Phóng to |
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tư vấn cho các học sinh Tiền Giang sáng 18-2 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Những điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm nhất. Không chỉ về khối thi A1 mà vấn đề xét tuyển cũng được thí sinh đặt khá nhiều câu hỏi. Nhiều học sinh đã chọn được ngành nhưng lại băn khoăn về nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Lưu ý những điểm mới
PGS.TS Ngô Kim Khôi - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - cung cấp những thông tin mới về kỳ tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên ông Khôi cũng nhấn mạnh nhiều điểm mới chỉ là dự kiến, vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Những điểm mới thí sinh cần lưu ý là việc bổ sung khối A1. Tùy vào điều kiện của mình mà các trường ĐH-CĐ quyết định có bổ sung khối A1 hay không. Tuy nhiên ông Khôi nói thêm để đảm bảo ổn định và quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xem xét bổ sung khối A1 vào thi và xét tuyển chứ không thay đổi các khối thi truyền thống đã được tổ chức trong những năm trước đây. Một điểm mới đáng chú ý nữa là việc các trường tự chủ thời gian và số đợt xét tuyển của mình. Như vậy thí sinh sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để lựa chọn hơn. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật về việc xét tuyển sẽ được Bộ GD-ĐT cân nhắc quyết định và công bố rộng rãi trong thời gian tới.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - chia sẻ: những quy chế tuyển sinh mới phải đến cuối tháng 2-2012 mới được chính thức ban hành. Một trong những dự kiến thay đổi đã được đưa ra bàn trong hội nghị tuyển sinh ngày 14-2 là không quy định xét tuyển NV2, NV3 nữa mà các trường sẽ chủ động thông báo thông tin về xét tuyển. Cơ hội đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ nhiều hơn. Nếu không trúng tuyển NV1, trên cơ sở thông tin tuyển sinh của các trường được công bố, thí sinh cân nhắc để đăng ký các nguyện vọng tiếp theo. So với trước đây, thí sinh không chỉ có thêm hai cơ hội mà sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Ăn cơm nhà học ĐH Sáng 18-2, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Sở GD-ĐT Tiền Giang, Trường ĐH Tiền Giang tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Tiền Giang. Hơn 3.000 học sinh đến từ 30 trường THPT của Tiền Giang đã đến tham gia chương trình. Rất nhiều băn khoăn về việc chọn ngành, ngành nào nhiều cơ hội việc làm, học trường ĐH địa phương có dễ tìm việc hay không đã được học sinh đặt ra. TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - tư vấn cùng ngành có nhiều nơi đào tạo, mỗi nơi điểm chuẩn khác nhau. Thí sinh cần xem nơi nào có ngành mình thích, phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của mình để sau đó chọn thi là phù hợp nhất. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ nếu chúng ta không đủ sức vào trường có điểm cao thì nên chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn, các trường ĐH địa phương. Cơ hội việc làm không phải do sinh viên học từ trường nào mà do năng lực và kỹ năng của chính mình. Nếu chọn trường ĐH địa phương, cơ hội trúng tuyển của các em sẽ nhiều hơn, chi phí học tập, đi lại cũng ít hơn. “Ăn cơm nhà học ĐH” là tốt nhất. |
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT bổ sung khối A1, nhiều trường ĐH đã bổ sung khối này vào thi và xét tuyển. Tuy nhiên, điều thí sinh băn khoăn là liệu các trường có sự phân biệt nào khi xét tuyển, chương trình đào tạo đối với thí sinh khối A1 hay không. TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - chia sẻ: các trường sẽ cân nhắc điểm chuẩn của các khối dựa trên số lượng đăng ký thi của mỗi khối và kết quả làm bài của thí sinh. Tuy vậy, điểm chuẩn hai khối này có thể không chênh lệch nhiều. Dù trúng tuyển khối nào thì chương trình đào tạo cũng như nhau, hoàn toàn không có sự phân biệt.
Cân nhắc chọn ngành
Ngoài việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, định hướng nghề nghiệp, nhiều học sinh lo lắng liệu ngành học mình thích và chọn thi khi học ra trường có dễ xin việc hay không. Trước câu hỏi của một học sinh về trường hợp một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có nhiều bằng cấp nhưng vẫn thất nghiệp, TS Trần Thế Hoàng nhấn mạnh: nếu tốt nghiệp loại giỏi mà không xin được việc thì người này cần xem lại bản thân mình. Sinh viên tốt nghiệp làm được gì, làm tốt hay không tùy vào kiến thức và kỹ năng mà các bạn tích lũy được. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý kỹ năng là công cụ để phát huy kiến thức chứ không thể chỉ dựa vào kỹ năng mà không có kiến thức.
Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - khẳng định ngành nào cũng có sinh viên thất nghiệp, kể cả những ngành xã hội có nhu cầu nhân lực cao. Trong công việc, ngoài kiến thức còn đòi hỏi nhiều kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng điều hành, giao tiếp... Tuy bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng nếu không có kỹ năng thì nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao.
Một sinh viên năm nhất Trường ĐH Cần Thơ thắc mắc cảm thấy ngành học không phù hợp, giờ phải làm thế nào? Các thành viên ban tư vấn cho biết đây không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều sinh viên khi vào học rồi mới biết mình không phù hợp với ngành đó, từ đó chán nản. ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng có lẽ sinh viên đã không được tư vấn tốt nên khi trúng tuyển mới cảm thấy ngành nghề không phù hợp. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề, trường thi đối với học sinh THPT rất quan trọng. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ thêm: nếu mình thích và say mê ngành học, đó là động lực giúp ta học tốt hơn, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Không nên chọn ngành học theo xu thế đám đông, thấy nhiều bạn chọn, mình cũng chọn dù không thích.
Hôm nay ngày hội tiếp tục diễn ra từ 8g-11g30 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh và truyền hình Hậu Giang.
● Vượt hơn 200 cây số để nghe tư vấn. Có mặt ở sân Trường ĐH Cần Thơ từ rất sớm, hai bạn Danh Bé Năm và Thạch Phước Sơn đến từ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã bắt xe đò đi từ 5g sáng vượt hơn 200 cây số để kịp giờ đến tham gia ngày hội. Năm vừa rồi hai bạn không may mắn nên đã thi trượt đại học, năm nay sẽ thi lại vào ngành công nghệ thông tin. Hai bạn cho biết mình là người dân tộc Khmer, lại ở xa nên ít có dịp được tham gia ngày hội lớn như vậy. ● Mẹ cõng con đi nghe tư vấn. Bạn Lê Kim Tiền, học sinh lớp 12B1 Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), đến với buổi tư vấn tại Trường ĐH Tiền Giang trên lưng mẹ (ảnh), bà Nguyễn Thị Hoa Phượng. “Cháu bị liệt từ nhỏ. Năm nay cũng chưa biết thi vào ngành gì. Nghe nói có chương trình tư vấn nên tôi đưa con đến, nhờ thầy cô chỉ giúp ngành nào phù hợp với con” - bà Phượng tâm sự.
● Nắm bắt mọi cơ hội để thành công. Hơn 2.000 học sinh, sinh viên đã tham dự buổi giao lưu “Đường đến thành công” trong tối 18-2 tại Trường ĐH Cần Thơ. Đến với buổi giao lưu, PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, một trong 12 người được trao giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin Đông Nam Á tiêu biểu năm 2011 - chia sẻ: “Có thể nói một yếu tố chính để quyết định sự thành công là sự đam mê, ham thích. Khi biết gì phải biết tới nơi tới chốn. Thầy chỉ dạy cho chúng ta những điều cơ bản, còn lại phải tự học giỏi mới biết tới nơi tới chốn được”. Khá nhiều bạn trẻ vẫn còn băn khoăn trong việc định hướng tương lai. Với những trải nghiệm của chính mình, thầy Xê đã đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ xác định được mục tiêu, đam mê của mình và lựa chọn đúng đường đi trong tương lai. Ông Xê chia sẻ: “Mỗi người có một tính cách khác nhau, có thể những điều tôi nói có người không đồng tình. Thực tế tôi thấy tương lai ta không thể quyết định toàn bộ. Trên con đường đi nếu lạc đường thì cứ xem như chúng ta đi du lịch. Có thể có cơ hội tốt trên con đường bị lạc và đi đến thành công. Sự thành công đôi khi cũng đến từ sự ngẫu nhiên chứ không phải chỉ do yếu tố tài năng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận