18/03/2016 11:05 GMT+7

Giải bài toán 300 tuổi, đoạt “Nobel toán học”

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TT - Giải thưởng danh giá nhất trong giới toán học năm 2016 được trao cho một giáo sư Anh vì chứng minh được “Định lý cuối của Fermat”, một trong những định lý nổi tiếng trong lịch sử toán học.

Giáo sư Andrew Wiles tại một sự kiện 
ở Hong Kong - Ảnh: CUHK
Giáo sư Andrew Wiles tại một sự kiện ở Hong Kong - Ảnh: CUHK

Giáo sư Andrew Wiles, 62 tuổi, đã công bố lời giải cho bài toán hóc búa có từ hơn ba thế kỷ trước vào năm 1994 và 22 năm sau, những đóng góp của ông dành cho toán học được ghi nhận bằng giải thưởng Abel do Viện hàn lâm Khoa học Na Uy trao tặng.

Giải thưởng trị giá 6 triệu krone (700.000 USD) được công bố hôm 16-3. Thái tử Na Uy sẽ trao giải cho giáo sư Wiles trong buổi lễ tổ chức ở thủ đô Oslo ngày 24-5 tới.

Nhà toán học giảng dạy tại Đại học Oxford (Anh) được vinh danh vì “bài chứng minh đáng kinh ngạc” của ông với “Định lý cuối của Fermat”, vốn giúp mở ra “một thời kỳ mới cho ngành lý thuyết số”, theo thông cáo của Viện hàn lâm Khoa học Na Uy.

Định lý Fermat (Không tồn tại các nghiệm nguyên khác không x, y và z thỏa mãn xn + yn = zn trong đó n là một số nguyên lớn hơn 2) được nhà toán học Pháp Pierre de Fermat đặt ra vào năm 1637. Ông Fermat viết trên lề một quyển sách rằng ông đã có lời giải nhưng lề sách quá nhỏ để có thể trình bày chứng minh của mình.

Định lý này vì thế làm đau đầu vô số nhà toán học trên khắp thế giới hơn 300 năm sau đó, cho đến khi chứng minh của giáo sư Wiles được công nhận.

Giáo sư Wiles dành bảy năm nghiên cứu miệt mài tại Đại học Princeton (Mỹ) trước khi lần đầu công bố chứng minh của mình vào năm 1993. Tuy nhiên, một nhà toán học khác đã chỉ ra lỗi sai trong bài giải của Wiles, buộc ông phải dành thêm một năm nữa để chỉnh sửa và công bố lại vào năm 1994.

Giải thưởng Abel được Chính phủ Na Uy sáng lập năm 2001 nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của nhà toán học Na Uy Niels Henrik Abel (1802-1829).

Giải thưởng này được xem như giải Nobel của toán học và là giải thưởng danh giá nhất thế giới cho ngành khoa học này.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên