Việc đi lại của Bạch Văn Nhật Cường (trái) và Bạch Văn Nhật Tân (phải) rất khó khăn, phải cần tới công cụ hỗ trợ - Ảnh: NHẬT LINH |
Đó là lời giới thiệu của người dân thôn Phước Linh (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về gia đình Bạch Văn Nhật Cường, sinh năm 1994, tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học - Đại học Huế.
Dù bị bại liệt từ nhỏ, nhà lại nghèo nhưng Cường đã vượt qua để theo đuổi học hành đến ngày hôm nay.
Cảm hứng từ tấm gương Nguyễn Chung Tú
Cường đậu đại học mà cả thôn Phước Linh cảm thấy vui mừng. Mấy ngày nay, ngồi nhà nhỏ của ông Bạch Văn Lành bỗng rộn ràng hẳn lên bởi tiếng chúc mừng của hàng xóm.
Em quyết không đầu hàng số phận. Em tin mình sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai không xa” |
Bạch Văn Nhật Cường |
“Ông Lành có ba đứa con trai đều bị bại liệt từ nhỏ, chân cứ co quắp lại rồi teo dần, không đi đứng như bình thường được. Thằng Cường là đứa thứ hai, hiền lành lại sửa máy tính rất giỏi. Trong xóm nhà nào có máy vi tính bị hư hỏng là lại đem đến nhờ nó sửa giùm” - bà Trần Thị Mai, người thôn Phước Linh, nói.
Trò chuyện với chúng tôi, Nhật Cường kể rằng khi sinh ra cũng là một người bình thường như bao người khác. Nhưng đến năm học lớp 5, sau một buổi chiều tan học về thì đôi chân của Cường bỗng dưng trở đau dữ dội, không rõ nguyên nhân.
Kể từ đó, đôi bàn chân cậu học trò nghèo cứ dần quắp lại, bắp chân teo nhỏ, phải lết đi chứ không đứng được. Chứng bệnh teo chân không chỉ đến với một mình Cường, người anh trai là Bạch Văn Nhật Tân (sinh năm 1992) và em trai là Bạch Văn Nhật Sơn (sinh năm 1998) cũng mắc phải tương tự.
“Em đã từng rất tuyệt vọng vì đôi chân không thể tự bước theo ý mình. Thế nhưng suy nghĩ đó đã thay đổi sau khi em xem một chương trình tivi nói về anh Nguyễn Chung Tú” - Cường kể.
Nguyễn Chung Tú là một chàng trai bị khuyết tật chân từ nhỏ, không thể đi lại được. Nhờ có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ cùng với nghị lực vượt khó, Chung Tú đã theo học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Hiện Tú đang là nhân viên thiết kế website cho một công ty tin học ở TP.HCM.
“Anh Tú là tấm gương để em tự soi vào bản thân mỗi ngày. Chính anh ấy đã truyền ngọn lửa đam mê ngành tin học cho em. Công việc này rất hợp với những người bị khuyết tật ở chân như em, vì có thể ngồi một chỗ những vẫn lao động kiếm sống được” - Nhật Cường chia sẻ.
Thế là sau kỳ thi đại học đầu tiên với kết quả không được như ý, Nhật Cường quyết tâm dành một năm ở nhà tự ôn luyện ba môn học toán, lý, hóa. Nỗ lực của chàng trai khuyết tật đã được đền đáp với kết quả trúng tuyển ngành công nghệ thông tin được Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế.
Khó mấy cũng phải cho con học
Biết tin con trai đậu đại học, nhiều đêm ông Bạch Văn Lành mất ngủ vì vừa mừng vừa lo. Mừng vì đứa con trai khuyết tật đã đậu đúng ngành mong ước. Nhưng lo không biết lấy tiền đâu cho Cường nhập học đây. Thu nhập của cả gia đình ông Lành chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng.
Dù hai vợ chồng đã làm thêm đủ nghề như bán gạo dạo, thợ hồ… nhưng cũng chỉ đủ tiền thuốc hằng tháng cho ba đứa con bệnh tật. “Nhưng mà có khó mấy cũng phải lo cho thằng Cường đi học đại học. Khổ cực lại bệnh tật thì chỉ có học mới thoát kiếp nghèo thôi” - ông Lành nói.
Ông Trần Duy Bổn, trưởng thôn Phước Linh, cho biết hoàn cảnh gia đình ông Lành đặc biệt khó khăn của cả thôn. “Chúng tôi cũng muốn giúp cháu Cường lắm nhưng vì trong thôn ai cũng nghèo. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên để có nguồn hỗ trợ cho cháu Cường đi học” - ông Bổn nói.
Ở kỳ thi vừa qua, Nhật Cường cùng với em trai mình là Bạch Văn Nhật Sơn đều đăng ký tham gia dự thi. Cường đậu đại học và Sơn đậu ngành địa lý hệ cao đẳng của Trường đại học Sư phạm - ĐH Huế.
Thế nhưng vì sức khỏe của Sơn quá yếu nên em đành phải gác ước mơ đứng trên bục giảng. Anh trai của Cường và Sơn là Bạch Văn Nhật Tân cũng vì sức khỏe yếu nên buộc phải nghỉ học giữa chừng dù niềm đam mê con chữ trong chàng trai này chưa bao giờ tắt. “Trong ba anh em thì Cường là người có sức khỏe tốt hơn. Nên Cường sẽ thực hiện ước mơ đại học cho ba anh em” - Nhật Tân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận