Sau thất bại trong việc tranh vé dự Olympic Paris 2024 hồi tháng 3 tại Trung Quốc, taekwondo Việt Nam đến với Giải taekwondo châu Á trên sân nhà với nhiều kỳ vọng.
Dù vậy, việc giành HCV là điều rất khó bởi đây là giải đấu quy tụ những võ sĩ mạnh nhất châu lục. Đồng thời đây cũng là bước tổng dượt của những võ sĩ này trước khi bước vào các trận đấu tranh đoạt huy chương tại Olympic Paris 2024.
Giải đấu đông kỷ lục
Giải taekwondo châu Á 2024 có sự tham dự của 1.026 HLV, quan chức và VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo các nhà tổ chức, đây là con số đông kỷ lục trong lịch sử giải đấu (các giải trước chỉ vào khoảng 700 người).
"Giải đấu có số lượng người tham dự đông kỷ lục, đặc biệt là ở giải vô địch đối kháng. Điều này do đây là giải cuối cùng để các VĐV tích điểm xếp hạng ở từng hạng cân và cọ xát cho Olympic Paris 2024", chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) Trương Ngọc Để chia sẻ.
Đội tuyển taekwondo Việt Nam đã cử đội hình mạnh nhất tham dự kỳ tranh tài trên sân nhà. Ở nội dung đối kháng, đội có 12 VĐV tham dự 12/16 hạng cân. Trong đó có 4 VĐV từng tham dự vòng đấu loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á tại Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua là Trương Thị Kim Tuyền (49 kg nữ), Bạc Thị Khiêm (62 kg nữ), Lý Hồng Phúc (68 kg nam) và Nguyễn Hồng Trọng (58 kg nam).
Ở nội dung biểu diễn quyền, taekwondo Việt Nam tham dự với 20 tuyển thủ, trong đó có VĐV kỳ cựu Châu Tuyết Vân ở nội dung đồng đội sáng tạo. Cô gái 34 tuổi này vừa tuyên bố chia tay đấu trường SEA Games sau chiếc HCV thứ 6 liên tiếp tại SEA Games 32 ở Campuchia vào năm ngoái.
Dù vậy, Tuyết Vân vẫn khát khao chinh phục thành tích ở đấu trường châu lục. Cụ thể là đổi màu chiếc HCĐ đồng đội quyền sáng tạo ở Giải taekwondo châu Á 2022.
Chủ nhà Việt Nam không dễ lấy HCV
Như đã nói ở trên, Giải taekwondo châu Á 2024 là giải đấu cho các VĐV tích điểm trên bảng xếp hạng ở từng hạng cân và là dịp cọ xát quan trọng trước khi tham dự Olympic Paris 2024. Vì thế, sự cạnh tranh là rất lớn, đặc biệt là ở các hạng cân có các VĐV đã giành vé đến Pháp tranh tài.
Vì vậy, cơ hội để các võ sĩ Việt Nam giành huy chương đối kháng là không nhiều. Ở vòng đấu loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á, 2 VĐV chủ lực Trương Thị Kim Tuyền và Bạc Thị Khiêm đều không thể giành vé. Bạc Thị Khiêm vào đến bán kết và thất bại 1-2 trước hạt giống số 2 Ozoda Sobirjonova (Uzbekistan). Còn Kim Tuyền bị loại ngay trận ra quân trước võ sĩ trẻ Tachiana Mangin (Philippines) kém hơn mình cả chục tuổi.
Dù từng giành HCV (Kim Tuyền giành HCV giải năm 2021), nhưng sân chơi châu Á vẫn tỏ ra quá tầm với các VĐV Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Rõ nhất là ở Giải taekwondo châu Á 2022, không có VĐV Đông Nam Á nào giành HCV.
Các VĐV đối kháng của taekwondo Việt Nam thậm chí đều sớm dừng chân ngay trận ra quân hoặc trận thứ hai. Đơn cử, hạt giống số 1 Kim Tuyền xuất trận thua hạt giống số 8 Guo Qing (Trung Quốc) 0-2 ở tứ kết sau khi được miễn trận đầu. Hạt giống số 4 Bạc Thị Khiêm thua Valizadeh (Iran) 0-2 ngay trận ra quân.
Với thực lực hiện tại, hy vọng giành huy chương của taekwondo Việt Nam ở giải này có lẽ chỉ đặt vào đội tuyển quyền. Ở giải lần trước, Hàn Quốc giành đến 17/21 HCV biểu diễn quyền. 4 HCV còn lại được trao cho Đài Loan (2), Iran và Qatar; Việt Nam chỉ giành 6 HCĐ. Nhưng ở giải năm nay, được thi đấu trên sân nhà, các VĐV đội tuyển quyền có hy vọng rất lớn để đổi màu huy chương, thậm chí là mơ đến chiếc HCV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận