Giá thịt heo có thể tăng nhẹ những tháng cuối năm - Ảnh: C. TUỆ
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng đầu năm giá lúa gạo tại miền Bắc có xu hướng tăng, trong khi miền Nam giảm so với cùng kỳ 2021 và giữ ổn định trong nửa đầu tháng 10.
Với rau quả, trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, giá rau củ quả tương đối ổn định, không có biến động bất thường do nguồn cung dồi dào.
Chăn nuôi cũng không có diễn biến bất thường về giá trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022.
Cụ thể, giá thịt heo mặc dù vẫn ở mức cao so với trước khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi nhưng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, heo hơi dao động trong khoảng 56.000 - 63.000 đồng/kg trong tháng 9 (giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng 8), nhưng nửa đầu tháng 10 biến động theo xu hướng tăng ở nhiều nơi (tăng khoảng 1.000 - 4.000/kg).
Trong khi đó, giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học... vẫn còn khá yếu.
Ông Tống Xuân Chinh, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đến nay tổng đàn heo cả nước khoảng 28,6 triệu con, gia cầm 533 triệu con, cung cấp 13,4 tỉ quả trứng, 6,41 triệu con bò, 2,27 triệu con trâu...
"Với đà phát triển giá trị sản xuất chăn nuôi (tăng 5,5%), đến giờ hoàn toàn có cơ sở khẳng định thực phẩm cuối năm nay đảm bảo" - ông Chinh nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết dự báo từ nay tới cuối năm, nếu tiếp tục duy trì và đảm bảo sản xuất trồng trọt và chăn nuôi thì về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm.
Tuy nhiên giá cả một số mặt hàng như gạo và thịt heo có thể tăng nhẹ do nhu cầu các dịp lễ Tết cuối năm. Mức độ tăng giá phụ thuộc vào mức độ bùng phát dịch bệnh và nguồn cung từ việc nhập khẩu.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giá Chính phủ diễn ra một ngày giữa tháng 10-2022, Bộ Tài chính dự báo nếu giá thịt heo tăng thêm 10%, giá gạo tăng thêm 5% tác động đến CPI khoảng 0,05%. Nếu giá thịt heo tăng thêm 15%, giá gạo tăng thêm 10% tác động đến CPI khoảng 0,1%.
"Giá rau củ quả và thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào, nhu cầu ổn định. Giá mặt hàng phân bón và thức ăn chăn nuôi có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ do giá thế giới có xu hướng tăng trở lại" - ông Toản thông tin.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị Cục Trồng trọt đánh giá cụ thể tình hình sản xuất, cân đối cung cầu các mặt hàng lúa gạo, rau quả phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Cục Chăn nuôi cần cân đối cung cầu các mặt hàng thịt heo, gia cầm và gia súc ăn cỏ phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương để ổn định giá cả thị trường.
Bên cạnh đó, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân chăn nuôi heo, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt heo...
Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 45 tỉ USD
Ngày 28-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 năm nay đạt 4,5 tỉ USD (tăng 13,5% so với tháng 9), trong đó nhóm nông sản chính trên 2,1 tỉ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỉ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…
Tính chung 10 tháng năm 2022, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu được 44,9 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỉ USD, lâm sản chính khoảng 14,4 tỉ USD, thủy sản đạt 9,4 tỉ USD, chăn nuôi 326,9 triệu USD, đầu vào sản xuất gần 2 tỉ USD.
Dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng thì cả năm 2022, xuất khẩu nông sản sẽ đạt trên 50 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận