Sách giáo khoa hiện là chủ đề đang làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh: TTO
Dường như có gì đó vị tư lệnh ngành giáo dục chưa thấu cảm với những đề đạt của dân liên quan đến sách giáo khoa mới.
Trước hết, Bộ trưởng Sơn cho rằng việc này (sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần), "không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp".
Thưa bộ trưởng, liên quan sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo từ thiết kế chương trình, thẩm định nội dung sách giáo khoa, là cấp trên của Nhà xuất bản Giáo Dục, hướng dẫn các tỉnh/thành phố trong cả nước quy trình chọn sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước về nội dung liên quan đến sách giáo khoa; khác nào bộ quản lý từ A - Z, nay sách giáo khoa mới đắt gấp 2 - 3 lần, nhiều khó khăn nhân dân hứng chịu do tác động dịch bệnh COVID-19, rồi học phí các địa phương rục rịch tăng, đầu năm phụ huynh chật vật với tiền trường,… bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo sao không lắng nghe tiếng dân?
Thanh minh, giải thích để dân hiểu, dân tin, dân đồng hành với Bộ Giáo dục và đào tạo, cần lắm tiếng nói của người đứng đầu, tại sao không?
2. Có câu "liệu cơm gắp mắm", áp dụng cho sách giáo khoa mới, phải chăng là cân đối nội dung, tiết kiệm, tính toán yếu tố kỹ thuật, hình ảnh, giấy in… để có giá cả hợp với túi tiền của phụ huynh mà phần lớn trong số đó họ còn nhiều lo toan, tôi biết, có gia đình phụ huynh chạy gạo hằng ngày - việc làm đó hết sức cần thiết trong một vài năm học tới, phương án đó Bộ Giáo dục và đào tạo có tính toán hay không? Nếu có, xin công khai cho người dân được biết.
3. Theo bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành... doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Tôi băn khoăn, việc đó liệu đã trúng hay chưa, bởi liên quan đến việc dạy - học của mấy triệu học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh (chỉ mới tính đến khối lớp 3, 7, 10 năm học 2022-2023), sao Bộ Giáo dục và đào tạo lại đứng ngoài cuộc? Lẽ ra, bộ cần chỉ đạo cấp dưới và phối hợp với Bộ Tài chính để có những quyết định liên quan sách giáo khoa mới một cách thấu tình, đạt lý!
4. Việc nhiều người nói "năm nào cũng thay sách", thưa bộ trưởng, không phải như bộ trưởng giải thích, rằng, "Năm nào có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ không dùng được cho năm mới".
Vấn đề ở đây, nhiều năm học trước, "sách giáo khoa nào là "đá", "sạn", được biên soạn để học sinh làm bài tập, báo cáo thực hành vào sách giáo khoa, rồi chỉnh sửa, thêm - bớt nội dung; tệ hơn, sách dùng cho phân ban thay đổi xoành xoạch - năm sau không dùng được sách giáo khoa năm cũ là một thực tế, gây hoài nghi, bức xúc trong giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Tới đây, với nhiều bộ sách giáo khoa, nếu năm này địa phương chọn A, năm sau chọn B, học sinh năm sau rồi sao? Tỉnh này chọn bộ sách giáo khoa X, tỉnh kia chọn bộ sách giáo khoa Y, học sinh chuyển trường có phải mua sách giáo khoa nữa không?
Thiếu sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, sách giáo khoa tựa "trăm hoa đua nở", nỗi khổ này, Bộ Giáo dục và đào tạo chia sẻ sao đây?
Sách giáo khoa cũ - mới, có thể khác nhau về hình thức, cấu trúc, nhưng kiến thức phổ thông là căn bản. Nếu có cách biên soạn sách giáo khoa phù hợp, vì người học thì không chỉ năm học sau mà nhiều năm học sau đó các thế hệ học sinh vẫn sử dụng được.
5. Theo bộ trưởng, ông đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo Dục dành 25.000 bản (với mỗi bản sách giáo khoa mới) để phát cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
Tạm tính mỗi khối lớp khoảng 1.500.000 học sinh thì mới đạt khoảng 1,67%, quá ít ỏi so với lợi nhuận khủng từ việc kinh doanh sách giáo khoa. Nơi phố thị, còn có một bộ phận phụ huynh học sinh khó lắm, họ không thuộc diện nghèo, làm sao con em họ có sách giáo khoa mới?
6. Cũng theo bộ trưởng, "nếu như so sánh với các bộ sách Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì so sánh đấy không tương đồng".
Không phải người dân không biết điều đó, nhưng so sánh để thấy sách giáo khoa mới tăng giá chưa phù hợp với đời sống của đông đảo phụ huynh lúc này.
Và, so sánh để muốn nói, đâu là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo khi bộ là "tổng đạo diễn" Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà sách giáo khoa mới là một phần của "kịch bản" đó! Giáo dục số, sách giáo khoa số đang ở đâu?
Thư viện các trường lấy đâu ra tiền để trang bị sách giáo khoa dùng chung, hay lại kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp? Bộ trưởng có nghĩ đến... đóng góp chồng đóng góp?
Sách giáo khoa mới đắt gấp 2 - 3 lần, qua giải thích của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, thú thật, chưa làm yên lòng đến ngay cả giáo giới chúng tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận