20/12/2013 07:24 GMT+7

Giá xăng dầu, gas "đè" doanh nghiệp

LÊ SƠN - TRẦN VŨ NGHI- ĐÌNH DÂN
LÊ SƠN - TRẦN VŨ NGHI- ĐÌNH DÂN

TT - Trong khi các doanh nghiệp đang chật vật tìm cách tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh sức mua còn quá thấp thì việc giá gas, xăng và dầu đồng loạt tăng vừa qua như “đòn trí mạng” giáng thẳng xuống doanh nghiệp, người dân...

orCVLiC0.jpgPhóng to
Xăng tăng giá kéo theo việc hàng hóa cũng sẽ tăng giá khi việc chuyên chở thêm chi phí. Trong ảnh: xếp dỡ các kệ rau chuyển đến siêu thị tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Phước An, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Một số doanh nghiệp cho biết giá xăng dầu tăng đã khiến chi phí đầu vào đội lên 300-400 triệu đồng/tháng.

Choáng váng

Dù giá xăng và dầu DO đã được áp dụng từ chiều 18-12, nhưng đến ngày 19-12, ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn (TP.HCM), vẫn chưa hết bức xúc về quyết định mà ông Bảy cho rằng “nếu giá xăng tăng kiểu này thì doanh nghiệp khỏi ăn tết luôn”. Có đội xe với hơn 20 chiếc chuyên chở hàng hóa đến tận nơi bán hàng trên khắp cả nước, ông Bảy cho biết chỉ tính riêng chi phí xăng dầu cho đội xe công ty phải mất khoảng 300-400 triệu đồng/tháng “vì doanh nghiệp nhận bao chi phí vận chuyển cho các đại lý, người mua hàng hòng mở rộng hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng”.

Với giá xăng tăng 584 đồng/lít và tăng 653 đồng/lít với dầu DO, ông Bảy nhẩm tính cả hai loại nhiên liệu trên đều tăng tổng cộng gần 1.250 đồng và đội xe của ông đều “dính chấu” đủ cả hai. “Chúng tôi đang tích cực khuyến mãi để hệ thống đại lý lấy nhiều hàng bán tết, lại không dám tăng giá để giữ chân khách hàng. Giá nhiên liệu tăng như vậy đâu còn lời, lấy đâu tiền chi trả lương thưởng tốt cho người lao động” - ông Bảy thở dài.

Theo ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa - giám đốc sản xuất Công ty CP Sáng Tạo Công Nghiệp (Q.12), sau khi giá xăng công bố tăng, công ty ông lập tức họp đánh giá tình hình để tìm giải pháp tháo gỡ vì chi phí vận chuyển của công ty rất lớn. Đặc biệt thời điểm cuối năm rất nhạy cảm, chỉ cần nhúc nhích giá là đã ảnh hưởng lớn. Hiện một số nhà cung cấp đã bắt đầu gọi điện đề nghị công ty của ông điều chỉnh giá tăng với lý do xăng dầu tăng, trong đó chi phí vận chuyển đến khách hàng tăng 8%, còn chi phí đối với công ty vận chuyển nguyên liệu thì giá đội lên 30%.

Ông Bùi Văn Liễu, giám đốc Công ty thép Hào Hiệp, cho biết việc giá xăng dầu tăng đang khiến giá thành bị đội lên, trong khi đó thị trường vật liệu xây dựng đầu ra vẫn ảm đạm. “Công ty chúng tôi gồm một nhà máy thép và nhà máy sản xuất gạch, trước đó do tình hình sản xuất khó khăn đã phải điều chỉnh giảm sản xuất. Nay giá xăng dầu và trước đó 20 ngày là giá gas tăng khiến giá vận chuyển và chi phí sản xuất tăng lên” - ông Liễu than.

Không tăng giá không được

Trước đó từ đầu tháng 12, giá gas tăng vọt 80.000 đồng/bình cũng đẩy giá nhiều mặt hàng ăn uống tăng cao. Ông Khoa, chủ một quán ăn trên đường Bình Giã (Q.Tân Bình), cho biết gần một tuần sau khi giá gas tăng sốc, quán của ông buộc phải thay đổi menu giá mới. Bởi theo tính toán, với sức tiêu thụ khoảng 30 bình gas loại 12kg/tháng, quán phải bù thêm chi phí 2,4 triệu đồng. Tuy nhiên giá gas cùng với xăng tăng, hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng thêm. “Mình kinh doanh nhỏ, tăng thêm mỗi món vài ngàn đồng là khách so sánh liền. Nhưng cố gồng cũng không được nữa. Khách thắc mắc về giá là tôi đến trực tiếp từng bàn nói họ thông cảm và cam kết giữ chất lượng món ăn!” - ông Khoa ngán ngẩm cho hay.

Theo khảo sát, các cửa hàng ăn uống, cơm bình dân tại Q.Tân Bình, Q.Tân Phú... đều tăng giá với mức 3.000-5.000 đồng/món. Ông Sang - chủ sạp bày bán nón thời trang, túi xách tại chợ Tân Bình - không khỏi ngỡ ngàng khi người giao cơm thu tiền thông báo đĩa cơm tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng. “Tôi gọi cho mối khác chỉ tăng 3.000 đồng/đĩa nhưng đĩa cơm chỉ còn ba con tôm thay vì năm con tôm trước đó! Giá tăng vậy chỉ tiền cơm mỗi tháng chúng tôi mất thêm hơn triệu bạc/người trong khi hàng hóa buôn bán ngày càng ế ẩm” - ông Sang bức xúc.

Vẫn chưa duyệt giảm thuế nhập khẩu

Đại diện Hiệp hội Gas VN cho biết đã gửi văn bản đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu để giảm giá gas bán lẻ nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối tại TP.HCM cũng cho biết thống kê sơ bộ sản lượng gas tiêu thụ giảm khoảng 20-25% do người tiêu dùng cân nhắc chọn các phương thức thay thế như bếp điện, than, củi. “Phản ứng chậm trễ trong việc làm “hạ nhiệt” giá gas của các cơ quan nhà nước không những khiến ngành kinh doanh xáo trộn mà hàng loạt ngành kinh doanh khác bị ảnh hưởng. Hệ lụy không nhỏ của việc này là việc tát nước theo mưa, có lý do chính đáng để các cơ sở kinh doanh tạo mặt bằng giá mới nhưng không giảm xuống khi diễn biến giá gas giảm. Chỉ có người dân là chịu thiệt!” - một chuyên gia trong ngành gas bày tỏ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giá xăng tăng gần 600 đồng/lít Giá xăng tăng 584 đồng/lítKhông tăng giá xăng, ngưng xả quỹ bình ổn với dầu FO Giá xăng tăng 584 đồng/lít

LÊ SƠN - TRẦN VŨ NGHI- ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên