01/09/2024 07:55 GMT+7

Giải mã hiện tượng Sơn La thành vựa trái cây Tây Bắc

VŨ TUẤN
và 1 tác giả khác

Sơn La đang bật lên thành một trong những tỉnh sản xuất hoa quả lớn nhất miền Bắc. Nông dân trồng loại nào xuất khẩu loại ấy. Câu chuyện được mùa mất giá đã không còn đúng với mảnh đất Tây Bắc này.

Giải mã hiện tượng Sơn La thành vựa trái cây Tây Bắc - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Lộc - giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc - thu hoạch vườn nhãn chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu - Ảnh: C.TUỆ

Có một thời, Sơn La là thủ phủ trồng ngô với câu ca "ngô leo lên núi, núi ngả cúi đầu" bấp bênh vụ đói, vụ no. Nhưng bây giờ ngô đã nhường đất cho xoài, na, nhãn, thanh long, dâu tây... để mỗi héc ta có thể đem về hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng cho người nông dân.

Nông dân quốc tế ở Sơn La

Ông Trần Văn Lộc - giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, Sơn La) - đưa sáu thùng xoài sang Trung Quốc chào hàng. Mỗi thùng chỉ 20 cân, ông nhờ người bạn Trung Quốc mang đến sáu cửa hàng ở sáu nơi khác nhau bên Trung Quốc để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng.

Chưa đầy vài chục phút, xoài bán hết veo! Chủ cửa hàng nhắn tin hỏi để nhập thêm. Đây là giống xoài Úc ông Lộc ghép trên 2.000 gốc xoài Đài Loan gần chục năm tuổi ở vườn nhà.

Ông Lộc cho hay giống xoài mới, quy trình chăm sóc mới do ông tìm tòi áp dụng hai năm nay đã thành công. Quả nào quả nấy vàng ruộm, tròn lẳn, vàng như xoài nhựa, vỏ không một vết ố. "Tôi chỉ có nửa héc ta thôi, nhưng năm nay tôi thu sáu tấn. Mà quan trọng là giá tại vườn đến 18.000 đồng/kg", ông Lộc nói.

Kế hoạch của lão nông miền núi này là vụ tới sẽ xuất được container xoài đầu tiên sang Trung Quốc. Ba năm tới sẽ có ít nhất ba container (khoảng 60 tấn) xoài loại chất lượng cao sang thị trường tỉ dân.

Câu chuyện trồng cây chất lượng cao, bán giá đắt, định hướng xuất khẩu, ông Lộc cũng đã làm với quả nhãn chục năm nay. Người đàn ông này bỏ tiền lặn lội khắp Hưng Yên, Hà Nội, các lớp tập huấn, các khóa học của Học viện Nông nghiệp Hà Nội… để học cách ghép, nhân giống chăm sóc nhãn.

Giải mã hiện tượng vựa trái cây Tây Bắc - Ảnh 2.

Vẫn là giống nhãn "Miền Thiết" (giống nhãn ghép có nguồn gốc Hưng Yên) đầu vụ vừa rồi ông Lộc bán với giá 48.000 đồng/kg. Ông Lộc bẻ một chùm nhãn, lắc lắc trước mặt giải thích: "Cách chăm sóc của mình phải làm được ra quả nhãn cỡ 40 - 60 quả một cân thế này. Đây là loại bán đắt nhất, khách nước ngoài tranh nhau mua.

Loại hai là cỡ từ 60 - 85 quả một cân. Loại này xuất khẩu nhiều nhất, còn loại ba trên 85 quả một cân thì làm long nhãn. Tuy nhiên mã quả phải sáng, tuyệt đối không bị nấm bệnh".

Ông Lộc mua vườn trồng nhãn từ năm 2010, đến năm 2017 quyết định thành lập hợp tác xã. Đến nay, Hợp tác xã Hưng Lộc đã liên kết sản xuất 46ha nhãn, hằng năm thu hoạch hơn 60 tấn quả.

"Làm nông nghiệp phải bỏ cách làm cũ đi! Mình phải tìm đầu ra trước. Muốn có đầu ra thì phải trồng được loại mà thị trường chấp nhận. Trồng diện tích ít nhưng chất lượng cao. Muốn thế thì phải tính toán đến xuất khẩu vì giá đắt thì trong nước không "ăn", mà bán rẻ thì vô hình trung lại làm giảm giá trị của mình xuống", ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Tiến Hải - phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã - cho hay hơn chục năm trước thì khuyến khích bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, còn những năm gần đây huyện hỗ trợ để bà con tăng chất lượng, tăng giá trị của cây ăn quả.

"Ngoài các chính sách của tỉnh, của huyện về hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến cây ăn quả, quảng bá, tìm kiếm đầu ra thì chúng tôi đang chuyển hướng để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP... Sản phẩm cây ăn quả của bà con Sông Mã đã xuất sang Mỹ, Trung Quốc, Úc hay cả các thị trường khắt khe như châu Âu, New Zealand", ông Hải cho hay.

Thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ sâu cho chế biến, mục tiêu đến năm 2025 ổn định 100.000ha cây ăn quả và phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả vùng Tây Bắc.
Ông Hà Như Huệ (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La)

Từ vườn ngô vài triệu đến vườn thanh long trăm triệu

Anh Quàng Văn Trung - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch An Phú, ở phường Chiềng An, TP Sơn La - là người bắt thanh long ra quả đều chằn chặn. Thanh long của hợp tác xã này cũng bán đắt gấp đôi, gấp ba thanh long người khác trồng đại trà ở Sơn La.

Giám đốc nông dân này bỏ công việc của kỹ sư thủy điện lương tháng cả chục triệu về cải tạo vườn ngô trồng thanh long. Trung cho hay chính mảnh vườn anh khởi nghiệp ngày ấy là mảnh vườn ngô trồng được hơn 1kg ngô giống, thu mỗi vụ chẳng đủ nuôi một lứa lợn năm con. Ấy thế mà mảnh vườn này mỗi năm đang cho thu hoạch cả trăm triệu từ thanh long.

Năm 2012, Trung cùng một người bạn đã lặn lội vào Bình Thuận để học cách trồng thanh long. Hơn một năm sau, anh về với 400 hom thanh long giống. Hai năm sau, vụ đầu tiên những quả thanh long của vườn Quàng Văn Trung mập mạp, có "râu rồng", đỏ au au. Giá bán trung bình lên tới 50.000 đồng/kg, gấp ba lần giá thanh long vườn nhà khác.

Giải mã hiện tượng vựa trái cây Tây Bắc - Ảnh 3.

Mảnh vườn 400 gốc thanh long của anh Quàng Văn Trung, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch An Phú, thu về cả trăm triệu mỗi năm - Ảnh: C.TUỆ

Đầu năm 2018, Trung đứng ra thành lập hợp tác xã với 10 thành viên. Đến nay, hợp tác xã đã có 18 thành viên và 28 hộ liên kết sản xuất. Tổng diện tích chỉ hơn 40ha nhưng thu nhập cao, có vườn thu không dưới 400 triệu đồng/năm.

Điều kiện để được vào hợp tác xã này rất khắt khe, khó nhất là phải làm đúng quy trình, trồng được thanh long sạch, đúng kỹ thuật, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật… theo hướng GlobalGAP. "Chúng tôi áp quy trình, mỗi gốc chỉ để khoảng 20 đầu hoa nhưng trên cây lúc nào cũng có 5 lứa gối nhau. Quả to đều và khống chế để chín đúng dịp rằm hoặc đầu tháng, giá mới cao được", anh Trung tiết lộ.

Ngoài thanh long, hợp tác xã này còn trồng mận, na ở huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La. Hiện hợp tác xã của anh Trung cũng liên kết với Hợp tác xã Ngọc Hoàng (huyện Mai Sơn) để xuất khẩu thanh long đi Nga, Pháp… Mỗi năm hợp tác thu hoạch gần 500 tấn quả các loại, thu trên 13 tỉ đồng, các thành viên và các hộ liên kết của hợp tác xã đều có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

Giải mã hiện tượng vựa trái cây Tây Bắc - Ảnh 1.Từ tỉnh miền núi, Sơn La trở thành trung tâm chuyên canh và xuất khẩu hoa quả

TTO - Từ một địa phương miền núi, Sơn La đã trở thành một trung tâm chuyên canh cây ăn quả và xuất khẩu hoa quả của miền Bắc. Còn Hòa Bình là 1 trong 3 địa phương đầu tiên của cả nước có cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên