22/10/2022 08:28 GMT+7

Xuất khẩu gạo 'đói' vốn

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo và áp thuế 20% gạo xuất khẩu, giá lúa gạo tại thị trường Việt Nam và thế giới tăng mạnh. Cùng thời điểm này, việc tỉ giá USD tăng mạnh đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi nhuận hơn.

Xuất khẩu gạo đói vốn - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ĐBSCL cho biết dù được hưởng lợi nhờ tỉ giá và thị trường nhưng đang gặp khó do thiếu vốn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp lớn chỉ tăng về giá trị xuất khẩu và sản lượng trong nước mà không thể ký kết được hợp đồng mới. Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về vốn, không thể tiếp cận vốn tín dụng vì các ngân hàng đều siết "room" (hạn mức) tín dụng.

Giá lúa tăng, nông dân hưởng lợi

Ghi nhận tại Đồng Tháp cho thấy giá lúa gạo đang tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động 5.400 - 5.600 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước. Giá lúa OM5451 dao động 6.100 - 6.200 đồng/kg, giống Đài thơm 8, OM18 từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, đều tăng 200 - 600 đồng/kg so với tuần trước.

Giá lúa gạo tăng đang giúp bà con nông dân thu được lợi nhuận khoảng 9 - 15 triệu đồng/ha. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận tăng 1 - 2,2 triệu đồng/ha đối với nhóm lúa thường và chất lượng cao, còn nhóm nếp tăng 13,5 triệu đồng/ha. Đây là động lực thúc đẩy bà con nông dân phấn khởi chuẩn bị cho các công tác xuống giống vụ đông xuân 2022 - 2023.

Theo ông Võ Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - việc giá lúa tăng cao có thể do lượng lúa thu đông thu hoạch không còn, nhiều nguồn cung giảm do Ấn Độ đã cấm xuất khẩu và áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng lúa còn lại trên đồng tại Đồng Tháp không nhiều, ước khoảng 120.000 - 130.000 tấn.

"Chúng tôi tiếp tục đề ra các nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện như: tập trung khuyến cáo đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa xác nhận, các giống lúa chất lượng cao, thơm đặc sản có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu", ông Điền nói.

Bà Nguyễn Thị Lê - phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang - cho hay giá lúa nhóm có phẩm chất trung bình như OM380, IR50404 dao động 5.600 - 6.000 đồng/kg, nhóm lúa thơm như Đài thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật có giá 6.000 - 7.800 đồng/kg, nhóm đặc sản như Nàng Nhen, lúa mùa có giá 11.500 - 12.000 đồng/kg...

Dự kiến, cuối tuần này An Giang sẽ thu hoạch được 30.000ha, năng suất 5,9 tấn/ha, với sản lượng 177.000 tấn. Theo bà Lê, giá lúa gạo đang tăng là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất tiếp tục cho vụ đông xuân 2022 - 2023, vụ chính của năm, đóng góp rất lớn cho người sản xuất.

"Giá lúa gạo tăng là do vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL chưa vào thu hoạch đại trà, nguồn cung chưa nhiều, trong khi thông tin Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo cũng là một trong những tác động đến giá lúa gạo của Việt Nam nói chung. Ngoài ra, thông tin gạo của Việt Nam (gạo của Lộc Trời) đã vào hệ thống siêu thị của Pháp cũng là những tín hiệu tích cực tác động đến giá lúa gạo", bà Lê nói.

Nhưng xuất khẩu gặp khó vì thiếu vốn

Một doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lớn ở ĐBSCL cho biết loại gạo thơm 5% (OM18) xuất khẩu có giá khoảng 650 - 680 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD so với trước khi Ấn Độ thông báo thay đổi chính sách xuất khẩu. 

Còn giá gạo nguyên liệu khoảng 9.100 - 9.200 đồng/kg. Giá tấm duy trì ở mức 9.200 - 9.300 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ tham gia trở lại thị trường lúa gạo trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu có thể chững lại hoặc giảm chút ít nhưng sẽ không tăng nữa.

"Từ đầu năm đến nay, tình hình chung là xuất khẩu gạo rất thuận lợi. Đối với những doanh nghiệp nào đã giao hàng rồi, có tiền về rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng. Riêng đối với những đơn hàng chưa giao thì các khách hàng sẽ e ngại, vì giá USD tăng nên họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn này hay giai đoạn khác", vị này nói.

Ông Huỳnh Thanh Tùng - tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) - cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc tỉ giá USD tăng và Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, dù Việt Nam không xuất khẩu gạo cấp thấp (loại 5% tấm và 25% tấm) như Ấn Độ. Đến thời điểm này, Angimex đã xuất khẩu trên 200.000 tấn gạo các loại, vượt kế hoạch đề ra.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ được hưởng lợi từ tỉ giá USD, còn sản lượng xuất khẩu không tăng. Vì các doanh nghiệp đều ký kết hợp đồng với đối tác từ đầu năm, không thể nửa chừng mà có thêm hợp đồng được. Tuy nhiên, các ngân hàng đang siết "room" tín dụng khiến các doanh nghiệp vất vả, vì không có tiền mua lúa gạo cho dân. Chúng tôi mong muốn ngân hàng mở rộng "room" để vay được vốn kinh doanh", ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho hay việc tỉ giá USD tăng, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà nông dân trồng lúa cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, dù Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam cũng không thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong năm nay do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Bình, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lo ngại nhất là việc các ngân hàng đồng loạt siết "room" tín dụng khiến việc tiếp cận vốn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. "Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có hướng nới tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giúp ngành lúa gạo tận dụng được cơ hội hiện nay", ông Bình đề nghị.

Tăng mạnh về sản lượng và kim ngạch

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chín tháng đầu năm xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt sản lượng trên 5,4 triệu tấn, với kim ngạch 2,64 tỉ USD, tăng 19,3% về sản lượng, 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho biết thị trường xuất khẩu gạo diễn ra bình thường trong chín tháng đầu năm. Tuy nhiên, kể từ tháng 10, thị trường đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu - đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới. Do vậy, khi quốc gia này dừng xuất khẩu gạo tấm đột ngột đã làm nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt trầm trọng.

Gạo thơm, gạo chất lượng cao Việt Nam đang chiếm ưu thế xuất khẩu Gạo thơm, gạo chất lượng cao Việt Nam đang chiếm ưu thế xuất khẩu

TTO - Thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao. Trong đó, các giống như Đài Thơm 8, OM 5451 và OM 18 chiếm ưu thế và có tính cạnh tranh rất cao.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên