Nhiều tuyến đường tại Đà Lạt bị ngập, nước tràn vào nhà dân. - Ảnh: M.Vinh |
Đó là một thành phố vườn trên cao nguyên tuyệt đẹp với cao độ 1.500m so với mực nước biển, địa hình chia ra hai dạng núi và bình nguyên trên núi. Núi bao quanh với cao trình 1.700m, chênh lệch 200m so với lòng chảo trung tâm hình bầu dục với chiều dài 18km, chiều rộng 12km.
Lòng chảo này được thoát nước bởi gần 20 dòng suối dẫn đến khoảng 16 hồ vừa thiên nhiên vừa nhân tạo lớn nhỏ và dẫn về sông Đồng Nai ở hạ nguồn. Với lợi thế địa hình núi chắn gió, suối hồ thoát, trữ nước mặt, rừng thông bao phủ trên cao hàng trăm năm tạo nên một thành phố độc đáo, an toàn và khí hậu tuyệt vời...
Nhưng thật ngạc nhiên khi nghe tin thành phố này vẫn phải hứng chịu ngập lụt, lũ quét chỉ bởi một cơn mưa đầu mùa, thiệt hại nặng nề. Những lý do được đưa ra vẫn là rừng đầu nguồn bị triệt hạ, rừng bao phủ giảm, đô thị hóa nhanh, người dân làm nông nghiệp trong nhà kính, che phủ đất thịt không ngấm nước mưa, bêtông hóa đường sá, sân bãi, ống nước quá nhỏ so với thiết kế, khảo sát không lường hết được lượng mưa, và nhất là đổ lỗi cho ông trời biến đổi khí hậu và người dân xả rác, lấp cống, ngăn dòng chảy...
Chỉ có điều nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là việc quản lý thành phố và quy hoạch thành phố hình như ít được đề cập. Bởi nếu nhìn lại các thành phố khác trên thế giới có những điều kiện địa hình phức tạp hơn, thấp hơn, họ vẫn không để những tai họa đó xảy ra, như thành phố Amsterdam của Hà Lan thấp hơn mực nước biển, hay thành phố Denver Colorado của Mỹ trên cao nguyên với hạ tầng được tính toán thoát nước mặt kỹ lưỡng cho dù thành phố vẫn phát triển, tăng dân số hàng trăm năm sau.
Thành phố Đà Lạt đã được quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhưng sự áp đặt quy hoạch dựa trên mong muốn của đồ án lại mâu thuẫn với đời sống hiện tại của cư dân thành phố. Người dân sinh sống bằng nông nghiệp không thể biến thành kinh doanh du lịch và ngược lại, người dân phát triển ngành chế biến lại mâu thuẫn với cảnh quan, môi trường.
Đà Lạt không thể an tâm khi đã có đồ án điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, mở rộng địa giới bằng các thành phố vệ tinh với nhiều chuyên đề khác nhau; trong khi bài toán hậu quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch còn bỏ ngỏ. Bởi cho dù quy hoạch tốt như thế nào vẫn cần những điều kiện sách (quy ước đô thị và chính sách thu hút đầu tư) để cả người dân, chính quyền và nhà đầu tư thực hiện.
Và bởi thế, thành phố Đà Lạt vẫn phải chấp nhận nhiều loại hình kinh doanh mâu thuẫn nhau dẫn đến phát triển lan tỏa, xây dựng dự án chắn ngang dòng chảy hay lấp hồ ao, phân lô phát triển, hay việc phát triển trồng rau sạch từ 80.000 tấn (năm 1996) đến nay đã tăng gần 300.000 tấn, hay sản xuất hoa từ mức 900 triệu cành (năm 2000) đã tăng lên 2 tỉ cành... Từ sản lượng đó có thể hình dung ra mức độ lan tỏa quanh thành phố Đà Lạt đi kèm là nhà kính, nhà lưới nhưng lại quên tính đến hệ thống thoát nước mặt khi mưa xuống.
Muốn di dời sản xuất đến các thành phố vệ tinh, di dời nhà máy chế biến tập trung đến các thành phố chuyên đề để tạo ra hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, Đà Lạt cần nhanh chóng có những bản điều kiện sách, những quy ước đô thị và những điều kiện thu hút người dân, những ưu đãi đối với nhà đầu tư và các chính sách đồng bộ dựa trên chính quyền đô thị đặc thù. Chỉ có như vậy, thành phố Đà Lạt mới giữ được hồn đô thị ban đầu của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận