“Giấc mơ Mỹ” tan vỡDân chủ phương Tây bị thách thứcMỹ “dọn dẹp” những người “Chiếm lấy Phố Wall”
Phóng to |
Tại một hội chợ việc làm ở Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện là 8% - Ảnh: Getty Images |
“Giấc mơ Mỹ” đã hết thời? Niềm tin rằng một kẻ khố rách áo ôm ở Mỹ, mà chỉ ở Mỹ chứ không phải ở bất kỳ nơi khác, có thể nuôi ước mơ trở nên giàu có nhất, giờ đã là một ảo vọng? Sự thật nhức nhối này, thậm chí là một điều sỉ nhục đối với nền kinh tế số 1 thế giới, lại được chính êkip chuyên gia của Tổng thống Barack Obama nêu lên trong một báo cáo do tổng thống gửi quốc hội vào giữa tháng 2 vừa qua.
“Giấc mơ Obama”
“Giấc mơ Mỹ” truyền thống là: cuộc sống sẽ tốt đẹp, đầy đủ và giàu có hơn cho tất cả mọi người, tùy vào khả năng và sự nỗ lực của ta, dù ta thuộc giai tầng nào trong xã hội, hay xuất thân từ đâu. “Giấc mơ Mỹ” mà nay ông Obama mô tả đã “xuống giá”. AP cho biết theo ông Obama, “giấc mơ Mỹ” hiện tại là: “Nếu các bạn nỗ lực làm việc, bạn sẽ đủ khả năng tạo lập gia đình, sở hữu một ngôi nhà. Bạn sẽ không phá sản khi bị bệnh vì đã có bảo hiểm y tế. Bạn có thể cho con học đại học và dành dụm được ít tiền khi về hưu”.
“Đó là những gì nhiều người mong muốn - ông Obama nói - Người dân không có những tham vọng xa vời, phi thực tế. Họ thật sự tin rằng nếu làm việc chăm chỉ thì sẽ phần nào chạm vào giấc mơ Mỹ”.
Mô tả này phản ánh đúng thực trạng của nước Mỹ: nền kinh tế vừa thoát khỏi cơn suy thoái nhưng tăng trưởng vẫn yếu ớt, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao trên 8%, khoảng cách giàu nghèo gia tăng...
Ông Obama khẳng định nhiệm vụ của chính phủ là “xây dựng một nền kinh tế mà mọi người Mỹ đều có cơ hội tìm được việc làm tốt, được trả lương cao và hỗ trợ gia đình”.
Giáo sư khoa chính trị học John Geer thuộc Đại học Vanderbilt nhận định giờ ông Obama không thể vẽ ra bức tranh màu hồng, vì đời thực không phải là màu hồng. “Ông ấy muốn tìm cách giảm bớt nỗi lo lắng của người dân và cho họ lý do tin vào tương lai sáng sủa hơn”.
Chuyên gia Michael Ford, giám đốc Trung tâm nghiên cứu “Giấc mơ Mỹ” ở Đại học Xavier, cho rằng ông Obama nhắc tới những thứ tương đối cơ bản, và đó cũng là giấc mơ của người Mỹ hiện tại. “Chúng ta có thể nói giấc mơ đó có vẻ như không thật sự gây cảm hứng” - chuyên gia Ford nói.
Giới quan sát nhận định qua thông điệp “giấc mơ Mỹ” mới, ông Obama muốn nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến tầng lớp trung lưu, người lao động bình thường, người nghèo, đối lập với Đảng Cộng hòa bảo vệ nhà giàu.
24% và 2,4%
Theo AFP, Viện nghiên cứu Brookings vừa đưa ra báo cáo “Sự dịch chuyển của nền kinh tế: liệu giấc mơ Mỹ còn sống và khỏe không?” cho thấy từ năm 1979-2004, thu nhập thực tế sau thuế của 1/5 người nghèo nhất nước Mỹ tăng 9%. Nhưng cùng thời gian đó, 1/5 người giàu nhất nước Mỹ có thu nhập sau thuế tăng 69%; trong đó 1% giàu nhất tăng những 176%. Từ năm 1978-2005, lương của giám đốc điều hành tăng từ mức cao gấp 35 lần lương công nhân, lên gần 262 lần.
Khi được hỏi liệu “giấc mơ Mỹ” có còn sống và khỏe mạnh không, giám đốc dự án nghiên cứu Erin Currier nhận định: “Vừa có, vừa không”. Thu nhập của 1/5 trong số nhóm thu nhập thấp nhất nước Mỹ đã tăng hơn hẳn so với thế hệ cha mẹ mình, nhưng nhóm này vẫn tiếp tục nằm trong nhóm 20% thu nhập thấp nhất. Điều này đi ngược lại ý tưởng cơ bản của người Mỹ về sự công bằng và bình đẳng cơ hội.
Luận điểm phù hợp nhất của ông Obama có lẽ là từ chính ứng cử viên đối thủ của mình. Ứng cử viên Mitt Romney tiết lộ năm 2010, ông chỉ trả thuế 13,9%, thấp hơn nhiều so với hầu hết người Mỹ (30%). Theo chuyên gia thuế David Cay Johnston, năm 1961, 390 người Mỹ giàu nhất phải trả thuế trung bình 42%. Năm 2008, thuế đánh vào người giàu nhất giảm còn 18%, trong khi mức thuế trung bình với người Mỹ bình thường chỉ giảm từ 9,6% xuống còn 7,2%. Một nhóm giảm 24% và nhóm kia giảm 2,4%.
Ông Obama muốn thay đổi để tạo ra sự công bằng hơn trong xã hội bằng cách tăng thuế đánh vào người giàu lên 30%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận