Giá vàng trong nước đã vượt 47 triệu đồng/lượng vào sáng nay, 24-2 - Ảnh: NGỌC PHUỢNG
Công ty SJC sáng nay niêm yết giá vàng nhẫn loại 0,5 chỉ ở mức 47,05 triệu đồng/lượng, giá bán vàng nhẫn loại 1, 2 chỉ thấp hơn 100.000 đồng/lượng, ở mức 46,95 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó giá vàng miếng liên tục tăng. Lúc 9g30 giá vàng miếng còn ở mức 46,85 triệu đồng/lượng, đến 10g giá vàng miếng đã tăng lên 46,9 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.661,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 46,69 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 210.000 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên trong vòng ba tuần qua, giá vàng trong nước vượt giá vàng thế giới. Những ngày trước, dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng giá vàng trong nước tăng rất chậm. Tính đến cuối tuần qua, giá vàng trong nước đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi 230.000 đồng/lượng.
Tại các cửa hàng vàng, giá vàng cũng tăng rất nhanh, vượt cả giá niêm yết tại Công ty SJC. Tại tiệm vàng Mi Hồng, giá bán vàng miếng đã ở mức 47 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán cũng được nới rộng lên mức 400.000 đồng/lượng để đề phòng rủi ro.
Tại Công ty SJC, khoảng cách giữa giá mua – bán cũng gia tăng cách biệt do lo ngại rủi ro khi giá vàng tăng quá nhanh. Với vàng miếng, mức chênh lệch là 500.000 đồng/lượng, trong khi với vàng nhẫn, mức chênh dao động từ 600.000 -700.000 đồng/lượng, tùy trọng lượng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng liên tục tăng mạnh, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lan nhanh ngoài Trung Quốc, sang Hàn Quốc, Nhật Bản... khiến nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn.
Theo khảo sát vàng của Kitco News, nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực do tác động của dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và sự lây lan virus sang các quốc gia khác có thể làm phá vỡ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận