09/11/2018 11:04 GMT+7

Giá trị của pháp luật

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Việc chọn một ngày trong năm để đặt tên là Ngày pháp luật không chỉ đơn giản là việc làm mang tính nghi thức nhằm tôn vinh giá trị của luật pháp.

Giá trị của pháp luật - Ảnh 1.

Trên hết, đó là lời nhắc nhở đối với mọi người về sự cần thiết của việc làm cho luật pháp phát huy tác dụng như một chất ximăng kết dính các giềng mối của đời sống xã hội, từ đó kiến tạo trật tự xã hội bền vững.

Xã hội thượng tôn luật pháp đặc trưng bởi sự thống trị của một nguyên tắc kép.

Một mặt, chỉ có một hệ thống pháp luật cho tất cả thành viên trong xã hội, không phân biệt người lãnh đạo quốc gia hay người dân thường, người giàu hay người nghèo, nam hay nữ, sang hay hèn... 

Mặt khác, pháp luật là chuẩn mực cao nhất và không thể bị lấn át bởi bất kỳ chuẩn mực nào khác trong việc chi phối hành vi xã hội của công dân.

Tuy nhiên, để pháp luật xứng đáng với vị trí đó, điều cần thiết bản thân pháp luật phải được nhìn nhận là một hệ thống chuẩn mực ứng xử có chất lượng. 

Theo các nhà tư tưởng lớn, luật được coi là có chất lượng một khi các quy tắc pháp lý giải quyết thấu đáo vấn đề dung hòa các lợi ích khác biệt. 

Có một chân lý rất giản dị mà người làm luật phải hiểu: con người (người dân) không bao giờ tự giác hành động chống lại các lợi ích sống còn, thiết thân của mình. Bởi vậy, một khi luật chứa đựng các quy tắc đi ngược lại các lợi ích mà công dân đeo đuổi thì không thể có chuyện công dân tự nguyện tuân thủ các quy tắc ấy.

Trong vụ xử lý việc mua bán trái phép 100 USD tại Cần Thơ, những người có thẩm quyền hẳn đã làm đúng luật, nhưng dư luận vẫn bức xúc. 

Lý do luật đó thật ra là sản phẩm của kiểu tư duy một chiều, chủ yếu nhằm phục vụ công việc quản lý của nhà chức trách hơn là để tổ chức giao dịch thuận lợi trong xã hội cho người dân.

Đáng nói là luật như thế không hiếm và điều này có nguồn gốc từ cơ chế làm luật đang vận hành. Vì nhiều lý do, luật được thông qua thường chỉ có các quy tắc rất chung, phải dựa vào các nghị định, thông tư để được cụ thể hóa, chi tiết hóa. Vì vậy, cần cải cách cơ chế làm luật theo hướng dân chủ hóa hoạt động xây dựng pháp luật. 

Các văn bản quy phạm pháp luật phải được soạn thảo trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là của các đại diện cho những lợi ích có liên quan. 

Trong quá trình thực hiện pháp luật cần thường xuyên khảo sát, đánh giá tác động của các quy định đề ra, ghi nhận phản ứng của những chủ thể có liên quan, từ đó cân nhắc về những khả năng hoàn thiện luật pháp theo hướng tốt nhất có thể.

Có luật tốt chưa đủ, cần bảo đảm luật được thực thi nghiêm chỉnh một cách phổ biến. Cùng vi phạm luật giao thông nhưng có người bị gọi lại để chịu xử phạt, người khác lại được cho đi tiếp thì không ổn. 

Thực thi nghiêm chỉnh luật pháp còn bao hàm việc trang bị cho người có chức trách nhận thức đúng đắn về luật để áp dụng cho đúng. 

Trong vụ lùi xe trên đường cao tốc gây tai nạn ở Thái Nguyên mà dư luận đang đặc biệt quan tâm là một ví dụ, nhiều ý kiến cho rằng thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử đã hiểu sai về điều kiện áp dụng quy định giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông, từ đó đã ra bản án không hợp lý.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên