21/07/2025 07:51 GMT+7

Giải pháp quốc gia chặn hàng giả, hàng nhái

Giải pháp định danh, xác thực, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang được phát triển để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Dự kiến, Bộ Công an sẽ chủ trì cấp mã định danh cho mọi loại hàng hóa tại Việt Nam qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

hàng giả - Ảnh 1.

Người dân quét mã để truy xuất nguồn gốc, thông tin về sản phẩm trước khi mua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, có thể giúp hạn chế hàng nhái, giả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các giải pháp hiện nay vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và còn nhiều kẽ hở.

Giải pháp tất cả trong một

Tình hình sẽ thay đổi bởi Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (bộ trưởng Bộ Công an đang là chủ tịch) cho biết đang phát triển giải pháp định danh, xác thực, truy xuất nguồn gốc hàng hóa - NDA Trace - với mục tiêu ngăn chặn hàng giả, hàng gian tại Việt Nam. 

Giải pháp NDA Trace sẽ do Bộ Công an chủ trì cấp mã định danh hàng hóa duy nhất (UID) theo chuẩn quốc tế cho mọi loại hàng hóa tại Việt Nam qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Toàn bộ dữ liệu NDA Trace được tích hợp từ các bộ, ngành: hải quan, thuế, y tế, quản lý thị trường, công thương... vào hạ tầng dữ liệu quốc gia, khai thác trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nền tảng định danh, xác thực, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. 

NDA Trace là hệ thống định danh - xác thực - truy xuất nguồn gốc đến từng sản phẩm, hàng hóa cụ thể nhờ ứng dụng nền tảng blockchain quốc gia (NDA Chain) và công nghệ định danh phi tập trung (NDA DID).

Mỗi sản phẩm được gắn mã định danh duy nhất, giúp theo dõi minh bạch toàn bộ hành trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Mọi thao tác của các chủ thể trong chuỗi cung ứng đều được ghi nhận và xác thực, không thể làm giả, không thể chỉnh sửa. 

Đặc biệt, NDA Trace còn kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử để xác minh mã hàng hóa trước khi cho phép đăng bán. Theo đó, hệ thống sẽ kết nối truy xuất với dữ liệu kiểm định, giấy phép, cảnh báo sản phẩm không đạt; thông báo công khai tới người dân và hệ thống phân phối.

Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (từ nhà sản xuất, cơ quan kiểm định, đơn vị vận chuyển - phân phối đến người tiêu dùng) có thể dễ dàng kiểm tra thông tin, nguồn gốc và hoạt động xác thực trong vòng đời sản phẩm thông qua NDATrace ID (dưới dạng mã QR hoặc chip định danh) mà không cần đăng ký tài khoản.

Theo các chuyên gia, người dùng có thể dễ dàng quét mã UID để truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể xác nhận mua hàng, tham gia các chương trình tích lũy điểm thành viên và chăm sóc khách hàng.

Theo đội ngũ phát triển, hiện ứng dụng đã thực hiện định danh và xác thực cho trên 400 loại mặt hàng với hơn 25.000 tem/mã định danh đã được phát hành. 

Theo kế hoạch, ứng dụng sẽ được chính thức triển khai trong quý 3 năm nay với việc tích hợp nền tảng lên các dịch vụ công quốc gia như: hải quan, thuế, thương mại điện tử, quản lý thị trường… Quý 4 sẽ triển khai thí điểm tại 3 địa phương/nhóm ngành cũng như hoàn thiện pháp lý bắt buộc định danh. Sang quý đầu năm 2026 sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Ông Trần Hữu Linh, cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường, Bộ Công Thương, đánh giá công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ cho phép quản lý vòng đời sản phẩm từ khi nó sinh ra đến khi nó chết đi. 

Cái này vượt ra ngoài câu chuyện xác thực nguồn gốc bình thường và chống hàng giả, nó sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn, làm ăn công khai minh bạch hơn và bảo vệ cho người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp
Ông Nguyễn Huy

Người dùng lẫn doanh nghiệp mong tin vui

Sau nhiều vụ việc hàng gian, hàng giả các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bị phanh phui vừa qua, chị Hồng Uyên (TP.HCM) cho hay thay vì đặt mua online, sau mấy vụ việc thuốc giả bị phanh phui, chị phải tìm đến nơi uy tín. 

Chị Uyên cho rằng cần sớm đưa giải pháp công nghệ NDA Trace để giảm thiểu tình trạng hàng giả, nhái. Theo như giới thiệu, chỉ cần quét mã, người tiêu dùng sẽ có thông tin cả chuỗi từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ, có sự kiểm định của cơ quan chức năng. Như vậy sẽ giúp giảm rủi ro cho người dùng.

Ông Hoàng Tuấn Anh, giám đốc công nghệ thông tin Công ty CP Dược phẩm ECO (ECO Pharma), cho biết đã đầu tư để ứng dụng công nghệ tem chống giả tiên tiến nhất hiện nay là mã cào cùng với mã QR kết hợp tem Hologram.

Theo đó, mỗi hộp thuốc có mã định danh duy nhất, cho phép truy xuất nguồn gốc đến từng điểm bán trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh thừa nhận hạn chế: có định danh sản phẩm nhưng lại thiếu liên thông và xác thực trên toàn chuỗi cung ứng. Hơn nữa, khả năng truy xuất nguồn gốc chỉ phục vụ nội bộ, chưa hỗ trợ người dùng cuối. Ông Tuấn Anh đề nghị sớm đưa NDA Trace vào hoạt động.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều giải pháp khác cũng được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng để xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Chẳng hạn, giải pháp tem chống giả vật lý dùng công nghệ in 3D, tem vỡ được sử dụng phổ biến nhưng rất dễ bị sao chép và không hề có dữ liệu truy xuất. Giải pháp mã QR, mã số, mã vạch thì không được xác thực độc lập.

Ông Nguyễn Hồng Nghi, giám đốc Trung tâm giải pháp số doanh nghiệp, Công ty Công nghệ thông tin VNPT IT, nhận định: giai đoạn đầu triển khai các doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ thấy rườm rà, nhiều khâu trong thủ tục, khai báo cấp mã... 

Nhưng doanh nghiệp làm ăn chân chính thì tất cả những điều đó sẽ mang lại rất nhiều giá trị lớn cho họ, bởi những sản phẩm họ mang ra thị trường sẽ được tin cậy. Tham gia chuỗi quy trình trên, doanh nghiệp còn có thể tham gia chuỗi cung ứng, thậm chí có thể thông tin ngược lại cho các cơ quan nhà nước về chất lượng hàng hóa hay có vấn đề.

Ông Nguyễn Huy, trưởng ban công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (NDA), cho rằng việc triển khai truy xuất nguồn gốc theo cách cũ còn rất manh mún, rời rạc. 

Chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào, chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất quốc gia cũng như liên thông quốc tế. Đặc biệt, nó không được xác thực bởi cơ quan nhà nước.

Với NDATrace ID, ông Huy cho rằng trong bối cảnh cả nước chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được.

hàng giả - Ảnh 2.

Hàng giả, hàng nhái vào cả siêu thị đến bệnh viện

Tại hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam" do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an vừa tổ chức, đại tá Phạm Minh Tiến, Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an, cho hay hàng giả, hàng nhái đang vào cả siêu thị đến bệnh viện…

"Vì vậy, yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế", ông Tiến nói.

47.000

Đó là số vụ hàng giả/gian lận được xử lý năm 2024 với xu hướng tăng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Theo Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia, tình hình hàng giả trong nước ngày càng phức tạp. Hàng giả đang ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống người dân qua các loại thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng.

Giải pháp quốc gia chặn hàng nhái, giả - Ảnh 4.Cuộc chiến với tội phạm hàng giả

40 tỉ đồng là tổng giá trị hàng hóa mà Công an TP.HCM đã thu giữ trong cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hàng giả hàng nhái