20/04/2023 09:15 GMT+7

Giải pháp ứng lương sớm cho nhân viên, chinh phục nhiều doanh nghiệp lớn

Với Vui App, người lao động thao tác trong vòng 30-45 giây là có thể nhận được lương của những ngày công thực tế đã tích lũy để trang trải ngay khi cần.

Giải pháp ứng lương sớm cho nhân viên, chinh phục nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh 1.

Giao diện của ứng dụng Vui App. Người lao động có thể rút khoản lương của những ngày công thực tế khi cần một khoản tiền khẩn cấp mà chưa tới kỳ trả lương thay vì đi vay nặng lãi - Ảnh: VŨ THỦY

Đó là mô tả chung nhất về Vui App - một ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực chi lương linh hoạt tại Việt Nam, bước đầu đang được hàng chục doanh nghiệp từ vài ngàn đến vài chục ngàn lao động sử dụng như một phúc lợi cho người lao động, để họ không phải đi vay nặng lãi.

Giải bài toán vay nặng lãi của công nhân

Vui App là ứng dụng của công ty Nano Technologies được xây dựng từ năm 2020, với hai nhà sáng lập Đặng Việt Dũng (thường được biết tới với cái tên Dzũng Đặng) và Nguyễn Việt Thắng. Họ kỳ vọng là một mô hình hiệu quả có thể thay thế một phần cho tín dụng đen, vay nặng lãi đang hoành hành trong đời sống công nhân, lao động thu nhập thấp.

"Tôi đọc trong một cuốn sách nói rằng văn hóa nghèo được định nghĩa là tương lai bị đánh đổi quá nhiều vì lãi suất. Nôm na là nếu lãi suất tín dụng đen là 100% thì bản chất là người vay đang đánh đổi 100% tương lai, là đang sống mòn, không có tương lai.

Bởi vì bản chất của vay nặng lãi là đánh đổi tiêu dùng trong tương lai cho hiện tại với một cái giá cao. Vay bây giờ để tương lai không dùng nữa vì bây giờ họ cần hơn", CEO Dzũng Đặng giải thích về "giá cao" của người nghèo.

Với Vui App, khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng, app sẽ hoạt động như một ứng dụng nội bộ của công ty. Người lao động đăng nhập bằng mã nhân viên và có thể theo dõi bảng chấm công, tiền lương tích lũy theo thời gian thực từ dữ liệu mà doanh nghiệp cung cấp cho Vui App.

Anh Võ Tự Đức - giám đốc phát triển kinh doanh của Nano Technologies - cho biết, với Vui App, người lao động có thể rút số tiền lương thực tế đã tích lũy với một khoản phí "rẻ ngang với ngân hàng". Khoản phí này có thể do người lao động trả hoặc doanh nghiệp chia sẻ 50% mức phí. "Thậm chí có doanh nghiệp trả luôn khoản phí này cho người lao động", anh cho hay.

"Nếu nói vậy thì mọi người sẽ nói là đi vay ngân hàng đi. Nhưng không ngân hàng nào cho vay khoản tiền 100.000-300.000 đồng. Vui App ứng trước dòng tiền để trả lương cho người lao động từ mức 100.000 đồng đến 70% thu nhập hàng tháng. Hạn mức rút do doanh nghiệp quyết định", anh Đức giải thích.

Mô hình phúc lợi không cần luật hóa

Trước khi khởi nghiệp với Vui App, CEO Đặng Việt Dũng từng là cựu CEO của Uber Việt Nam - một ứng dụng tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động mà đa số là những người yếu thế hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

"Tôi đã luôn muốn tự xây một cái gì đó thực sự là của mình, muốn start-up trước 40 tuổi, xây dựng một công ty không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn giải quyết một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Khi tìm hiểu về mô hình chi lương linh hoạt, tôi đã thấy đây chính là start-up của mình. Vui App là một ứng dụng có thể tạo ra lợi nhuận và giải quyết bài toán của người lao động thu nhập thấp, bài toán vay nặng lãi một cách bền vững", anh Dũng nói về lý do làm Vui App.

Giải pháp ứng lương sớm cho nhân viên, chinh phục nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh 2.

CEO Nano Technologies Đặng Việt Dũng chia sẻ về mô hình chi lương linh hoạt như một mô hình phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động thu nhập thấp để tránh vay nặng lãi - ẢNH: VŨ THỦY

"Điều chúng tôi hướng tới là các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chấp nhận Vui App như một mô hình phúc lợi. Qua đó hàng chục triệu người lao động được trao quyền và được hưởng lợi. Họ có thể rút khoản tiền mà họ đã kiếm ra được bất cứ lúc nào để vận hành cuộc sống họ tốt hơn", anh Dũng chia sẻ thêm.

Nói về trở ngại của Vui App, anh Dũng cho rằng start-up của anh không có nhiều vấn đề mà cần sự kiên nhẫn của app và thị trường, cần thời gian để thị trường hấp thụ, hiểu và áp dụng.

Đặc điểm chung của các start-up như Vui App là hai năm đầu đi rất chậm nhưng các thị trường đi sau sẽ đi nhanh hơn, và điểm uốn (thời điểm bắt đầu phát triển nhanh) là năm thứ 4-5. Ở năm thứ 3, Vui App đang có khoảng 40 doanh nghiệp sử dụng trong đó có 10 doanh nghiệp đại chúng có quy mô lớn như FPT Retail, Central Detail, Gỗ Trường Thành…

"Tín hiệu hiểu biết của thị trường không chậm, đặc biệt trong thời gian COVID-19 vừa qua. Người lao động khổ, doanh nghiệp cũng khổ và doanh nghiệp mong có nguồn tiền trả lương cho người lao động không trễ một ngày", anh Dũng chia sẻ.

Tuổi Trẻ Start-Up Award đã chọn được 22 start-up tiêu biểu

22 start-up tiêu biểu (thêm 2 dự án so với kế hoạch ban đầu) đã chinh phục được hội đồng thẩm định của giải thường niên Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 để được chọn, trong đó có một start-up đặc biệt. Các dự án này sẽ nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Trong đó, 1 start-up đặc biệt nhận suất hỗ trợ 100 triệu đồng từ GIBC.

Các start-up dự kiến được công bố và vinh danh tại talk show "Cảm hứng khởi nghiệp" diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 26-4 với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?". Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - chuyên gia kinh tế, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là một trong các diễn giả chính tại chương trình này.

Trước đó, ngày 21-4 sẽ diễn ra giải đấu thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up năm nay tại sân golf Thủ Đức (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM). Sau đó sẽ là gala trao giải cho golfer xuất sắc và chương trình giao lưu, kết nối cùng các start-up tiêu biểu.

Giải pháp ứng lương sớm cho nhân viên, chinh phục nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh 4.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên