây phần lớn do cán bộ, giảng viên đảm trách" - chị Ngọc Khánh chia sẻ.

8 giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2019

- "Khăn hồng tình bạn" (Liên đội Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận)

- "Liên hoan ca múa nhạc Búp sen hồng" (Nhà thiếu nhi Q.11)

- "Thực hiện ước mơ" (Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM)

- "Hạt giống đỏ" (Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)

- "Tri thức khoa học trẻ tình nguyện TP.HCM" (Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ)

- "Không gian xanh - biến bãi rác thành vườn hoa" (Đoàn Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM)

- "Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm" (Đoàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM)

- "Đội hình bán hàng lưu động" (Đoàn Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM).

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên