18/02/2025 08:46 GMT+7

Giấc mơ khởi nghiệp xanh của cô gái Nùng

Bã cà phê, bã mía, các loại phế phẩm nông nghiệp chỉ để vứt đi! Không hề, Phạm Thị Ngọc Diễm - cô gái dân tộc Nùng 22 tuổi tại thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) - đã tận dụng chúng để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Giấc mơ khởi nghiệp xanh của cô gái Nùng - Ảnh 1.

Phạm Thị Ngọc Diễm cùng một số sản phẩm tái chế từ nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp dự triển lãm - Ảnh: M.V.TĂNG

Tấm lót ly, cả chiếc bàn, ghế ra đời từ những thứ tưởng như chỉ bỏ đi ấy qua sự mày mò sáng tạo, tìm tòi của cô gái khởi nghiệp xanh đang bắt đầu có mặt trên thị trường, nhận được những đơn đặt hàng với số lượng tăng lên mỗi ngày.

Tôi mong được hỗ trợ vốn để có thể mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn, giúp sản phẩm được nhiều người biết đến, cũng là mang theo cơ hội việc làm cho người lao động tại quê mình.
PHẠM THỊ NGỌC DIỄM

Cô gái nỗ lực vượt khó

Nhà Diễm làm nông và nghèo lắm. Cha mẹ phải dựng nhà ngay tại nương rẫy xa khu dân cư để tiện sinh hoạt và canh tác. Từ bé, mỗi ngày bé Diễm đều cuốc bộ hơn ba cây số đến trường. Thấy cháu gái đi tìm con chữ gian nan quá, người dì ruột đã nhận đưa Diễm ra thị trấn sau khi hết lớp 2 để việc học thuận lợi hơn.

Hồi lớp 12, Diễm được chọn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức. Năm đó, đề tài "Ứng dụng sợi nhựa phế thải vào bê tông khí" của bạn đã giành được giải nhất cuộc thi cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia.

Đây cũng là tiền đề tốt giúp cô gái người Nùng ấy tự tin đăng ký và trúng tuyển Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Lúc này, anh trai Diễm đang học năm thứ 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Gánh nặng học phí của hai anh em càng đè oằn vai cha mẹ nông dân ở quê vốn chỉ trông chờ các mùa vụ không phải lúc nào cũng sản xuất thuận lợi.

Nguy cơ dở dang đường học khá rõ nên ngoài giờ lên giảng đường, cô phải tranh thủ buổi tối làm bưng bê, chạy bàn cho quán cà phê để có thể tự trang trải phần nào. Nhưng chưa bao lâu lại đụng ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nên cũng chẳng làm được nữa, mọi chi phí chỉ dựa vào khoản tiền ít ỏi cha mẹ gửi mỗi tháng.

Khó khăn nhất khi mẹ và bà nội Diễm lại hay đau ốm, khoản nợ ngân hàng đến kỳ phải trả. Cha mẹ buộc phải bán toàn bộ nương rẫy, cả nhà về nương náu tại khu đất của gia đình bà ngoại. Cha Diễm xoay xở bằng việc thu mua củi về đốt than, còn mẹ ép nước mía giao tận nhà cho khách.

Nhưng cha mẹ không thể gồng được nữa, Diễm đành xin nhà trường bảo lưu kết quả tạm về nhà tìm cách phụ giúp gia đình.

Và tìm thấy lối đi với khởi nghiệp xanh

Làm gì để có thể kiếm tiền giúp cha mẹ và theo đuổi tiếp việc học là câu hỏi luôn túc trực. May mắn là Diễm được anh trai cùng PGS.TS Lê Anh Thắng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) gợi ý tham gia dự án tận dụng phế phẩm cà phê tạo ra sản phẩm nội thất của Công ty Pando. Tia hy vọng lóe lên, lại đúng với đam mê sáng tạo sẵn có, Diễm quyết định thử sức.

Được công ty cố vấn và hỗ trợ tài chính, cô gái bắt tay thử nghiệm tái chế bã cà phê. Hằng ngày, Diễm cùng người thân lần tìm đến các quán xin bã cà phê họ thải ra. Không máy móc thiết bị, mọi thứ đều được làm thủ công, Diễm dùng silicon làm khuôn rồi sử dụng bột củ quả pha trộn với phụ gia tạo chất kết dính.

Sản phẩm hoàn thành được phơi khô dưới nắng, làm bóng và thêm chất phụ gia chống thấm. Những tấm lót ly đầu tiên từ nguyên liệu bã cà phê ra đời với cả háo hức và hồi hộp. Tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Diễm còn thu gom bã mía sau khi mẹ ép nước bán mỗi ngày rồi ra đồng cắt rơm khô, xin cả bã trà về làm nguyên liệu, cho ra đời những sản phẩm tương tự.

Trong một lần anh trai Phạm Mạnh Đình tham dự chương trình tại Hà Nội, anh đã mang theo sản phẩm tấm lót ly bằng bã cà phê, bã mía và phế phẩm nông nghiệp của cô em gái giới thiệu và được mọi người đánh giá cao. Sau sự kiện ấy, Ngọc Diễm nhận được lời mời đem sản phẩm dự Triển lãm quốc tế trà, cà phê, bánh ngọt (Expo Coffee Việt Nam 2024) được tổ chức tại quận 7 (TP.HCM).

Cơ hội mỉm cười khi khách đến tham quan ưa thích các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường của cô gái nên bắt đầu đặt hàng với số lượng lớn. "Mừng lắm chứ, khi bao nỗ lực như được đền đáp. Nhưng tôi cũng lo vì đơn hàng nhiều mà nếu chỉ làm thủ công sẽ khó kịp tiến độ", Diễm kể.

Ông Phạm Mạnh Hùng (cha Diễm) cho biết gia đình vui lắm khi sản phẩm của con dự triển lãm nhận được nhiều quan tâm và lại có nhiều đơn đặt hàng. Hiểu lo lắng của con gái, ông dùng khoản tiền có được mua lại chiếc máy giặt cũ hỏng rồi mày mò tái chế thành máy nghiền nguyên liệu. Đồng thời, người cha cũng tận dụng nhiệt lò than tạo thành một lò sấy nhỏ cho con gái. Vậy là phần nào giải được bài toán thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm số lượng lớn hơn.

Tự tin với đam mê công nghệ xanh

Chỉ với những thiết bị khá thô sơ, một dây chuyền sản xuất nhỏ hình thành. Trung bình mỗi ngày Diễm có thể làm ra khoảng 300 tấm lót ly, tùy kiểu dáng, kích cỡ mà giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/tấm.

Thừa thắng xông lên, khi nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, Diễm đã tái chế thành công và làm ra những bộ bàn ghế từ vật liệu tái chế có mẫu mã bắt mắt. Giá bán mỗi bộ một bàn và hai ghế tùy kích thước dao động từ 1 - 2 triệu đồng.

"Tận đáy lòng, tôi biết ơn các thầy cô, công ty cũng như sự hỗ trợ hết lòng của cha, anh trai và nhiều người khác nữa để có thành công bước đầu này. Tôi thấy tự tin hơn với niềm đam mê công nghệ xanh của mình", Diễm tâm sự.

Giấc mơ khởi nghiệp xanh của cô gái Nùng - Ảnh 2.Ấn tượng cùng hành trình truyền cảm hứng khởi nghiệp xanh

Sau gần 2 tháng phát động, có hơn 200 dự án start-up với các ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp thân thiện với môi trường gửi về Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 với chủ đề 'Cảm hứng khởi nghiệp xanh’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên