17/10/2014 11:19 GMT+7

​Giá xăng dầu còn tăng nhanh, giảm chậm?

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TT - Ngày 16-10, Bộ Công thương đã chính thức công bố dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng bán lẻ liệu có tăng sau khi chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được phép tăng? (ảnh chụp tối 16-10) - Ảnh: Hoàng Thạch vân
Giá xăng bán lẻ liệu có tăng sau khi chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được phép tăng? (ảnh chụp tối 16-10) - Ảnh: Hoàng Thạch vân

 

Trong đó, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ, đã gồm cả cho tổng đại lý, đại lý) của tất cả các mặt hàng xăng dầu đều tăng. 

Cụ thể, chi phí định mức bình quân (giữa các vùng trong cả nước) của xăng tối đa sẽ là 1.050 đồng/lít (quy định hiện hành là 860 đồng/lít), chi phí định mức bình quân với dầu hỏa, dầu diesel tối đa là 950 đồng/lít (hiện hành là 860 đồng/lít), chi phí bình quân với dầu mazut tối đa 600 đồng/kg (hiện là 500 đồng/kg).

Trả lời Tuổi Trẻ về cơ sở cho việc tăng chi phí kinh doanh định mức lên 1.050 đồng/lít với xăng, cùng các mặt hàng khác, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết qua kết quả khảo sát thực tế đã thấy chi phí thực tế của doanh nghiệp tăng, vì vậy cần điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Tuấn cho biết thực tế các doanh nghiệp đầu mối kiến nghị tăng định mức cao hơn mức 1.050 đồng/lít, tuy nhiên trên cơ sở phân tích sâu hơn cho thấy không phải chi phí kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa đều giống nhau và đều tăng.

Vì vậy, đã tách xăng có một mức chi phí kinh doanh riêng, dầu hỏa và dầu diesel một mức chi phí riêng, dầu mazut một mức riêng (trước chỉ phân biệt hai loại).

Về lợi nhuận định mức, dự thảo thông tư của liên bộ vẫn giữ nguyên mức tối đa 300 đồng/lít, kg.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tăng chi phí kinh doanh định mức có khiến tăng giá bán xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm - phó tổng giám đốc Petrolimex - cho rằng trước đây doanh nghiệp chi phí nhiều hơn định mức cho phép, thì khoản tăng cao hơn không được tính vào chi phí mà phải trừ vào lợi nhuận.

Vì vậy, tăng chi phí kinh doanh định mức không có nghĩa là tăng giá xăng dầu, bởi hiện tại doanh nghiệp đã chi ở mức đó rồi. “Chỉ khác là chi phí định mức cao hơn giúp kết quả hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn” - ông Năm phân tích.

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo dự thảo sẽ vẫn trực thuộc doanh nghiệp nhưng được mở một tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của quỹ đã sòng phẳng hơn. Quỹ bình ổn giá vẫn trích “thường xuyên, liên tục” với mức 300 đồng/lít hoặc kg.

Tiền trong quỹ gửi tại ngân hàng phát sinh lãi, doanh nghiệp sẽ phải tính gộp lãi vào quỹ. Song nếu quỹ âm mà doanh nghiệp vẫn phải xả theo chỉ đạo, họ được vay ngân hàng và tiền lãi phát sinh sẽ được bù khi quỹ có tiền trở lại. Trường hợp thương nhân đầu mối bị phá sản, giải thể thì số dư quỹ bình ổn giá sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Vẫn theo dự thảo, quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ xả hỗ trợ, bù phần chênh lệch khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành từ 3% trở lên. Nếu giá cơ sở tăng từ 3% đến 4%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến 3% và được sử dụng quỹ bình ổn giá đối với phần tăng vượt 3% đến 4%.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 4% đến 7%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến 3% cộng thêm 50% mức chênh lệch từ vượt 3% đến tỉ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng đến 7%. 50% còn lại được bù đắp từ quỹ bình ổn giá.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán đến 3%, phần còn lại Bộ Công thương chủ trì báo cáo Chính phủ quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, các biện pháp kinh tế hành chính khác...

Không thống nhất, Bộ Công thương sẽ quyết giá

Thông tư mới cũng nêu nổi bật vai trò chủ trì điều hành giá của Bộ Công thương. Theo đó, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương sẽ làm tổ trưởng tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu.

Trường hợp ý kiến của hai bộ khác nhau, Bộ Công thương quyết định và chịu trách nhiệm, trường hợp cần thiết Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2014.

 

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên