17/07/2024 13:23 GMT+7

Giấc ngủ kém ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ

Theo The New York Times, với người cao tuổi, ngủ quá ít khi về già có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nhưng nghịch lý thay, ngủ quá nhiều cũng có nguy cơ tương tự.

Giấc ngủ hoạt động như một dịp

Giấc ngủ hoạt động như một dịp "tắm táp" hằng đêm cho não, giúp rửa sạch các chất thải tế bào tích tụ trong ngày - Ảnh: Freepik

Mặc dù các nhà khoa học tin chắc rằng có mối liên hệ giữa giấc ngủ và chứng mất trí nhớ, nhưng bản chất của mối liên hệ đó rất phức tạp.

Có thể giấc ngủ kém gây ra những thay đổi trong não dẫn đến chứng mất trí nhớ. Hoặc giấc ngủ có thể bị gián đoạn do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác cũng ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ. Và những thay đổi trong thói quen ngủ có thể là dấu hiệu sớm của chứng mất trí nhớ.

Ngủ quá ít làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ

Giấc ngủ hoạt động như một dịp "tắm táp" hằng đêm cho não, giúp rửa sạch các chất thải tế bào tích tụ trong ngày. Trong quá trình này, chất lỏng xung quanh các tế bào não sẽ rửa sạch các rác thải phân tử và chuyển chúng vào máu, sau đó được gan và thận lọc rồi đào thải ra khỏi cơ thể.

Rác thải đó bao gồm protein amyloid, được cho là đóng vai trò quan trọng trong bệnh Alzheimer. Não của mọi người đều sản xuất amyloid trong ngày, nhưng các vấn đề có thể nảy sinh khi protein tích tụ thành các cục dính, gọi là mảng bám. Càng thức lâu, càng nhiều amyloid tích tụ và não càng có ít thời gian để loại bỏ.

Các nhà khoa học không biết liệu thường xuyên ngủ quá ít - thường được coi là sáu giờ hoặc ít hơn mỗi đêm - có đủ để gây ra sự tích tụ amyloid hay không.

Nhưng nghiên cứu đã phát hiện ở những người từ 65 đến 85 tuổi đã có mảng bám trong não, càng ngủ ít thì amyloid càng nhiều và nhận thức của họ càng kém.

"Thiếu ngủ có đủ để gây ra chứng mất trí nhớ không?", tiến sĩ Sudha Seshadri, giám đốc sáng lập Viện Glenn Biggs về bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh tại Trung tâm Khoa học sức khỏe Đại học Texas ở San Antonio, cho biết. "Thiếu ngủ dường như là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, và có thể cũng làm tăng tốc độ suy giảm".

Người mắc bệnh Alzheimer có thể bắt đầu phát triển các triệu chứng ở tuổi 60 hoặc 70, nhưng amyloid có thể bắt đầu tích tụ từ tận hai thập kỷ trước đó. Đó là lý do tại sao việc ưu tiên giấc ngủ rất quan trọng, đặt mục tiêu ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm, bắt đầu từ tuổi 40 hoặc 50, nếu không phải là sớm hơn, Joe Winer, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về thần kinh và khoa học thần kinh tại Trung tâm Khoa học giấc ngủ và nhịp sinh học tại Đại học Stanford, cho biết.

"Chúng tôi không có câu trả lời tường tận cho câu hỏi, liệu giấc ngủ của bạn ở độ tuổi 20 có ảnh hưởng đến những nguy cơ trong phần sau của cuộc đời hay không", tiến sĩ Winer nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng các dấu hiệu chỉ ra rằng có lẽ ở tuổi trung niên, khi bạn tiến về độ tuổi 60 và 70, giấc ngủ của bạn sẽ rất quan trọng".

Ngủ quá nhiều là dấu hiệu của vấn đề tiềm ẩn

Ở chiều ngược lại, ngủ quá nhiều dường như cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, mặc dù có lẽ gián tiếp hơn.

Nếu một người thường xuyên nằm trên giường hơn 9 tiếng mỗi đêm, hoặc ngủ trưa nhiều lần trong ngày, có thể đó là dấu hiệu cho thấy họ ngủ rất kém. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer vì những lý do đã nêu.

Ngoài ra, việc cần ngủ quá nhiều có thể liên quan đến tình trạng khuyết tật tinh thần hoặc thể chất. Các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, và các tình trạng sức khỏe thể chất, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch, có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn, cũng như không hoạt động thể chất, cô đơn và cô lập.

"Tại thời điểm này, chưa có vai trò nguyên nhân rõ ràng nào của giấc ngủ dài liên quan đến chứng mất trí nhớ", tiến sĩ Carvalho nói. "Nó có thể giống như triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn hơn là nguyên nhân của vấn đề".

Phân biệt giữa giấc ngủ bình thường và bất thường

Một số khu vực đầu tiên trong não bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer là những khu vực giúp điều chỉnh giấc ngủ và nhịp sinh học. Do đó, những người phát triển tình trạng này có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ ngay cả trước khi họ có dấu hiệu mất trí nhớ hoặc các triệu chứng khác.

Cùng với amyloid, protein chính khác được cho là gây ra bệnh Alzheimer được gọi là tau. Giống như amyloid, tau cũng tích tụ trong não, cuối cùng làm tổn thương tế bào não.

Tiến sĩ Winer cho biết một trong những nơi đầu tiên mà sự tích tụ tau xuất hiện "là những vùng thân não quan trọng để điều chỉnh giấc ngủ và thức dậy". "Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng tau xuất hiện ở những khu vực này từ rất sớm sẽ làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức của mọi người".

Các chuyên gia cho biết người cao tuổi ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn một chút sau khi nghỉ hưu là điều bình thường, hoặc thức dậy và đi ngủ sớm hoặc muộn hơn một chút so với trước đây. Nhưng nếu có sự thay đổi đáng kể, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ.

"Nếu ai đó thức dậy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, hoặc ngủ ba giờ trong ngày, đó là nguyên nhân gây lo ngại", tiến sĩ Seshadri nói. "Nếu ai đó thức dậy sớm hơn một giờ so với trước đây và ngủ trưa từ 30 đến 60 phút trong ngày, nhiều khả năng đó chỉ là lão hóa bình thường".

Người trẻ thiếu ngủ, dễ mắc bệnh tim mạchNgười trẻ thiếu ngủ, dễ mắc bệnh tim mạch

Thường xuyên thức khuya, không quan tâm đến chất lượng giấc ngủ có thể gây ảnh hưởng đến hàng loạt chức năng của cơ thể, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tim mạch bởi thiếu ngủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên