Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường

Với nhiều sinh viên quốc tế, quyết định theo học hay tốt nghiệp tại Harvard đang trở thành một giấc mơ chông chênh hơn bao giờ hết.

Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường - Ảnh 1.

Shreya Mishra Reddy chỉ còn một học phần nữa là hoàn thành chương trình tại Harvard - Ảnh: Shreya Mishra Reddy

Ngày 23-5, chính quyền Tổng thống Trump ra quyết định thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, buộc hàng ngàn sinh viên nước ngoài phải chuyển trường hoặc đối mặt nguy cơ mất tình trạng pháp lý tại Mỹ.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng An ninh nội địa Kristi Noem cáo buộc Harvard đã "kích động bạo lực, bài Do Thái và hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc", đồng thời cảnh báo sẽ mở rộng biện pháp này sang các trường khác.

Cuộc đối đầu tưởng như chỉ là xung đột giữa chính quyền và học thuật, nhưng có lẽ người chịu tổn thương sâu sắc nhất lại là các sinh viên quốc tế - những người bị kẹt giữa chính trị và giấc mơ chưa kịp chạm tới.

Đòn tấn công dữ dội

Động thái từ chính quyền đã vấp phải phản ứng dữ dội tại Mỹ vì hành động bị cho là "trả đũa bất hợp pháp", đe dọa nghiêm trọng sứ mệnh học thuật cũng như cộng đồng sinh viên quốc tế.

Trước đó, chính quyền ông Trump đã đóng băng 3 tỉ USD viện trợ và cắt khoản tài trợ 60 triệu USD cho Harvard vì cáo buộc không xử lý nạn bài Do Thái trong trường học. Không những vậy, Tổng thống Trump cho biết ông còn có kế hoạch tước quyền miễn thuế của Harvard.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng hủy một gói tài trợ 2,7 triệu USD cho trường. Phía Bộ Giáo dục Mỹ cũng cho biết Harvard không đủ điều kiện nhận thêm tài trợ liên bang mới "nếu không chứng minh được khả năng quản lý trách nhiệm".

Giấc mơ dang dở

Ngày 23-5, trang Business Insider chia sẻ câu chuyện của Shreya Mishra Reddy. Shreya là một sinh viên quốc tế của Chương trình phát triển lãnh đạo (Program for Leadership Development - PLD) tại Trường Kinh doanh Harvard.

Được biết, thị thực của Shreya sẽ hết hạn vào tháng 1 và cô chỉ còn một học phần cuối cùng để hoàn tất chương trình PLD trị giá 50.000 USD tại Harvard. Nhưng giấc mơ bỗng chao đảo khi cô hay tin chính quyền Trump ra lệnh cấm với các sinh viên quốc tế.

Hoang mang và cô đơn, Shreya lập tức nhắn tin cho cha ở Ấn Độ: “Con không biết liệu mình có thể tốt nghiệp Harvard hay không”.

Với Shreya, Harvard không chỉ là một trường học, mà là đỉnh cao của hành trình tri thức. Giờ đây, hành trình của cô có nguy cơ dừng lại, vì một quyết định chính trị lạnh lùng.

Du học sinh Trung Quốc - những "người tị nạn học thuật"

Theo tờ Hindustan Times, hiện hàng loạt sinh viên Trung Quốc tại Harvard cũng rơi vào trạng thái hoang mang cực độ sau khi chính quyền Trump ban hành lệnh cấm. Một số người hủy chuyến bay về nước vào phút chót, số khác tìm đến luật sư vì lo sợ bị trục xuất.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, một học viên sau đại học tại Trường Harvard Kennedy viết: "Chúng tôi như những người tị nạn học thuật với tương lai vô định".

Nhiều nhóm WhatsApp khẩn cấp của các sinh viên Trung Quốc cũng đã được lập ra để chia sẻ tư vấn về pháp lý.

Ngay trong ngày 23-5, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) đã nhanh chóng đưa ra thông báo mở rộng tiếp nhận sinh viên bị ảnh hưởng từ Harvard, kèm theo cam kết hỗ trợ nhập học và học bổng.

Chuyên gia tư vấn giáo dục tại Quảng Châu Pippa Ebel nhận định: "Lệnh cấm lần này không đóng sập cánh cửa, nhưng là cú đẩy cuối cùng buộc nhiều người phải nhìn sang hướng khác".

Giấc mơ Harvard: Khi tri thức dần 'gục ngã' trước chính trị - Ảnh 3.

Nhiều cuộc biểu tình diễn ra kêu gọi ban lãnh đạo Harvard phản đối sự can thiệp của chính phủ vào trường đại học vào tháng 4 - Ảnh: REUTERS

Người tổn thương vẫn là sinh viên

Đài CBS News ngày 22-5 phỏng vấn Leo Gerden - sinh viên năm cuối đến từ Thụy Điển. Leo chia sẻ: "Hãy tưởng tượng bạn là một tân sinh viên vừa nhận thư báo nhập học từ Harvard, và giờ bạn nhận ra mình có thể không bao giờ được đặt chân đến đây".

Trong khi đó, đối với Zilin Ma, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc, người đã dành cả thập kỷ học tập tại Mỹ, quyết định này không khác gì một sự phủ nhận: "Tôi thấy mình bị xem như vô giá trị".

Gọi động thái mới nhất từ Nhà Trắng là "một cuộc tấn công vô căn cứ mang màu sắc bài ngoại", giáo sư Cornell William Brooks của Trường Harvard Kennedy nói: "Chúng ta đang biến sinh viên quốc tế - những bộ óc tinh hoa - thành những kẻ bị ruồng bỏ trí tuệ".

Giáo sư kinh tế Jason Furman thì gọi quyết định của chính quyền Mỹ là "kinh khủng trên mọi phương diện": "Không thể hình dung Harvard mà không có những sinh viên quốc tế tuyệt vời. Họ là nguồn lực to lớn cho đổi mới, cho cộng đồng học thuật và cho sức mạnh mềm của nước Mỹ".

Chỉ trích gay gắt quyết định này, gọi đây là một hành động "phi Mỹ" và vi phạm cả Tu chính án thứ nhất, Tram Nguyen, một cựu sinh viên Harvard Kennedy School, nói: "Nó đã gửi đi một thông điệp rằng tài năng từ nước ngoài không được chào đón ở Mỹ".

Dù Nhà Trắng tiếp tục bảo vệ quyết định của mình, cho rằng "tuyển sinh sinh viên quốc tế là một đặc ân, không phải là quyền lợi", nhưng với các sinh viên, câu trả lời đã quá rõ ràng: "Chúng tôi đến đây vì tự do, vì nền dân chủ. Nếu điều đó bị tước bỏ, thì Harvard không còn là Harvard nữa".

Giấc mơ Harvard: Khi tri thức dần 'gục ngã' trước chính trị - Ảnh 2.Ông Trump 'đại chiến' Harvard

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tước quyền miễn thuế của Đại học Harvard, đồng thời đóng băng 2,3 tỉ USD tài trợ liên bang, làm leo thang căng thẳng giữa chính quyền và học giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên