Giải oan cho trò

NGUYỄN HỮU NHÂN
NGUYỄN HỮU NHÂN

TT - Khi thấy D. có tên trong danh sách học sinh lớp tôi chủ nhiệm, nhiều đồng nghiệp đã cảnh báo tôi sẽ gặp xui trong năm học này.

P8Yzwzcf.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Các thông tin tôi nhận được quả tình không mang đến ấn tượng tốt. Chi tiết được đồng nghiệp nhấn mạnh là D. từng chơi thuốc lắc! Bên cạnh đó, gia đình D. luôn bảo vệ con, sẵn sàng đối đầu với nhà trường. Nói chung, em được thầy cô xếp là học sinh cá biệt.

Oan vì viên thuốc lắc

Tìm hiểu qua lý lịch, tôi biết D. là con gái duy nhất của một gia đình công chức. Cha mẹ có hiểu biết về giáo dục con cái và quan tâm con. Có điều sự quan tâm này vượt mức thông thường. Có lẽ do ngoài 30 tuổi cha mẹ mới sinh D..

Những ngày đầu nhận lớp, tôi giao tiếp với cả lớp rất bình thường, không tạo bất cứ điều gì có thể làm cả lớp nhận biết thầy chủ nhiệm không thích vì “thành tích” của D.. Tôi nhận thấy D. luôn chú ý về mặt hình thức khi đến lớp. Tư thế, tác phong, quần áo chỉnh tề, có phần điệu đà một chút vì em không còn là thiếu nhi nữa. D. cũng có khiếu về văn nghệ. Em thường đóng góp xây dựng chương trình cho lớp.

Sau những buổi sinh hoạt về những điều học sinh không được làm theo quy định tại điều lệ trường phổ thông, tôi đến gặp riêng em. Với thái độ thận trọng, em trả lời những câu hỏi của tôi thật ngắn gọn. Tôi biết em đang thủ thế với tôi, nghĩ rằng tôi cũng giống các thầy cô trước đây rồi cũng sẽ có cái nhìn không thiện cảm, chỉ đợi em có sai sót là phê bình, hạ hạnh kiểm, mời gia đình vào làm cam kết thôi.

Nếu mỗi thầy cô cẩn thận thêm một chút, giải quyết mọi việc có liên quan đến học sinh không chỉ dựa trên nội quy mà cần hướng các em khắc phục, xóa đi sai lầm đã mắc phải, xây dựng mối quan hệ thân thiện với gia đình, với các em thì sẽ thành công trong nghề nghiệp.

Tôi nhẹ nhàng kể cho em nghe rằng lúc còn đi học như em bây giờ tôi cũng chưa ngoan. Tôi từng lén cha mẹ, thầy cô tập hút thuốc lá để mong những người xung quanh xem mình là người lớn. Mà tôi còn hút nhiều lần đấy. Em nhìn tôi và hỏi: “Thật hả thầy? Sao em thấy từ ngày nhận lớp đến giờ thầy đâu có hút?”.

Tôi chia sẻ với em là từ khi tập hút thuốc như vậy, tôi chẳng những không được xem là người lớn mà những người xung quanh nhìn tôi với thái độ không thân thiện. Tôi lại phải đóng vai con ngoan trước mặt cha mẹ. Lúc nào cũng phải lo sợ bị phát hiện vì mùi hôi của khói thuốc. Mà thật sự, tôi không thấy có gì vui hay cảm giác lạ gì khi hút thuốc. Có chăng là những trận ho muốn bể phổi, ứa nước mắt vì tập nuốt khói như những người nghiện hút nhiều năm. Nhưng nhìn thấy mấy anh lớp lớn cầm điếu thuốc trông điệu nghệ quá, tôi thích được giống như vậy.

Rồi thầy giáo chủ nhiệm của tôi biết được. Thầy không hề mời cha mẹ tôi đến để than phiền gì cả. Thầy chỉ gọi tôi đến giảng giải cho tôi nghe về tác hại khi nghiện hút. Thầy nói với tôi rằng việc cầm điếu thuốc trên tay không có nghĩa đã là người lớn, được mọi người tôn trọng mà còn ngược lại. Thầy còn nói: Thầy biết ba em cũng không hút thuốc, vậy sao em không noi gương ba mà tập tành chi một việc không mang lợi ích cho tuổi học sinh. Kể từ đó tôi không còn lén hút thuốc nữa.

Thấy D. có vẻ tin câu chuyện vừa nghe, tôi quyết định hỏi luôn: “Nghe nói em từng uống thuốc lắc, em có thể cho thầy biết thực hư thế nào không? Riêng thầy, thầy chưa tin vào những thông tin mà nhiều người đồn đoán như thế”. D. bối rối giây lát rồi chậm rãi cho tôi biết rằng ba năm trước, khi gia đình có tổ chức một buổi tiệc, nhiều người đến dự. Tiệc tàn, mọi người ra về. Khi tiếp mẹ dọn dẹp, em có nhặt được một viên thuốc màu sắc đẹp, ngỡ là kẹo nên để dành đó. Hiểu biết của một học sinh lớp 6 còn nông cạn nên sau đó mấy ngày em mang theo đến trường khoe với bạn. Để chứng minh đó là kẹo, em đã bỏ vào miệng. Không ngờ đó là một viên thuốc kích thích nên em bị vật vã trong lớp phải chuyển đến y tế cấp cứu. Nếu biết uống viên thuốc mà bị tai hại như vậy, em không bao giờ dám uống. Sau đó, thầy cô nào gặp cũng đều chung một nhận xét là em chơi thuốc lắc. Nhà trường và cơ quan công an đã tìm hiểu và kết luận không có ai dụ dỗ em, tất cả do em tò mò, thiếu hiểu biết mà thôi.

Tôi gật đầu tỏ ý tin tưởng em. Đúng là em từng uống thuốc lắc nhưng chưa ai biết rõ sự việc như em đã thổ lộ với tôi. Ba năm qua, trường cũng chưa ghi nhận em tái phạm lần nào. Các thầy cô trước sau đều cho rằng em tụ tập chơi thuốc lắc cùng bọn xấu. Vậy nên tiếng xấu cứ theo đuổi mãi. Tôi hứa sẽ lấy lại danh dự cho em với điều kiện em phải cố gắng thực hiện nội quy, chăm chỉ học tập, hạn chế phản ứng thầy cô khi bị phê bình. Học kỳ I trôi qua, tôi luôn thuyết phục đồng nghiệp không nên nhắc mãi sai lầm của em khi có dịp. D. cũng nỗ lực thay đổi hình ảnh đối với thầy cô. Cha D. trong các buổi họp phụ huynh cũng vui và thân thiện hơn với nhà trường.

Nghi án dùng dao lam cắt tay

Nhưng trong học kỳ II, D. lại gặp một sự cố lớn. Một giáo viên đã báo cáo với ban giám hiệu rằng D. đã tự cắt tay bằng lưỡi lam trong giờ dạy của đồng nghiệp này, vết thương vẫn còn. Do sợ em phản ứng và gia đình kiện cáo là không quản lý học sinh trong giờ dạy nên giáo viên này không giải quyết trực tiếp mà báo cấp trên kèm nhận định: có khả năng D. sử dụng thuốc lắc nên không biết đau mà tự cắt tay mình. Việc học sinh tự cắt tay đến đổ máu khi sử dụng chất kích thích đã có ở một vài nơi nên ban giám hiệu rất lo. Tôi được chỉ định xuống ngay lớp, tìm cách giải quyết phù hợp, báo cáo nhà trường và liên hệ gia đình ngay nếu cần thiết.

Cần tích cực trong đánh giá học sinh

Sau nghi án D. “tự cắt tay” được làm rõ trắng đen, tôi đến trình bày sự việc với ban giám hiệu và đề nghị thầy cô cẩn thận hơn khi kết luận về hành động của một học sinh, nhất là đối với D.. Việc đánh giá sự rèn luyện của D. nên theo hướng tích cực, không nên đặt nặng về một sai lầm nhiều năm trước.

Khi đến lớp, tôi thông báo lý do cho cả lớp biết rằng thầy chủ nhiệm cần hỏi ý kiến vài học sinh về thành phần diễn viên đội văn nghệ chuẩn bị tham gia hội diễn sắp đến. Tôi gọi D. ra khỏi lớp. Rất nhanh, tôi quan sát D., vận dụng tối đa kiến thức được trang bị để có thể phát hiện khi học sinh sử dụng chất kích thích. Em không có biểu hiện gì lạ cả. Mắt em vẫn tinh anh, cơ thể không có trạng thái ngái ngủ, cũng chẳng chảy nước miếng gì cả. Em vẫn trả lời các câu hỏi của tôi hết sức bình thường. Tôi biết có sự hiểu lầm ở đồng nghiệp.

Tôi dùng chiêu cuối cùng: D. xem còn bao nhiêu thời gian nữa thì hết tiết. Khi em kéo tay áo dài lên, tôi rất sợ. Sợ thấy những vết cắt trên tay em. Nếu đúng như lời đồng nghiệp báo cáo thì hết phương cứu chữa. Nhưng rồi, tôi thấy không có vết cắt nào trên tay em. Tôi thở phào nhẹ cả người. Trước khi D. vào lớp, tôi còn kịp nhìn thấy mấy vết mực trắng của bút xóa bám trên bàn tay em. Tôi hỏi: Sao tay dính nhiều mực vậy? D. cười bảo do sơ suất đè tay lên bút xóa, D. đã lấy lưỡi lam cạo mãi vẫn chưa sạch.

Vậy là do đồng nghiệp tôi quá nhạy cảm, đứng trên bục giảng nhìn xuống thấy D. lấy lưỡi lam trong hộp bút để cạo sạch những vết mực của bút xóa đã nghĩ rằng D. tự cắt tay mình. Thế mới biết tác hại của những thông tin vô căn cứ về em. Và đó cũng là lý do vì sao em và gia đình hay phản ứng trước các kết luận về em.

Cuối năm học, D. đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp THCS và được thi vào THPT. Gia đình có đến cảm ơn và nói rằng: đây là năm học gia đình hài lòng, không hề có đơn khiếu nại, nhất là khiếu nại về thầy chủ nhiệm.

NGUYỄN HỮU NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên